Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ Mùa Xuân đầu tiên

07:01, 23/01/2016

Đầu năm 2016, tôi có dịp gặp Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thúy, Phó trưởng đoàn Văn công Quân khu 7, khi cô đang say sưa hát Mùa Xuân đầu tiên (tác giả Văn Cao).

Đầu năm 2016, tôi có dịp gặp Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thúy, Phó trưởng đoàn Văn công Quân khu 7, khi cô đang say sưa hát Mùa Xuân đầu tiên (tác giả Văn Cao). Lời ca dặt dìu, sâu lắng, chan chứa niềm vui được cất lên bởi giọng ca trữ tình khiến lòng người lâng lâng, xao xuyến. Mùa Xuân đã về, chợt nhớ Văn Cao với chòm râu bạc, mái tóc dài xõa phất phơ và gương mặt đầy triết lý. Ca khúc của ông sáng tác về mùa Xuân cách đây 40 năm khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích cứ mỗi độ Xuân về.

 Ca sĩ Thanh Thúy.
Ca sĩ Thanh Thúy.

Hơn 20 năm trước, Thanh Thúy đã hát Mùa Xuân đầu tiên trong video ca nhạc “Văn Cao - Giấc mơ một đời người”. Ngày đó, Thanh Thúy mới 17 tuổi và Mùa Xuân đầu tiên ra đời trước cô 1 năm nhưng số phận của bài hát khá lận đận nên cũng rất “trẻ”, ít người biết đến. Mãi tới năm 1995 khi Văn Cao qua đời, bài hát mới được dàn dựng, trình diễn trên sân khấu hoành tráng, phát trên đài truyền hình quốc gia.

Thanh Thúy tâm sự: “Tôi hát Mùa Xuân đầu tiên không chỉ bằng sự ngưỡng mộ tác giả của bài Tiến quân ca mang quốc hồn dân tộc mà còn bằng những xúc cảm thẳm sâu rung lên bởi sự lay động từ trong chính ngôn từ bài hát. Ca khúc vừa chất chứa nỗi niềm trào dâng trong mùa xuân hạnh phúc, vừa như tự sự diễn tả rất chân thực, tinh tế nhịp sống thường nhật khi mùa xuân đến. Mỗi lời hát như chảy ra từ tâm can tác giả, sâu lắng đến lạ kỳ”.

Nói rồi, nữ ca sĩ nhẹ nhàng hát: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh…”. Có lẽ chính giai điệu, tiết tấu và lời ca đã làm cho Mùa Xuân đầu tiên lay lắt suốt gần 20 năm mới được thừa nhận. Ngày đó, sự da diết, trữ tình dường như không phù hợp với trào lưu sôi nổi, hừng hực khí thế đương thời nên nó không được chào đón. Âu cũng là cách nghĩ, cách nhìn ở một giai đoạn lịch sử!

Còn nhớ, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, đầu tháng 7-2015 Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm, 85 tuổi, nguyên Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quân đội, kể: “Văn Cao không chỉ là nhạc sĩ nổi tiếng mà còn là bậc thầy hội họa. Có lần đến thăm ông ở phố Yết Kiêu (Hà Nội), trao đổi về nhạc, họa, tôi được nghe ông kể về sự ra đời của Mùa Xuân đầu tiên. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhân dân ta vui mừng đón chào một cái tết đầu tiên không còn bom đạn chiến tranh. Trước những đổi thay lớn lao của đất nước mới giải phóng, vào một ngày giáp Tết Bính Thìn, tiết trời se lạnh, Văn Cao đã sáng tác bài hát này như để gửi gắm cảm xúc trào dâng khi mùa xuân đang gõ cửa. Đây là bài hát ông viết trở lại sau 20 năm ngừng sáng tác… Và cũng phải mất gần 20 năm sau, ca khúc ấy mới “đóng đinh” trong lòng khán giả. Tôi từng đọc một bài viết của Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao nói về thời khắc bài hát vừa mới thành hình. Văn Thao chia sẻ: “Hôm ấy, khi vừa về tới nhà tôi chợt nghe vọng ra tiếng đàn dương cầm. Đó là một điệu valse mượt mà sâu lắng. Văn Cao ngồi bên đàn dương cầm, đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào, âm vang đầy ắp căn phòng. Những vệt sáng hắt qua ô cửa óng vàng chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần, chầm chậm tan vào không gian, mênh mang… Khuôn mặt ông bất động, hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc”.

Người họa sĩ già ngừng lời, mắt ông dõi xa tít tắp như đang tưởng nhớ bậc đàn anh tài hoa ở cõi vĩnh hằng. “Sáng tác như thế mới là làm nghệ thuật” - ông nói mà như tự nhủ lòng mình. Cảm xúc và sự hòa quyện đã tạo nên tác phẩm để đời. Đúng như cố GS.Trần Văn Khê từng khẳng định, để sáng tác được ca khúc sống cùng năm tháng, người nhạc sĩ phải thai nghén, chắt chiu từng chữ, từng lời, phải thả hồn vào từng nhịp, phách tạo nên những cung bậc sâu lắng, đi vào lòng người.

Và, Mùa Xuân đầu tiên là một kiệt tác như thế, đẹp dung dị, đậm chất nhân văn mà mỗi khi nghe ta cảm nhận được “mùa Xuân theo én về…”.

Yến Long

 

Tin xem nhiều