Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ nhân dân Ngân Vương: Thế hệ của tôi là thế hệ "giao thời" của nghệ thuật cải lương

12:05, 14/05/2016

Đầu năm 2016, Ngân Vương là nghệ sĩ cải lương duy nhất của Đồng Nai vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) do Chủ tịch nước trao tặng sau 39 năm lao động miệt mài trên sân khấu.

Đầu năm 2016, Ngân Vương là nghệ sĩ cải lương duy nhất của Đồng Nai vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) do Chủ tịch nước trao tặng sau 39 năm lao động miệt mài trên sân khấu.

Quê gốc ở Chợ Mới, An Giang, từ năm 19 tuổi, ông bắt đầu theo nghiệp diễn ca, lênh đênh theo nhiều gánh hát khắp miền Tây, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh… Ông gắn bó với nhiều đoàn cải lương khắp nơi, từ Võ Thị Sáu, Kim Thanh, Long An đến Tây Đô, Hoa Biển, Sài Gòn 1, Sài Gòn 3, Đoàn 2 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang... và chính thức gắn bó với Đoàn cải lương Đồng Nai (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) từ năm 2002.

NSND Ngân Vương là thế hệ nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975, được coi như lớp nghệ sĩ giao thời của cải lương, được hưởng những năm hoàng kim của sân khấu, giai đoạn mà chỉ cần sân khấu sáng đèn là khán giả xếp hàng mua vé xem tầng tầng lớp lớp, cũng là lớp nghệ sĩ trải qua giai đoạn “thoái trào” của cải lương nói riêng và nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung. Tuy nhiên, ông chia sẻ, chưa một lần suy nghĩ lại lựa chọn nghề hát của mình, vì đó là nghiệp, như anh em nghệ sĩ thường nói với nhau, đã là “kiếp tằm” thì phải “nhả tơ”.

* “Nợ” ơn sân khấu

 Là nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975, ông nghĩ mình thuộc thế hệ thứ mấy của cải lương. Và so với thế hệ đi trước lẫn thế hệ đi sau, ông nghĩ những nghệ sĩ ở thế hệ mình được gì, mất gì?

- Cũng khó xác định đâu là thế hệ đầu tiên của nghệ thuật cải lương, bởi cải lương đã có từ rất lâu đời trong dân gian. Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở góc độ người nghệ sĩ biểu diễn và thành công trên sân khấu thì tôi nghĩ mình thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ 3. Thế hệ đầu tiên có thể kể đến là những “cây đa, cây đề”, như: NSND Bảy Nam, NSND Phùng Há… Thế hệ thứ 2, như: Hùng Cường, Bạch Tuyết, Minh Cảnh, Minh Vương, Thanh Tuấn... và chúng tôi có thể được xếp vào thế hệ thứ 3.

Nói về chuyện may mắn hay thiệt thòi, tôi nghĩ rằng không có gì để suy nghĩ nhiều. Mỗi thế hệ ở những thời điểm khác nhau có những may mắn và thiệt thòi riêng. Từ thế hệ thứ 3 trở về trước, chúng tôi có rất nhiều sân khấu lớn nhỏ để rèn nghề nên kinh nghiệm sân khấu và sự gần gũi trực tiếp với khán giả nhiều hơn các em hiện tại. Tuy nhiên, thế hệ sau lại có trường lớp sách vở bài bản, có nhiều công cụ để đến với khán giả hơn, từ truyền hình, phát thanh, internet… Tuy nhiên, thế hệ nào cũng thế, năng lực thực sự và lòng ham học hỏi luôn là nền tảng của người nghệ sĩ nếu muốn theo nghề dài lâu.

 Con đường vươn tới danh hiệu NSND của ông ra sao? Nghệ sĩ nào đóng vai trò tạo cảm hứng cho ông để vững tâm theo nghề?

- Tôi về đoàn Đồng Nai giữa năm 1983, công tác đến năm 1988. Cho đến năm 2002, khi NSND Giang Mạnh Hà (lúc này là Trưởng đoàn cải lương Đồng Nai) có sự cảm mến nghề nghiệp nên mời tôi về tham gia, tôi chính thức gắn bó với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đến tận bây giờ.

Tôi theo nghề hát ban đầu hoàn toàn là đam mê rất hồn nhiên vì cải lương đã thấm vào máu tôi từ tấm bé. Tuy nhiên, khi chính thức theo nghề, học hỏi từ các anh chị nghệ sĩ đi trước, tôi mới hiểu không có nghề nào là dễ dàng, kể cả nghề đi hát vốn dựa nhiều vào năng khiếu bẩm sinh. Từ một giọng hát nghe “hay hay” đến việc hát thuần thục các loại giọng, loại vai, từ lúc được chọn đóng vai kép phụ đến kép chính... lại là một quá trình học hỏi và tự rèn luyện lâu dài. Tôi không nề hà vai chính, vai phụ và rất nghiêm túc mỗi khi nhận vai.

