Báo Đồng Nai điện tử
En

Có cần "hình sự hóa" ngành xuất bản?

11:07, 22/07/2016

Ngành xuất bản sách (bao gồm cả các nhà xuất bản, nhà in và các đơn vị phát hành) đã có buổi tọa đàm tại TP.Hồ Chí Minh do ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, tổ chức.

Ngành xuất bản sách (bao gồm cả các nhà xuất bản, nhà in và các đơn vị phát hành) đã có buổi tọa đàm tại TP.Hồ Chí Minh do ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, tổ chức. Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh hoạt động xuất bản, in và phát hành sách; quan trọng là Điều 344 trong Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến ngành xuất bản.

Theo các đại biểu đại diện các đơn vị xuất bản và Sở Thông tin - truyền thông TP.Hồ Chí Minh, không cần thiết “hình sự hóa” ngành xuất bản. Trong nhiều năm gần đây, ngành xuất bản mà cụ thể là nhiều nhà xuất bản rơi vào khó khăn vì làm ăn thua lỗ. Chưa kể văn hóa đọc sách đang là sự cảnh báo khi nhiều người Việt hiếm khi tiếp cận với sách.

Thế nhưng Bộ luật Hình sự 2015, lẽ ra được ban hành vào 1-7-2016, hiện đang được Quốc hội xem xét chỉnh sửa, lại có nhiều quy định và câu chữ khiến giới làm xuất bản hoang mang. Cụ thể, như Điều 117 ở Khoản 3 quy định: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm”. Rất nhiều đại biểu cho rằng, luật cần dùng câu chữ thể hiện sự khẳng định, chứ dùng từ “người chuẩn bị phạm tội” thì có nghĩa là gì?

Trong Điều 344 về “Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản” nêu rõ phạt tiền từ 20-200 triệu đồng và phạt tù tối đa 2 năm đối với các vi phạm: “Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; và: “Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; hoặc điểm b: “In trên 2 ngàn bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản…”.

Rất nhiều quy định ở Điều 344 khiến các đơn vị xuất bản phản ứng. Bà Xuân Hạnh, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tôi thấy Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến ngành xuất bản chỉ có định lượng chứ không định tính. Ngành xuất bản là ngành đặc thù, khó có thể định tính một cách máy móc. Vì nếu điểm b Điều 344 nêu: “In trên 2 ngàn bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản…” thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng và tù đến 2 năm thì tôi in 1.999 cuốn thì sao? Và ai giám sát việc in này?”.

Ông Lê Văn Tròn, Phó chủ tịch Hội In TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nhà in chỉ in sách khi có cấp phép của nhà xuất bản. Còn nhà phát hành sách chỉ phát hành khi sách đã được in. Trong khi Bộ luật Hình sự 2015 quy định có liên quan đến ngành in (vốn đã là ngành kinh doanh có điều kiện) và ngành phát hành. Tôi thấy “hình sự hóa” ngành xuất bản là không cần thiết”.

Ông Lê Hoàng cho biết: “Không cần thiết phải hình sự hóa, nhất là với Điều 344 trong bộ luật này. Nếu thực sự cần thiết để làm điều này, tôi nghĩ cần phải chỉnh sửa rất nhiều câu chữ và con số cho hợp lý”.

Liên quan đến ngành xuất bản, First News là đơn vị từng kiện một nhà in ở Hà Nội vì in lậu sách của mình. Ông Nguyễn Huy Toàn, đại điện First News, cho rằng: “Không cần thiết hình sự hóa ngành xuất bản như Điều 344. Vì in lậu đã có luật chế tài trong việc làm hàng lậu và hàng giả. Nghề xuất bản không đơn thuần là kinh doanh vì lợi nhuận, đây là nghề đặc thù cần quản lý bằng kiểu khác thay vì “hình sự hóa”.

Thanh Kiều

 

Tin xem nhiều