Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp vui cho đời

11:09, 30/09/2016

Hiện nay, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện, thị, thành phố đều có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao dành cho người cao tuổi. Những địa điểm sinh hoạt này là sân chơi đáp ứng nhu cầu giải trí của người cao tuổi.

Hiện nay, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện, thị, thành phố đều có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao dành cho người cao tuổi. Những địa điểm sinh hoạt này là sân chơi đáp ứng nhu cầu giải trí của người cao tuổi.

Một tiết mục ca múa do người cao tuổi xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ biểu diễn tại hội thi văn nghệ - thể thao huyện Cẩm Mỹ năm 2016. Ảnh: V.Truyên
Một tiết mục ca múa do người cao tuổi xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ biểu diễn tại hội thi văn nghệ - thể thao huyện Cẩm Mỹ năm 2016. Ảnh: V.Truyên

Cũng từ đây, nhiều sáng tác mới là các bài thơ, văn, ca khúc đã ra đời phục vụ sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cho cả cộng đồng.

Niềm vui của người cao tuổi

Vừa cùng những người bạn già trong Đội văn nghệ Phú Trung (xã Phú Trung, huyện Tân Phú) luyện tập một số bài ca múa tại nhà, bà Nguyễn Thị Hương Lý (60 tuổi) vừa cho hay: “Tôi tham gia tập văn nghệ cùng 10 người cao tuổi khác trong xã đã được 4 năm nay. Vui lắm vì được động tay động chân múa theo nhạc, được hát bài mình yêu thích. Thích nhất là được mọi người đề cử dự thi văn nghệ do xã, huyện tổ chức”.
Còn với bà Bùi Thị Đào (57 tuổi, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ), được đến sinh hoạt đàn ca cùng các thành viên trong Câu lạc bộ đờn ca tài tử của xã là niềm vui sau khi nghỉ hưu. “Trước đây tôi làm Trưởng trạm y tế xã Xuân Mỹ thì công việc bận rộn. Do đã quen việc rồi nên khi nghỉ hưu ở nhà tôi cảm thấy rất buồn. Vậy là tôi tìm đến với Câu lạc bộ đờn ca tài tử của xã để tham gia văn nghệ cho tuổi già được vui tươi, phấn khởi hơn” - bà Đào cho biết.
Riêng với vợ chồng ông Châu Cách (73 tuổi, tài xế lái xe cho một đơn vị sản xuất, nay đã nghỉ hưu) và bà Bành Kim Lan (65 tuổi, ngụ phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) thì việc tham gia luyện tập văn nghệ, thể thao với những người đồng niên trong khu dân cư đã trở thành một thói quen khó bỏ. Ông Cách chia sẻ: “Tập văn nghệ tuy động tác không còn nhanh nhạy, uyển chuyển, giọng hát đã hết trong trẻo nhưng vợ chồng tôi cũng như 70 người cao tuổi ở khu phố luôn hào hứng hát cho nhau nghe, tham gia luyện tập để tham dự hội thi văn nghệ do phường, thị xã tổ chức. Nhờ những niềm vui có được này mà tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn, lạc quan. Các con của tôi cũng không lo cha mẹ suốt ngày quanh quẩn tù túng trong nhà”.

Góp cho đời những bông hoa đẹp

Theo ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Cẩm Mỹ, ngoài việc cống hiến những bài hát, điệu múa đẹp hay sáng tạo tác phẩm, người cao tuổi còn để lại hình ảnh đẹp về sự gương mẫu và trách nhiệm trong mọi việc. Cụ thể, với những buổi tập luyện hay dự thi văn nghệ, người cao tuổi đều đến rất đúng giờ, thực hiện nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm chứ không hời hợt. Đây là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Không chỉ đến các địa điểm sinh hoạt để mang về niềm vui mà những người cao tuổi trong tỉnh còn sáng tác không ít bài thơ, ca khúc, bài nhạc, tiểu phẩm sân khấu... để làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng.

Trong đó, từ năm 1999 đến nay ngoài việc tổ chức các buổi sinh hoạt thơ văn mỗi quý một lần, Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi Long Khánh (TX.Long Khánh) lại đều đặn cho ra đời cuốn đặc san tập hợp những sáng tác thơ, truyện ngắn, âm nhạc, ảnh đẹp, bài thuốc dân gian... của gần 100 hội viên là người cao tuổi tại thị xã và các huyện lân cận. “Chúng tôi sáng tác, cho ra mắt đặc san không phải để mong muốn chứng tỏ bản thân mà là khuyến khích người già tiếp tục dành cho nhau những phút giây giải trí vui tươi” - ông Nguyễn Văn Hưng (70 tuổi, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh), Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi Long Khánh, nói.

Không chỉ khuyến khích người cao tuổi sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc, thơ văn... một số người cao tuổi có sức khỏe, điều kiện kinh tế còn tham gia đóng góp xây dựng, tổ chức những nơi sinh hoạt dành riêng cho đối tượng tuổi cao sức yếu như mình. Trong đó, tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) có ông Đỗ Văn Cho (82 tuổi, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hưng Lộc) đã tự đầu tư xây dựng sân khấu, mua sắm dàn âm thanh và dùng chính ngôi nhà của mình làm nơi sinh hoạt văn nghệ hàng tuần cho người cao tuổi trong xã.

Tất cả những việc làm này đã góp phần giúp cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và làm tấm gương cho con cháu noi theo. Như chia sẻ của Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên: “Những buổi sinh hoạt, liên hoan văn nghệ, thể thao được tổ chức góp phần tạo không khí vui tươi, tinh thần lạc quan cho người cao tuổi; đồng thời khuyến khích mỗi người tiếp tục có những hoạt động cống hiến cho địa phương phù hợp với điều kiện sức khỏe”.

Văn Truyên

 

Tin xem nhiều