Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê sưu tập cổ vật bằng đá

11:01, 20/01/2016

Đó là một sở thích đặc biệt của ông Sằn Sình Hứng, ngụ tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom. Không ít người dân trong vùng tỏ ra không hiểu nổi  thú chơi lạ đời của ông khi sẵn sàng bỏ tiền mua vật vô tri vô giác về nhà trưng bày.

Đó là một sở thích đặc biệt của ông Sằn Sình Hứng, ngụ tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom. Không ít người dân trong vùng tỏ ra không hiểu nổi  thú chơi lạ đời của ông khi sẵn sàng bỏ tiền mua vật vô tri vô giác về nhà trưng bày. Nhưng với ông, niềm đam mê không đơn giản chỉ là ngắm nhìn những đồ vật mình cất công sưu tập mỗi ngày, mà mỗi hiện vật của thời đã qua là một kỷ niệm, là những ký ức đẹp, một bài học cho những thế hệ đi sau.

Ông Sằn Sình Hứng (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) giới thiệu về những công cụ đá
Ông Sằn Sình Hứng (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) giới thiệu về những công cụ đá

 Từ suy nghĩ đó nên ông Hứng đã không tiếc khi bỏ ra không ít tiền bạc cùng thời gian gần 5 năm tìm kiếm, săn lùng các công cụ bằng đá và rìu đá. Hiện nay, ông có gần 60 cổ vật, hiện vật, trong đó phần lớn là các công cụ bằng đá và rìu đá được giới nghiên cứu khảo cổ đánh giá là những hiện vật, cổ vật quý giá.

* Lưu giữ ký ức một thời

Trong số 28 chiếc rìu đá ông sở hữu, có 19 chiếc rìu hình tứ giác và số còn lại là loại rìu vai đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định và đánh giá cao về giá trị khảo cổ. ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, nhận xét: “Qua tìm hiểu, bước đầu chúng tôi xác định hầu hết các công cụ đá, rìu đá do ông Hứng sưu tập được chế tác từ loại đá bazan có chứa nhiều vôi, được mài toàn thân và thuộc thời kỳ đá mới, có niên đại cách đây khoảng 3.500 năm. Việc làm của ông Hứng rất tích cực vì qua đó góp phần lưu giữ, bảo quản những công cụ đá từ thời xa xưa”.

ông Hứng không chỉ sưu tập công cụ đá, rìu đá mà còn bỏ ra nhiều công sức để có được bộ sưu tập với 7 đèn măng sông, 10 cối đá, 1 mâm đồng cùng 1 nồi đồng niên đại trên 100 năm. Cứ đi đâu gặp hoặc nghe người chỉ, ông đều tìm đến xem các đồ vật này, nếu thấy đẹp thì ông mua về nhà trưng bày.

Nói về sở thích đặc biệt của mình, ông Hứng chia sẻ các vật dụng mà ông cất công sưu tầm đều gắn liền với ký ức đã qua của ông. Đó là hình ảnh chiếc đèn dầu, đèn măng sông thân thuộc gắn liền với tuổi thơ của ông khi mỗi tối học bài; là hình ảnh mẹ tần tảo bên cối đá xay bột làm bánh cho cả nhà ăn. Với ông, tuy các vật dụng này hầu hết không còn dùng được, nhưng quan trọng nhất là nó đã từng gắn bó với cuộc sống của ông nên ông luôn trân trọng, vì đó là một trong ít nét văn hóa xưa mà ông còn may mắn lưu giữ được.

* Không giữ cho riêng mình

Sưu tầm được hiện vật cổ vật, ông Hứng không giữ cho riêng mình mà luôn rộng cửa chào đón mọi người đến tham quan, tìm hiểu tại nhà. Ông còn nhiệt tình giới thiệu để mọi người biết công dụng, cách dùng của từng món đồ. Chẳng hạn, như làm sao cho đèn măng sông sáng được, chiếc nồi đồng có hình dáng hoàn toàn khác với những chiếc nồi hiện nay như thế nào và cách nấu cơm chín ở nồi đồng... Qua đó giúp mọi người, nhất là giới trẻ biết được một phần cảnh gian khó, thiếu thốn trước kia để có nhiều cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống ngày hôm nay.

Những chiếc đèn măng sông và chiếc nồi đồng có tuổi hơn 100 năm được ông sưu tập.
Những chiếc đèn măng sông và chiếc nồi đồng có tuổi hơn 100 năm được ông sưu tập.
 
Ông Sằn Sình Hứng, cho hay: “Những món hiện vật, cổ vật được tôi sưu tầm không phải chỉ để cất trong tủ mà còn là một hình thức giáo dục con cái trong gia đình. Qua từng món đồ vật, tôi kể những câu chuyện liên quan để các con có thêm hiểu biết về những vật mà hiện nay không còn được mấy ai sử dụng nhưng với thế hệ trước là không thể thiếu trong cuộc sống. Từ đó cho thấy cuộc sống ngày nay không còn cơ cực như trước nữa nên phải không ngừng nỗ lực để vươn lên làm giàu cho gia đình, cho đất nước.

Không chỉ vậy, ông Hứng còn tận tình hỗ trợ cơ quan chuyên môn về khảo cổ của tỉnh thu thập, sưu tầm hiện vật. Đây là điểm đáng quý vì thông thường khi sở hữu cổ vật có giá trị, ít ai muốn người khác đụng tới. “Đằng này, ông Hứng còn nhiệt tình giới thiệu về những hiện vật, cổ vật mà ông sưu tập được cũng như hướng dẫn mọi người đến tại địa điểm mà người dân đã tìm thấy những công cụ đá; hay dẫn đến những gia đình còn cất giữ hiện vật, cổ vật. Qua đó đã giúp cơ quan chuyên của bảo tàng thực hiện thuận lợi nhiều đợt khảo sát, thu thập hiện vật, cổ vật quý giá để trưng bày ở bảo tàng tỉnh cho đông đảo người dân chiêm ngưỡng” - ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ Phòng Trưng bày - tuyên truyền, Bảo tàng Đồng Nai, cho hay.

Văn Truyên

 

 

Tin xem nhiều