Báo Đồng Nai điện tử
En

Thư viện Đồng Nai 40 năm đồng hành cùng văn hóa đọc

10:11, 14/11/2016

Trên chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, ngoài vai trò quản lý, luân chuyển, điều tiết sách, báo, tạp chí... đến cơ sở, Thư viện Đồng Nai còn là nơi thân thiết, tin cậy và sẵn sàng phục vụ người yêu sách...

Trên chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, ngoài vai trò là đơn vị quản lý, luân chuyển, điều tiết sách, báo, tạp chí... đến từng thư viện cơ sở, Thư viện Đồng Nai còn là nơi thân thiết, tin cậy và sẵn sàng phục vụ người yêu sách trong tỉnh.

 Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Văn Tám (giữa) trao đổi cùng người dân về một cuốn sách tại tủ sách miễn phí phục vụ cộng đồng ở Khu giải trí người cao tuổi (ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) của ông Lê Nuôi. Ảnh: V.TRUYÊN
Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Văn Tám (giữa) trao đổi cùng người dân về một cuốn sách tại tủ sách miễn phí phục vụ cộng đồng ở Khu giải trí người cao tuổi (ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) của ông Lê Nuôi. Ảnh: V.TRUYÊN

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Văn Tám chia sẻ: “Dù là thiếu nhi hay người lớn tuổi chỉ cần có lòng yêu sách, đến Thư viện Đồng Nai đều được cán bộ, nhân viên của đơn vị phục vụ nhiệt tình với thái độ niềm nở, vui tươi. Bởi với chúng tôi, mỗi khi có bạn đọc tìm đến mượn sách, làm thẻ thành viên thư viện... là một niềm vui vì qua đó cho thấy kho tàng tri thức mà chúng tôi đang góp phần gìn giữ, nhân rộng được mọi người quan tâm”. 

Đổi mới để theo kịp xu thế

Vừa ngồi trước bàn máy vi tính cố định đặt tại Phòng mượn của Thư viện Đồng Nai, ông Võ Hồng Tuấn (74 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) vừa cho hay: “Việc tìm kiếm tựa sách, thể loại sách yêu thích khi đến Thư viện Đồng Nai ngày càng thuận tiện hơn. Điều này giúp người đọc, nhất là người lớn tuổi như tôi dễ dàng tìm thấy cuốn sách mà mình yêu thích trong số gần 1 triệu đầu sách, báo, chỉ với vài thao tác trên máy tính thay vì phải lục tìm ở từng tủ sách như trước kia”.

ông Nguyễn Thanh Bình (giáo viên nghỉ hưu, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) cho biết: “Tôi có thói quen đọc sách, song từ khi nghỉ hưu tôi ít có cơ hội làm điều này. Tất cả cũng bởi việc tìm đến với các nhà sách, thư viện là không dễ dàng với những người ở khá xa khu vực trung tâm và lớn tuổi như tôi. Vậy nên, cách đây 3 năm khi được bạn bè cung cấp thông tin, tôi đã đăng nhập vào website của Thư viện tỉnh để đọc sách vì đơn vị này đã đưa toàn bộ nội dung của sách lên internet”.

Học sinh làm thủ tục mượn sách tại Thư viện Đồng Nai.
Học sinh làm thủ tục mượn sách tại Thư viện Đồng Nai.

Từ năm 2013 Thư viện Đồng Nai đã hoàn thành và đưa vào ứng dụng hệ thống thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây. Đến nay, dự án đã số hóa trên 1 triệu trang sách lên hệ thống thư viện điện tử. “Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển rầm rộ như hiện nay, Thư viện Đồng Nai cũng phải bắt kịp xu hướng phát triển để phục vụ người đọc sách. Bên cạnh việc phát triển văn hóa đọc truyền thống, chúng tôi còn tích hợp nội dung sách lên mạng để mọi người có thể dễ dàng đọc sách thông qua máy tính, điện thoại di động...” - ông Nguyễn Văn Tám nhấn mạnh.

Thư viện Đồng Nai còn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả bảo quản sách, khu vực đọc sách cho người đọc. Ông Võ Hồng Tuấn nói: “Trước năm 2002 khi đến Thư viện Đồng Nai, phòng đọc thường nhỏ, hẹp với vách tường cũ kỹ. Song từ năm 2002 đến nay, sau khi Thư viện Đồng Nai được xây dựng lại thì cảnh quan, khuôn viên trong ngoài thư viện, cách bài trí sách, sắp xếp bàn cho người đọc thoải mái và rộng rãi hơn rất nhiều”.

