Báo Đồng Nai điện tử
En

Đáp ứng thị hiếu khán giả như thế nào?

10:05, 14/05/2016

Tình hình hoạt động sân khấu xã hội hóa của TP.Hồ Chí Minh mấy năm gần đây luôn nằm trong tình trạng báo động. Một trong những vấn đề yếu và thiếu hiện nay mà các ông bầu, bà bầu sân khấu hay than vãn là kịch bản.

Tình hình hoạt động sân khấu xã hội hóa của TP.Hồ Chí Minh mấy năm gần đây luôn nằm trong tình trạng báo động. Một trong những vấn đề yếu và thiếu hiện nay mà các ông bầu, bà bầu sân khấu hay than vãn là kịch bản.

Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi hội thảo để mong tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ hết sức quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu thành phố.

* Chạy theo thị hiếu khán giả đến bao giờ?

Nghệ sĩ Lê Bình, tác giả của nhiều kịch bản, tiểu phẩm kịch nói, chia sẻ: “Khoảng 2 năm gần đây tôi không đưa được tác phẩm cho sân khấu nào. Các nơi cứ bảo tôi: “Anh viết đi, viết vui, nhí nhố lên cho em!”. Thiệt, tôi không thể nào làm được. Tiền thì ai cũng cần nhưng bảo viết thế tôi không viết được. Bây giờ muốn viết, tôi cứ viết những cái mà tôi quan tâm, trăn trở rồi... để đó. Hy vọng, một ngày sẽ có những sân khấu chấp nhận làm tác phẩm của mình một cách đàng hoàng”.

Vở Một cha ba mẹ của sân khấu kịch Hồng Vân. Đây là vở diễn xúc động về tình mẫu tử được phản ánh dưới lăng kính nhẹ nhàng, hài hước, khá cân bằng giữa yếu tố thị trường và nghệ thuật.  Ảnh: T.Trọng
Vở Một cha ba mẹ của sân khấu kịch Hồng Vân. Đây là vở diễn xúc động về tình mẫu tử được phản ánh dưới lăng kính nhẹ nhàng, hài hước, khá cân bằng giữa yếu tố thị trường và nghệ thuật. Ảnh: T.Trọng

Đồng tình với suy nghĩ của nghệ sĩ Lê Bình, tác giả Trần Anh Kiệt - Trưởng chi hội sáng tác của Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chạy theo khán giả thì chạy theo đến bao giờ? Cứ họ thích gì mình chiều nấy, sốc, sex, rồi kinh dị, đồng tính… Nếu cứ mãi chạy theo thì mình không còn là mình, đánh mất bản ngã của bản thân!”.

Nghệ sĩ Xuân Hương bức xúc: “Để xảy ra tình trạng hài bát nháo, thô tục như hiện nay chúng ta đừng đổ thừa cho khán giả. Đúng là cũng có một bộ phận khán giả dễ dãi, dễ cười nhưng anh em tác giả, nghệ sĩ hài cứ dựa vào đó để níu kéo là chúng ta chết chứ không sống được. Chúng ta phải mạnh dạn tự tìm con đường đưa khán giả đi theo chúng ta. Khán giả thích tiếng cười thì mình diễn hài phục vụ cũng được, nhưng phải làm đúng. Hài nghiêm túc, lành mạnh thì vẫn có khán giả đến xem”.

* Tác giả trẻ lo cho số phận kịch bản

Tác giả trẻ Trần Kim Khôi ví von: “Nếu coi kịch bản là thân gái mười hai bến nước thì rơi vào bến đục, bến trong không còn nằm trong sự chủ động của tác giả nữa”. Anh đưa ra ví dụ bản thân: “Năm 2011 tôi viết một kịch bản và trong đầu cũng “ủ mưu” đây là một kịch bản có giá trị nghệ thuật, đầy tính nhân văn vì nói về những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi. Đề tài này, theo nhận thức của một tác giả trẻ như tôi lúc đó là ghê gớm lắm vì nội dung khá tốt mà câu chuyện lại mang tính thời sự. Tôi kỳ vọng vào vở diễn. Nhưng khi ra mắt, đạo diễn đã thêm nhiều miếng hài và xử lý thành kịch ma nên vở diễn trở nên rất… thị trường”.

Đứng dưới góc độ học thuật, PGS.TS Trần Yến Chi, giảng viên Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tại sao diễn hài thì đông khán giả? Bởi vì đó là nhu cầu của khán giả, họ cần cười. Tôi tôn trọng điều đó. Hài kịch hay chính kịch không quan trọng, mà quan trọng là cách nhìn, phản ánh như thế nào”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà báo Hoàng Kim thì: “Tác giả viết kịch bản phải có định hướng, quan tâm ngôn ngữ thể hiện và cứ mạnh dạn trao đổi, thỏa thuận với đạo diễn để tìm được tiếng nói chung cho một tác phẩm tốt”. NSưT, đạo diễn Trần Minh Ngọc động viên: “Chúng ta đừng trói tay trói chân mình. Cứ viết đi, làm tới đi, đừng ngại viết cái này, cái kia sợ không làm được. Tác giả cứ viết thật tốt, thật sáng tạo rồi ông đạo diễn cũng phải tìm cách thực hiện thôi”.

Hiện nay, nhiều tác giả kịch đang có tâm lý chán nản, ngán ngẩm vì sân khấu kịch đang hoạt động rất khó khăn. Tiền viết kịch bản chẳng bao nhiêu. Cùng thời gian đầu tư đó, nhưng nếu viết kịch bản cho phim, truyền hình thì có khi số tiền nhận được gấp 10 lần so với viết một kịch bản kịch nói. Ngoài ra, cũng có những tác giả chỉ viết theo ý mình rồi mong chờ tìm được một sân khấu phù hợp.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Tôi nghĩ khi tác giả bắt tay viết hãy hướng đến một sân khấu nào đó có những thế mạnh phù hợp để dàn dựng tác phẩm của mình. Như thế, mình tập trung nghiên cứu, phát huy và khi sản phẩm ra đời có sự phối hợp dàn dựng, giới thiệu đến công chúng thì công việc sẽ hiệu quả hơn”.

Trí Trọng

 

 

 

Tin xem nhiều