Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Viết chuyện "cổ tích" và những chuyến rong chơi

11:08, 19/08/2016

Nguyễn Phan Quế Mai được biết đến qua bài thơ Tổ quốc gọi tên mình và Đinh Trung Cẩn phổ nhạc tạo dư luận khá tốt. Bài thơ này từng có một người nhận là của mình nhưng Nguyễn Phan Quế Mai đã bác bỏ tất cả, bởi sự nghiệp văn chương của chị không có mỗi một bài thơ như thế.

Nguyễn Phan Quế Mai được biết đến qua bài thơ Tổ quốc gọi tên mình và Đinh Trung Cẩn phổ nhạc tạo dư luận khá tốt. Bài thơ này từng có một người nhận là của mình nhưng Nguyễn Phan Quế Mai đã bác bỏ tất cả, bởi sự nghiệp văn chương của chị không có mỗi một bài thơ như thế.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (bìa phải) giao lưu với đồng nghiệp và độc giả.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (bìa phải) giao lưu với đồng nghiệp và độc giả.

Nhắc đến Nguyễn Phan Quế Mai, giới học thuật biết đến chị không chỉ với tư cách nhà thơ mà còn là một dịch giả với hơn 15 đầu sách đã chuyển ngữ sang tiếng Việt. Trong sáng tác, chị từng nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010, giải nhất cuộc thi thơ về Hà Nội…

Cổ tích về những điều quen thuộc

Nguyễn Phan Quế Mai vừa ra mắt tập truyện thiếu nhi Những ngôi sao trên bầu trời thành phố. Tập truyện này được kết cấu như cổ tích “ngàn lẻ một đêm”, với những “chuyện kể đêm thứ nhất” đến “chuyện kể đêm thứ ba mươi bốn”. Nhà thơ viết truyện thiếu nhi này trên tư cách một người mẹ kể chuyện cho con của mình hàng đêm trước khi đi ngủ.

Nguyễn Phan Quế Mai hiện sống cùng chồng và 2 con tại Vương quốc Bỉ. Chính vì thế, những hình ảnh của làng quê Việt, như: ao bèo, rau muống, đom đóm… đều được chị kể cho con mình nghe, ít nhất giúp các cháu lớn lên mang theo hình ảnh quê mẹ và tuổi thơ của người sinh ra mình. Những hình ảnh ấy với người Việt rất quen thuộc nhưng với 2 đứa con của Nguyễn Phan Quế Mai đang sống bên trời Tây hẳn nhiên là lạ. Trong văn chương, viết về những điều quen thuộc để hấp dẫn người đọc phải có nội lực nhất định.

Nhà giáo Phan Hồ Điệp, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, chia sẻ khi đọc tác phẩm này của Nguyễn Phan Quế Mai trên tư cách một người mẹ: “Ngày Nhật Nam còn nhỏ, trước khi con ngủ bao giờ tôi cũng dành tặng con một câu chuyện kể. Giờ đây khi con trai tôi đã 14 tuổi, đi học cách xa nửa vòng trái đất, tôi được đọc cuốn Những ngôi sao trên bầu trời thành phố của chị Nguyễn Phan Quế Mai và tôi nhớ da diết tuổi thơ của con trai mình. Tôi cứ ước ao, giá như được quay lại thêm lần nữa về tuổi thơ của con, được có cuốn sách này, tôi sẽ đọc cho con nghe thật chậm, thật chậm…”.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết như một người đọc bình thường: “Những chuyện kể của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đưa tôi về thuở ấu thơ. Và trong ngôi nhà đầy bóng tối của những năm tháng đói rét ấy, tối tối những đứa trẻ ngồi sát vào nhau và mê man trong một thế giới kỳ lạ. Thế giới ấy là câu chuyện của bà và mẹ chúng. Những câu chuyện thật giản dị nhưng chứa đựng quá nhiều kỳ lạ và bí mật. Và sáng hôm sau, khi lũ trẻ thức dậy, chúng nhận ra những gì quanh chúng đã quen thuộc tưởng như chẳng còn gì hấp dẫn nữa lại làm chúng sững sờ”.

Đi để hiểu “mình là hạt muối”

Trong tháng 8-2016, Nhà xuất bản Phụ nữ cũng ấn hành tập du ký Hạt muối rong chơi của Nguyễn Phan Quế Mai, viết về những chuyến đi của chị qua hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Lần đầu niên nữ nhà thơ nhỏ bé này tiết lộ dưới bàn chân phải của chị có một nốt ruồi rất to. Một bạn trong phòng trọ thời sinh viên phát hiện nốt ruồi dưới bàn chân này của Quế Mai và phán: “Nốt ruồi này sẽ đi rất nhiều nơi”. Khi đó, nữ nhà thơ vừa lơ ngơ từ Bạc Liêu lên TP.Hồ Chí Minh trọ học, nhà nghèo đến độ không có tiền mua vé xe đò về quê, đâu dám nghĩ sau này lại đi nhiều nơi trên trái đất như vậy.

 

Thế nhưng, Quế Mai dù học ngành ngoại thương đã đi khắp nơi bằng quan sát và cảm nhận thế giới của một hồn thơ. Chị cho biết: “Tôi khởi đầu những chuyến đi của mình bằng sự hồ hởi và ngông cuồng của một chú ngựa non nôn nóng muốn lướt qua sự hùng vĩ và kỳ diệu của thế giới. Càng đi tôi càng thấy mình thấp xuống, để giờ đây tôi là một con ốc sên nhích từng xăng-ti-mét trên mặt đất vô cùng tận. Thật chậm rãi, tôi đi và nhận lấy cho mình cát bụi của những cung đường. Câu chuyện về thân phận của những người dân bản xứ chính là những tấm gương sáng cho tôi, để tôi biết rằng mình chỉ là một hạt muối bé nhỏ, mà đại dương thì mãi bao la”.

            Thanh Kiều

 

Tin xem nhiều