Đưa sách đến mọi nẻo đường

Thư viện Đồng Nai còn không ngại vất vả thực hiện theo cách “cọc đi tìm trâu”, đó là tự mang sách đến với người đọc thay vì người có nhu cầu tìm đến sách như trước kia.

Ngoài phát triển hệ thống thư viện tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, nông trường cao su, Thư viện Đồng Nai còn phát triển việc phục vụ bạn đọc đến tận ấp, khu phố, khu dân cư, trong đó có 171 tủ sách pháp luật, 134 tủ sách miễn phí đặt tại ấp, khu phố.

Thư viện Đồng Nai cũng chủ động tìm hiểu, trao tặng sách đối với các cá nhân sẵn sàng sử dụng ngay chính căn nhà đang ở làm tủ sách phục vụ bạn đọc hay những trường học vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Từ  đầu năm 2016 đến nay, Thư viện Đồng Nai đã trao tặng sách cho 5 cá nhân tại huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc để gia chủ triển khai phục vụ bà con ở khu dân cư. Trong số này có Khu giải trí người cao tuổi (ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) của ông Lê Nuôi. Thư viện Đồng Nai đã trao tặng cho tủ sách của ông Nuôi 36 đầu sách mới cùng một bộ đĩa VCD gắn với nội dung về đất và người Đồng Nai để phục vụ cho nhân dân tìm hiểu; đồng thời đặt tại khu giải trí này một tủ sách có số lượng ban đầu là 250 đầu sách thuộc nhiều thể loại, gồm: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, pháp luật, văn học, người cao tuổi... “Tôi không thể ngờ là Thư viện Đồng Nai lại nắm bắt được nhu cầu đọc sách của bà con trong ấp cũng như mong ước có nguồn sách để cho mọi người đọc của tôi. Khi được cán bộ thư viện đến thăm, trao tặng sách tôi vui lắm và rất phục cán bộ thư viện tỉnh đã không quản vất vả khó nhọc cũng như dành một số sách quý trao tặng cho tôi” - ông Lê Nuôi nói.

Bên cạnh đó, với những người đã từng lầm lỡ và đang cải tạo để sớm trở về hòa nhập với cuộc sống, Thư viện Đồng Nai cũng đã thực hiện luân chuyển sách cho phạm nhân ngay tại trại giam. Trong đó, từ tháng 4-2015, Thư viện Đồng Nai đã phối hợp cùng Trại tạm giam Công an tỉnh thực hiện phòng đọc sách cho phạm nhân tại đây với hơn 1.200 đầu sách thuộc nhiều thể loại, trong đó gần 300 đầu sách là sách pháp luật. Phạm nhân được tự do đọc sách từ 15-16 giờ 45 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, riêng thứ bảy và chủ nhật thời gian đọc kéo dài suốt cả ngày. Đa số phạm nhân khi đến đây đều chọn những cuốn truyện ngắn, sách hạt giống tâm hồn, tiểu thuyết, thơ; sách pháp luật. Một phạm nhân đọc sách tại đây cho biết: “Ngoài thời gian lao động cải tạo, mỗi tuần tôi đều đến đọc sách tại phòng đọc sách từ 1-2 lần. Đến với phòng đọc sách, tôi vừa có được một địa điểm tham gia sinh hoạt trong thời gian chấp hành án phạt, vừa tìm cho mình những bài học làm người, hướng đến cuộc sống lương thiện qua từng trang viết, câu chuyện, hình ảnh được truyền đạt trong sách”.

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Văn Tám cho biết định hướng hoạt động của Thư viện Đồng Nai trong thời gian tới là phát triển song song cả hệ thống thư viện truyền thống ở tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, đặt những tủ sách theo nhu cầu thực tế của xã hội lẫn cập nhật liên tục từng đầu sách trên mạng. Đặc biệt, việc xây dựng đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ trong xử lý tài liệu, có thái độ niềm nở, thân thiện với người đọc luôn được Thư viện Đồng Nai chú trọng thực hiện. Nếu so với lúc khởi điểm cách đây 40 năm, khi đó Thư viện Đồng Nai chỉ có 7 cán bộ, công nhân viên với trình độ là sơ cấp thì nay con số này tương ứng với 34 người và được đào tạo chuyên ngành. Thư viện luôn quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên của đơn vị về thái độ phục vụ, tiếp xúc với người dân khi đến với thư viện. Mục tiêu đặt ra là người đọc cảm thấy thoải mái, được hướng dẫn nhiệt tình.

Văn Truyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều