Báo Đồng Nai điện tử
En

Đua nhau học nhạc, vũ đạo

12:03, 08/03/2016

Từ khi những cuộc thi về âm nhạc, vũ đạo được tổ chức rầm rộ trên sóng truyền hình thì phong trào học hát, học đàn, luyện vũ đạo cũng bắt đầu lan rộng.

Từ khi những cuộc thi về âm nhạc, vũ đạo được tổ chức rầm rộ trên sóng truyền hình thì phong trào học hát, học đàn, luyện vũ đạo cũng bắt đầu lan rộng.

Đáp ứng xu hướng này, nhiều lớp học tại gia về thanh nhạc, vũ đạo, đánh đàn đã ra đời tại khắp 11 địa phương trong tỉnh. Trong đó, 2 địa phương được xem là có nhiều địa điểm dạy thanh nhạc, luyện đàn, vũ đạo là TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh.

Rất đông học viên với đủ thành phần lứa tuổi đang luyện thanh tại một lớp học thanh nhạc tại TX.Long Khánh.  Ảnh: S.THAO
Rất đông học viên với đủ thành phần lứa tuổi đang luyện thanh tại một lớp học thanh nhạc tại TX.Long Khánh. Ảnh: S.THAO

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan quản lý về văn hóa ở 2 khu vực đô thị này thì ngoài các trung tâm dạy nhạc có đăng ký hoạt động, hiện có hàng chục lớp học nhạc, vũ đạo tại gia đang từng ngày tham gia đào tạo hàng trăm học viên đủ các lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp có nhu cầu.

Điều này được thể hiện ở việc trong cùng một lớp học vũ đạo tại TP.Biên Hòa, như: Câu lạc bộ Raphael (phường Tân Hòa), nhóm Boy & Girl (phường Bình Đa), nhóm nhảy S.O.S (phường Quyết Thắng), Câu lạc bộ vũ đạo giải trí Voi Voi (phường Long Bình) và nhóm The Jam Crem (phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh), bên cạnh những học viên là học sinh các trường THCS, THPT, sinh viên thì có không ít học viên còn rất nhỏ, chỉ mới học lớp 1, lớp 2 hay thậm chí chỉ mới 5 tuổi.

Ông Trần Văn Oánh (34 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cùng con gái Trần Thị Ngọc Anh hiện học lớp 2 và đang luyện vũ đạo tại Nhóm Boy & Girl, cho hay: “Thấy cháu hay nhảy theo các động tác trong chương trình truyền hình nên tôi cho con đi học vũ đạo. Trước là để cho Ngọc Anh có được niềm vui giải trí mới, lành mạnh thay vì cứ cắm đầu vào điện thoại thông minh như nhiều trẻ em hiện nay. Nếu con tôi thật sự có năng khiếu, tôi sẽ đăng ký cho bé thử sức với những cuộc thi vũ đạo dành cho trẻ em đang thịnh hành hiện nay”.

 Còn em Nguyễn Nguyên Thành (học sinh lớp 4, ở phường Phú Bình, TX.Long Khánh), cho biết: “Được mẹ cho đi học hát, đánh đàn và đi biểu diễn ở nhiều nơi con thích lắm. Thần tượng của con là Quán quân Giọng hát Việt nhí Quang Anh. Con sẽ cố gắng luyện để tham gia cuộc thi này”.

Từ thực tế trên có thể thấy rằng, việc ngày cành có nhiều gia đình cho con em học nhạc, vũ đạo đang có một tác động tích cực đến việc cùng với ngành văn hóa ở từng địa phương thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ văn hóa nghệ thuật quần chúng. Song đối với những em thiếu nhi đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì sắp xếp thời gian học nghệ thuật ra sao để không làm ảnh hưởng đến việc học văn hóa, cũng như gây áp lực bằng những kỳ vọng quá lớn vào các em là điều cần được phụ huynh quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh, đồng thời là người đang trực tiếp hướng dẫn hàng chục học viên về thanh nhạc và đàn, chia sẻ: “Trước đây, nhiều phụ huynh mong muốn con mình hiểu về nhạc lý, vũ đạo để cho các em giải trí hay tham gia biểu diễn văn nghệ ở phường, xã nhằm rèn luyện khả năng tự tin trước đám đông. Chỉ rất ít trong số này là ước mơ về những cuộc thi lớn. Nay thì nhiều người lại đặt vào các em niềm kỳ vọng rất lớn. Vậy nên tôi luôn trao đổi với phụ huynh đừng gây áp lực cho các em mà hãy để mỗi em phát triển tự nhiên. Nếu có năng khiếu, các em sẽ tự bộc lộ và lúc đó sẽ có những chương trình đào tạo chuyên nghiệp chờ đón các em ở phía trước”.

Sông Thao

 

Tin xem nhiều