Báo Đồng Nai điện tử
En

Khôn ngoan và khôn lỏi

11:01, 13/01/2017

Tại một sự kiện lễ hội, ở khu vực ẩm thực có nhóm thanh niên tổ chức nấu chè bán lấy tiền gây quỹ, toàn bộ tiền thu được sẽ trao tặng cho quỹ học bổng dành cho người thân của nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

1. Tại một sự kiện lễ hội, ở khu vực ẩm thực có nhóm thanh niên tổ chức nấu chè bán lấy tiền gây quỹ, toàn bộ tiền thu được sẽ trao tặng cho quỹ học bổng dành cho người thân của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, vì nhằm mục tiêu kêu gọi lòng hảo tâm cũng như sự quan tâm của công chúng đối với đối tượng này nên cả nhóm quyết định không định giá bán, mà giá chè do khách hàng tự nguyện trả.

Có một gia đình khá đông người đi dự lễ hội, ngồi chiếm cả mấy bàn lớn. Một người trong nhóm đến hỏi giá bán chè, sau khi biết giá là tự nguyện, đã nhanh chóng quay về bàn bạc và “cử” mấy em nhỏ trong nhóm đến mua mấy chục ly chè. Mỗi ly chè, các em “tự nguyện” trả… 2 ngàn đồng. Nhóm thanh niên bán chè chưng hửng. Một người không nhịn được, hỏi: “Bé ơi, thường ngày con đi mua chè người khác bán bao nhiêu một ly?”. “Dạ, 10 ngàn đồng”. “Vậy sao chè ở đây con đưa có 2 ngàn đồng?”. “Dạ, người nhà con nói mua chè trả tiền tự nguyện, ngu gì đưa nhiều”.

2. Gần khu công nghiệp có xe mì gõ bán khá đắt hàng. Ngoài ông chủ kiêm đầu bếp, còn có một cậu bé “chuyên trách” cầm 2 thanh tre gõ rao hàng và bưng bê cho khách ở các gia đình, cơ quan gần đó. Đối với khách thuộc dạng bưng bê, cậu bé luôn hỏi khách ăn tô đặc biệt hay tô thường. Tô đặc biệt so với tô thường là có thêm mấy lát thịt mỏng dính, giá cũng cao hơn 3 ngàn đồng.

Có lần, tôi nhìn thấy cậu bé bưng mì gõ đến một cua quẹo khuất mắt ông chủ thì đặt tô mì xuống, ngó trước ngó sau, móc từ trong lưng quần ra cái bịch ny-lông, sau đó lấy lưng che khuất để bỏ gì đó vào tô mì. Máu nghiệp vụ nổi lên, tôi nghĩ bụng có khi nào thằng bé bỏ… ma túy hay gì gì đó để khách hàng ăn lâu ngày bị nghiện, không bỏ được món mì? Phải làm cho ra lẽ, tôi tìm cách phục kích bắt quả tang. Thằng bé bị bắt tại trận với một bịch ny-lông… thịt xắt mỏng, khai ở nhà mẹ nó mua thịt về luộc, xắt lát sẵn cho vào bịch để nó lận lưng quần, mỗi khi có khách gọi tô đặc biệt, thằng bé báo với ông chủ là tô thường, sau đó lén bỏ thêm thịt rồi tính giá tô đặc biệt, tất nhiên chênh lệch giá vào túi nó. Mỗi ngày, thằng bé “phụ thu” trên dưới 20 ngàn đồng từ xe mì gõ của ông chủ bằng cách này.

3. Lâu nay, người Việt thường được nhận xét là thông minh, lanh lợi, nhanh nhạy, giỏi ứng biến và chủ động “đi tắt, đón đầu”. Nhưng trong sự chủ động ấy cũng thường bộc lộ nhược điểm là ranh vặt, “khôn lỏi”. Điều này phản ánh tư tưởng tiểu nông của một bộ phận người Việt với những thói quen, tập quán, phong tục, hành vi, thái độ ứng xử tương ứng với phương thức sản xuất nhỏ và những điều kiện sinh hoạt phù hợp với bối cảnh nông nghiệp, nông thôn dẫn đến cách nghĩ cũng hết sức vụn vặt, lẻ tẻ, không có tầm nhìn xa, không có tính chiến lược, thiếu khả năng khái quát, tư duy  tổng hợp.

Với tư duy ấy, một số người chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài; chỉ thấy lợi ích cá nhân, không thấy lợi ích tập thể. Trong hội nhập quốc tế, thói quen khôn lỏi khó phát huy tác dụng, thậm chí còn “mất điểm”, thua thiệt. Chỉ cần được trả cao hơn vài đồng, nông dân sẵn sàng hủy hợp đồng trước đó để bán hàng cho thương lái Trung Quốc, đến khi thương lái Trung Quốc “bẻ kèo”, ngưng mua hàng thì rơi vào tình cảnh điêu đứng; doanh nhân Việt cùng ngành hàng sẵn sàng hạ giá bán để “giật mối” làm ăn, chèn ép lẫn nhau… là những ví dụ minh họa sống động về tính khôn lỏi.

Trong một xã hội văn minh, sự giành giật theo bản năng luôn cần được kiểm soát bởi hệ thống đạo đức hoặc luật pháp, nếu không xã hội sẽ khó thể phát triển. Sự khôn lỏi còn làm phai nhạt lòng tốt, tình nhân ái trong con người. Khôn ngoan là điều đáng mừng, còn khôn lỏi… khó mà chấp nhận.

Hà Lam

Tin xem nhiều