Khó nói bao nhiêu năm để thành nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân, vì đó là quá trình chúng tôi được ghi nhận sau nhiều giải thưởng, nhiều sự phấn đấu. Nhưng những danh hiệu đó có ý nghĩa như một sự ghi nhận sau những gì chúng tôi đóng góp. Có nhiều nghệ sĩ ảnh hưởng đến tôi trong nghề nghiệp, vì về cơ bản, cải lương là quá trình “bắt chước”. Đoạn nào cần lên cao thì tôi học nghệ sĩ này, xuống thấp thì nghệ sĩ khác, nhưng nghệ sĩ tôi yêu thích nhất là NSƯT Minh Phụng - một người có lối diễn, lối hát cải lương rất duyên dáng và đa dạng. Ngoài ra, NSND Giang Mạnh Hà cũng là người đàn anh sát cánh và hướng dẫn tôi nhiều điều trong nghề nghiệp.

 Điều khó khăn nhất của một người đàn ông theo nghiệp cầm ca là gì?

- Đó là phải cân nhắc giữa sự ổn định gia đình, thời gian dành cho con cái và nghề nghiệp của mình. Những năm vàng son của nghề, tôi phiêu bạt khắp nơi nên không được trực tiếp gần gũi gia đình. Đôi khi tôi day dứt về lựa chọn của mình khiến gia đình một thời gian dài thiếu sự ổn định. Và thú thực, tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội kiếm tiền để giữ lấy nghề ca hát, song cũng hiểu là không có lựa chọn nào không cần trả giá cả. Chúng ta sẽ phải nhìn vào những mặt tích cực nhất của đời sống và nghề nghiệp mình đã chọn.

* Kiếp tằm thì phải nhả tơ

 Nhiều người cũng nỗ lực “làm mới” bằng cách chọn những kịch bản cải lương có tính thời sự hơn. Đánh giá của ông về cách làm này thế nào? Điều đó làm một vở cải lương hay thêm hay dở đi?

NSND Ngân Vương sinh năm 1958 tại An Giang. Ông bắt đầu tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp từ năm 1995, đoạt huy chương vàng trong vở Đèn đêm nhỏ lệ của Đoàn Cải lương Thanh Nga. Năm 2002, ông đoạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp phía Nam trong vở Chuyện tình thuở ấy của Đoàn Cải lương Đồng Nai. Năm 2005, ông lại nhận huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trong vở Những ngôi sao biển và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007. Từ 2009-2012, Ngân Vương tiếp tục đoạt thêm 2 huy chương vàng vở Dời đô và vở Vượt qua tâm bão. Đến cuối năm 2015, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

- Đúng là những năm gần đây, cải lương có những kịch bản có tính thời sự, gần với đời sống hơn. Nói “hay hơn” hoặc “dở đi” là một cách nói phiến diện, vì nó còn tùy vào việc người ta “làm mới” ra sao? Kịch bản hay, đạo diễn tốt và diễn viên giỏi thì khán giả thích hơn, vở diễn hay hơn, và ngược lại. Những vở diễn kinh điển luôn có sức sống riêng của chúng và chúng sẽ tồn tại mãi đến khi nào nghệ thuật cải lương còn tồn tại. Nhưng việc làm mới cải lương cũng là cần thiết để vở diễn gần gũi hơn với khán giả, với đời sống hiện đại.

 Nghệ sĩ cải lương có thể làm giàu bằng nghề không, trong khi nỗ lực về rèn luyện không thua kém các loại hình nhạc thị trường hiện tại?

- Vẫn có những nghệ sĩ cải lương sống khá giả với nghề, đặc biệt khi các phương tiện truyền thông đang mở ra cho nghệ sĩ nhiều cơ hội đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, nhìn chung thì anh em nghệ sĩ cải lương nói riêng và các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung cũng chỉ có một cuộc sống tạm đủ để theo nghề. Chúng tôi không so sánh mình với các nghệ sĩ nhạc nhẹ hay các nghệ sĩ hoạt động trong những môn nghệ thuật đang được thị trường ưa chuộng, vì điều đó rất vô nghĩa. Khán giả có sự lựa chọn riêng của họ, chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi chọn nghề, có một bộ phận khán giả yêu chuộng theo dõi và sống được với nghề, theo tôi là đủ.

 Ông có mong mỏi, nhớ nhung về một thời hoàng kim của cải lương ngày trước?

- Tôi nghĩ là không. Những kỷ niệm đẹp về một thời hoàng kim luôn ở trong lòng lớp nghệ sĩ “giao thời” như chúng tôi. Tôi còn nhớ những ngày sân khấu Đoàn cải lương Võ Thị Sáu (tiền thân của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai) sáng đèn ở rạp Nam Hà, khán giả xếp hàng từ cổng rạp đến ngoài đường, nghệ sĩ được tôn vinh. Nhưng tôi cũng hiểu, không thể bắt khán giả “ăn” mãi một món. Theo thời cuộc, việc thưởng thức các môn nghệ thuật, giải trí cần có sự đa dạng, phong phú hơn. Do đó, cải lương có thể không còn được ưa chuộng như trước, song vẫn sống, vẫn tồn tại và được ghi danh. Thế là đủ cho nghệ sĩ, cho những “kiếp tằm nhả tơ”, như chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều