Báo Đồng Nai điện tử
En

"Viên ngọc sáng" phương Nam

10:01, 06/01/2017

Đờn ca tài tử Nam bộ là một trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đờn ca tài tử Nam bộ là một trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính các làn điệu từ bộ môn này đã làm nên vóc dáng nền âm nhạc dân tộc miền Nam, tạo nên một nét rất riêng của không gian văn hóa đồng bằng Nam bộ, toát lên một giá trị hết sức đặc biệt có sức quyến rũ kể từ khi ra đời - khoảng thế kỷ 19 cho đến nay. Và vùng được xem là cái nôi của bộ môn này chính là đồng bằng sông Cửu Long.

Đờn ca tài tử nam bộ
Đờn ca tài tử nam bộ

Bài bản của bộ môn này rất phong phú và đa dạng, thường không có tác giả cụ thể nào trong việc sáng tác ra âm giai của làn điệu, mà chính các làn điệu được biến tấu dần từ khởi xướng của người phương Nam kể từ khi tiếp nối nhau cất giọng.

Với cách biểu tả riêng, dân gian tiếp nối nhau thêm mảng miếng âm thanh tạo cách nhã từ thả chữ ăn ý - đã tạo nên diện mạo làn điệu mới - để từ đó phát triển và hình thành nên các làn điệu dân ca, hò lý, bài bản… Đó là những nền tảng ban đầu của âm nhạc cổ truyền Nam bộ, của nền âm nhạc dân gian phương Nam. Nền tảng ấy được tô đậm và gìn giữ lâu dần hình thành bộ môn đờn ca tài tử Nam bộ nổi danh trên thế giới.

Có lẽ đờn ca tài tử Nam bộ có một nguồn gốc chung bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian - mà ông cha ta mang chút sắc thái đó vào phương Nam bằng con đường theo Chúa Nguyễn mở đất, cho nên đờn ca tài tử Nam bộ cũng thừa hưởng luôn nét văn nét đẹp và sự đồng bộ hài hòa của những màn kết hợp diễn tấu có người đàn, người đánh nhịp, người gõ trống... ăn ý với người ca, nâng chất bài bản trên thành những bài ca viết riêng nổi bật (còn gọi là bài ca lẻ).

Đờn ca tài tử Nam bộ vào cuối thế kỷ 19 theo nhịp sống của những người yêu nó, cũng phát triển hơn với nhiều làn điệu bài bản được sáng tác thêm do những tác giả mới, bổ sung vào kho tàng dân ca hò lý của văn học dân gian - bài Vọng cổ, bài Dạ cổ hoài lang là những điển hình nổi bật nhất trong giai đoạn này.

Việc ra đời những bài bản mới đã làm rạng danh bộ môn trong suốt thế kỷ 20. Và đến nay bộ môn đã tích hợp nhiều bài bản của các tác giả  để lưu giữ thành một kho tàng văn hóa dân gian xứng đáng, khẳng định vị trí trong lòng công chúng khắp nơi trên thế giới.

Đờn ca tài tử lúc bấy giờ cũng bao gồm những màn biểu diễn kết hợp hát hò đối đáp hoặc dùng lời ca và giai điệu mới để diễn tấu theo tuồng tích hết sức thu hút (gọi là ca diễn và dần dần tiến đến ca ra bộ...), khởi đầu của bộ môn Cải lương Việt Nam hết sức lung linh và biến ảo, thu hút hàng triệu con tim khán giả Việt Nam mộ điệu những làn điệu phương Nam trên sân khấu, khiến bộ môn này một thời phát triển mạnh.

Chính sự phát triển ngày càng  biến ảo của lời ca mới cộng với sự góp sức không ngừng để cải tiến dần các cách ca hò khiến các điệu lý, nhịp vè… trở thành làn sóng cách tân dân ca dân gian cổ truyền Nam bộ, để các bài bản càng thêm đặc sắc, ghi một dấu ấn mới của nền văn hóa phi vật thể lung linh, xứng đáng với danh hiệu là một trong các bảo vật văn hóa của quốc gia, xứng đáng được bảo tồn và lưu giữ trong nền văn hóa dân tộc Việt, thành “ngọc sáng” phương Nam.

Ngày nay, bộ môn này cũng đang được các nghệ sĩ, nghệ nhân trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật của bộ môn, mà cụ thể nhất là thông qua việc quảng bá lưu truyền các bài bản tổ cho quần chúng nắm bắt và cùng tiếp sức gìn giữ, phát triển.

Một số làn điệu lý, bài dân ca được đưa vào chương trình dạy học ở các trường phổ thông cho các học sinh hiểu về âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng bộ môn này chưa được sự chú ý từ các cơ quan có thẩm quyền cho lắm - dù sức hút của bộ môn vẫn còn trong công chúng. Hiếm có sự bảo trợ cho bộ môn này phát triển rộng trong quần chúng, các nghệ sĩ cổ nhạc phải đang tự mình bơi và tồn tại, vẫn phải tự mình thắp sáng hào quang cho chính bản thân mình và tự thân góp sức lưu giữ bảo tồn cho nghề ca cổ không bị mai một. Các sân khấu cải lương cũng đang cố gắng tồn tại bằng chính tài năng ca diễn của mình, nhưng rồi liệu được bao lâu nếu trong mỗi chúng ta không góp chút công cùng gìn giữ?

Đạo diễn Hồng Yến

 

Tin xem nhiều