Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi kéo co trở thành di sản

05:01, 01/01/2016

Ngày 2-12-2015 vừa qua, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, diễn ra tại nước Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam cùng 3 nước là Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 2-12-2015 vừa qua, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, diễn ra tại nước Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam cùng 3 nước là Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng bào Chơro ở xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh tham gia trò chơi kéo co trong lễ hội truyền thống Mừng lúa mới.
Đồng bào Chơro ở xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh tham gia trò chơi kéo co trong lễ hội truyền thống Mừng lúa mới.

Như vậy, đây là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đầu tiên của Việt Nam trong số 10 di sản văn hóa được thế giới công nhận từ trước đến nay.

Đơn giản mà vui

Vừa nắm chắc phần dây thừng vừa ra sức kéo về phía sau, 10 nam nữ học sinh tại Trường THCS-THPT Bàu Hàm (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) đang cố gắng để phần dây đỏ buộc ở chính giữa sợi dây di chuyển càng nhiều về phía mình càng tốt. Và bên kia 10 nam nữ học sinh khác cũng đang thực hiện hành động để tạo ra mục đích tương tự. Bên ngoài, rất đông bạn bè, thầy cô giáo, phụ huynh cùng ban tổ chức ra sức hò reo, cổ vũ cho cả 2 đội. Em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh lớp 11 Trường THCS-THPT Bàu Hàm, nói: “Cố kéo hết sức, ngã người ra phía sau, nhích lùi từng bước một theo nhịp đếm của cả đội, tuy có mệt nhưng rất vui. Chúng em rất thích tham gia trò chơi này mỗi khi nhà trường tổ chức nhân dịp lễ hội”.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, kéo co là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình các thực hành xã hội, nghi lễ và lễ hội (theo cách phân loại của UNESCO), có ở nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, kéo co là trò chơi được các cộng đồng người dân tộc trong cả nước đưa vào sinh hoạt từ lâu đời và giữ gìn phát huy cho tới ngày nay.

Không chỉ học sinh mà ngay đến cả những người lớn tuổi cũng sẵn sàng tham gia trò chơi này. Già làng Nguyễn Văn Long (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh), cho hay: “Mỗi dịp lễ hội Sayangva được tổ chức tại xã Hàng Gòn thì kéo co là môn thể thao không thể thiếu và được bà con mong chờ nhất. Bởi đây là môn thể thao mà cách chơi rất đơn giản và do không kén tuổi nên huy động được nhiều lứa tuổi chung sức tham gia. Không khí lúc bắt đầu cũng như khi kết thúc luôn rộn rã, tràn ngập tiếng cười”.

Theo ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, năm nào tại Nhà thi đấu Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh cũng diễn ra hội thao của nhiều đơn vị. Bên cạnh các môn bóng đá mini, nhảy bao bố, cờ tướng, bơi lội, cầu lông thì kéo co là môn luôn luôn nằm trong danh sách thi đấu được các đơn vị tổ chức đưa vào chương trình để mọi người cùng tham gia. Môn này không cần phải luyện tập, mỗi đội cứ có đủ thành viên theo quy định của ban tổ chức đặt ra là đều được kéo thi. Đơn giản là vậy nhưng đây là môn vui nhất vì huy động được tất cả các thành viên cùng chung sức để giành chiến thắng.

Dễ bảo tồn

Với đặc điểm dễ chơi, không tốn kém mua sắm dụng cụ, hội tụ đủ mọi lứa tuổi… lý giải vì sao từ lâu kéo co đã trở thành môn thể thao - trò chơi dân gian truyền thống phổ biến và rất được ưa chuộng. Do vậy, khi kéo co của Việt Nam được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đã trở thành niềm vui của mọi người, đồng thời có tác dụng thúc đẩy trò chơi truyền thống này tiếp tục được duy trì, phát huy.

“Chúng tôi rất vui vì kéo co được công nhận là di sản của thế giới. Chắc chắn trong lần tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng mừng xuân sắp đến đây, môn kéo co sẽ được chúng tôi đưa vào để bà con chung vui” - ông Tạ Duy Đạt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Tân Phú, nói.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, thì cho biết thêm: “Kéo co có lẽ là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam mà việc bảo tồn sẽ rất dễ dàng, lan tỏa sâu rộng vì chính qua mỗi lần chơi, người chơi đã phát huy, nhân rộng bộ môn mà mình đang tham gia. Đây là điều rất độc đáo và là nét rất riêng của kéo co so với những bộ môn văn hóa của Việt Nam được thế giới công nhận”.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều