Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp

09:03, 31/03/2017

Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành cuốn sách Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp. Trước đó, nhà văn Lê Văn Thảo đã qua đời ngày 21-10-2016 sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư...

Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016).
Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016).

Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành cuốn sách Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp. Trước đó, nhà văn Lê Văn Thảo đã qua đời ngày 21-10-2016 sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư...

Nói đến Lê Văn Thảo, nhiều người biết ông có hàng chục năm làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Với 2 tiểu thuyết Một ngày và một đờiCơn giông, văn nghiệp Lê Văn Thảo được ghi nhận qua các giải thưởng: giải A năm 1998 và giải B 2003 của Hội Nhà văn Việt Nam, giải văn học Đông Nam Á (ASEAN) 2006, giải thưởng nhà nước 2007. Đặc biệt, tiểu thuyết Con đường xuyên rừng Tuyển tập truyện ngắn của Lê Văn Thảo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Nhà văn Lê Văn Thảo sinh năm 1939, tên thật Dương Ngọc Huy, năm 1962 đang học Khoa Toán - Lý (Đại học khoa học Sài Gòn), ông thoát ly vào chiến khu theo lời nhắn của cha ông - nhà giáo Dương Văn Diêu, từng làm hiệu trưởng một trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, sau đó ông làm Trưởng tiểu ban giáo dục ở R. Vào chiến khu ông lấy tên Lê Văn Thảo theo họ mẹ để tránh phiền nhiễu cho người thân còn ở trong thành.

Dòng họ Dương của nhà văn Lê Văn Thảo có thể nói là khá “kỳ lạ” trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Ông gọi Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tướng “Việt cộng” Dương Văn Nhật là bác. Vì các ông Dương Văn Minh, Dương Văn Nhật và Dương Văn Diêu là anh em chú bác ruột. Kỳ lạ là bởi, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, anh em nhà họ Dương đều giữ những vị trí quan trọng, góp phần vào dòng chảy lịch sử.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc: “Với “thế đứng” này, Lê Văn Thảo từng phát biểu: “Trong đời tôi, vinh dự nhất là có 2 lần được đứng tên sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thuở thanh xuân, tôi vào chiến trường, được gọi là bộ đội Cụ Hồ. Và những năm tháng cuối đời, tôi nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Câu phát biểu này, ông nói khi hay tin ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2012)”.

Tác phẩm của Lê Văn Thảo từng được chuyển thể thành phim, như: Ông cá hô với vai diễn ấn tượng của Lê Vũ Cầu. Ông cá hô cũng như nhiều tác phẩm khác, dù trong thời chiến hay thời bình, phần lớn Lê Văn Thảo đều viết về vùng đất và con người Nam bộ mà ông gắn bó cả thời thơ ấu đến khi trưởng thành.

Tôi đã đọc truyện ngắn Đêm Tháp Mười của Lê Văn Thảo, in báo trong chiến khu năm 1962 và in thành sách năm 1972. Thực sự kinh ngạc, vì Đêm Tháp Mười có một chi tiết rất “điện ảnh” giống như phim Cánh đồng hoang do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản. Phim Cánh đồng hoang xuất hiện sau ngày hòa bình, Đêm Tháp Mười có từ thời chiến tranh, chắc chắn Lê Văn Thảo không “mượn ý tưởng” của Nguyễn Quang Sáng.

Đem thắc mắc này hỏi Lê Văn Thảo, ông chỉ cười: “Ông Sáng là đàn anh của tao, mãi mãi là đàn anh của tao. Cánh đồng hoang là phim còn Đêm Tháp Mười là truyện, giống nhau cũng có sao đâu!”. Chi tiết trong truyện và trong phim giống nhau đó là cảnh diễn viên Lâm Tới cho đứa nhỏ vào bịch ny-lông lặn xuống nước tránh máy bay địch quần thảo trên đầu giữa đồng trống.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Với ông, tôi vẫn nhớ nhất là những tháng năm ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Khi nhà văn làm công tác quản lý, ngẫm lại cũng có cái hay. Với thế hệ chúng tôi, ấn tượng nhất vẫn là thời 2 ông Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo nắm cương vị chủ chốt. Với bản tính xuề xòa, dễ gần gũi, chân tình, 2 ông đã kéo hội viên ngồi lại gần hơn. Thỉnh thoảng anh em tạt ngang qua Hội, gặp nhau cùng trò chuyện dăm ba câu tếu táo, hỏi han nhau về sáng tác cứ như thể về nhà của mình. Không có sự cách biệt. Sự thân thiện ấy, sau này, khó có thể tìm lại được nữa”.

Rất nhiều đồng nghiệp tưởng nhớ với nhiều kỷ niệm về Lê Văn Thảo, nhưng sinh thời hỏi ai là bạn thân nhất của ông, Lê Văn Thảo nói: Lê Anh Xuân. Lê Văn Thảo và nhà thơ Lê Anh Xuân thân nhau bởi 2 ông cùng là sinh viên gác bút nghiên vào chiến trường, ở cùng đơn vị và cùng nghề viết. Khi Lê Anh Xuân hy sinh vào năm Mậu Thân 1968, chính Lê Văn Thảo là người chôn cất bạn.

Tập nhật ký của tác giả Dáng đứng Việt Nam được Lê Văn Thảo giữ gìn đến tận sau này. Những dòng chữ cuối cùng trong nhật ký Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến) do Lê Văn Thảo viết ngày 24-5-1968: “Hôm nay là ngày Hiến hy sinh. Khoảng trưa. Hiến không còn nữa. Hiến chết dưới HBM (hầm bí mật). Lạ thật. Đến tối, Thảo và anh em chôn Hiến ở ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước”. Sau ngày hòa bình, cũng chính Lê Văn Thảo đã tìm mộ nhà thơ, liệt sĩ, anh hùng Lê Anh Xuân. Giờ đây, đôi bạn thân Lê Anh Xuân và Lê Văn Thảo đang ở cạnh nhau trong Nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh...

Hoàng Nhân

Tin xem nhiều