Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận dụng ưu thế đầu tư cho văn hóa

12:03, 08/03/2016

Đồng Nai là tỉnh có lợi thế trong phát triển văn hóa với trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, khảo cổ học cũng như hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tôn giáo. Thêm vào đó, với số dân đông (gần 3 triệu người) nên nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân là rất lớn.

Đồng Nai là tỉnh có lợi thế trong phát triển văn hóa với trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, khảo cổ học cũng như hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tôn giáo. Thêm vào đó, với số dân đông (gần 3 triệu người) nên nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân là rất lớn.

Dàn hợp xướng nhạc cụ dân tộc của thầy và trò Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai trong một buổi luyện tập.  Ảnh: V.TRUYÊN
Dàn hợp xướng nhạc cụ dân tộc của thầy và trò Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai trong một buổi luyện tập. Ảnh: V.TRUYÊN

Tuy nhiên, việc tận dụng những ưu thế này để phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa của tỉnh vẫn còn hạn chế. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh còn thiếu, nơi đã xây dựng thì hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.

* Thiếu thiết chế văn hóa

Tuy là tỉnh công nghiệp với số lượng công nhân lớn, nhưng những thiết chế văn hóa dành riêng cho đối tượng này hiện chưa được xây dựng. Theo ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thiết chế dành riêng cho công nhân rất cần thiết, đặc biệt là với một tỉnh có lực lượng lao động đông đảo như Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay những dự án này vẫn chưa được thực hiện nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người lao động.


Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh, việc xây dựng thiết chế văn hóa được Đồng Nai thực hiện rất có hiệu quả. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại những cơ sở văn hóa này để vừa tránh lãnh phí nguồn vốn đầu tư, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để phục vụ nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa.

Nhìn rộng ra, những thiết chế văn hóa hiện đại khác, như: nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, trung tâm văn hóa tỉnh... tuy đã được quy hoạch nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan nên chưa thể thực hiện được. Còn với 106 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cùng 613 nhà văn hóa, ấp, khu phố thì việc tổ chức các hoạt động tại đây, nhất là các sự kiện văn hóa đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân còn rất hạn chế.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết việc đầu tư cho phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế và chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích nguồn lực trong và ngoài tỉnh chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư phát triển những khu văn hóa quy mô, hiện đại hoặc tổ chức những hoạt động văn hóa tầm cỡ khu vực. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa lớn ở cấp tỉnh còn chậm, thiết chế văn hóa cấp huyện chưa đa dạng, cấp xã, cấp ấp cũng còn khó khăn.

* Đổi mới để phát triển

Những nhìn nhận thẳng thắng trên của ngành văn hóa đã đánh giá đúng thực trạng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ sở để đơn vị chức năng đề ra những giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng đang hội nhập sâu rộng với thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa.

Theo ông Lê Kim Bằng, điều quyết định đến việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nhằm khai thác tốt công năng và hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa, đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân trong tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa.

Cũng theo ông Lê Kim Bằng, để làm phong phú thêm cũng như tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa diễn ra thuận lợi, thì tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa từ ngân sách cũng như đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa là rất cần thiết.

Văn Truyên

 
 

 

Tin xem nhiều