Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà truyền thống, nhà trưng bày, nhà văn hóa dân tộc: Xuống cấp, ít hiện vật

07:12, 24/12/2015

Đó là tình trạng chung đang diễn ra tại 8/34 nhà truyền thống, nhà trưng bày, nhà văn hóa dân tộc trong tỉnh.

 

Đó là tình trạng chung đang diễn ra tại 8/34 nhà truyền thống, nhà trưng bày, nhà văn hóa dân tộc trong tỉnh.

Già làng Hùng Văn Xứng, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc bên chiếc gùi, một trong 45 hiện vật trưng bày tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro của xã.
Già làng Hùng Văn Xứng, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc bên chiếc gùi, một trong 45 hiện vật trưng bày tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro của xã.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt lễ hội cộng đồng, giáo dục truyền thống, không tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người xem.

* Trên hư, dưới trống

Trong đó, xuống cấp về cơ sở vật chất có thể kể đến Nhà truyền thống Nông trường cao su Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), Nhà trưng bày Di tích địa đạo Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), Nhà truyền thống TP.Biên Hòa (Nhà hội Bình Trước, TP.Biên Hòa), Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng (huyện Định Quán). Hiện phần nền của những di tích này đều bị bong tróc, tường nhà đã xuống cấp nhiều, có nơi bị nứt toác. Cụ thể, tại Nhà truyền thống TP.Biên Hòa phần mái tôn, mái ngói bị hư nên gây dột, nước mưa ngấm vào làm phần la-phông cũng xuống cấp theo, tường gạch ở nhiều nơi bị nứt. Thêm vào đó, do nền của Nhà truyền thống TP.Biên Hòa thấp hơn so với mặt đường nên cứ mưa là ngập.

Ông Điu Hoàng, Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng, huyện Định Quán, cho biết Nhà văn hóa dân tộc Chơro hiện do đơn vị tài trợ xây dựng quản lý, nên nhiều năm nay việc phối hợp tổ chức các hoạt động cộng đồng khá khó khăn. Vì vậy, 5 năm qua bà con phải tổ chức lễ hội Mừng lúa mới tại khu vực bãi đất trống trong xã. Lần tiếp xúc cử tri nào bà con ở đây cũng bày tỏ bức xúc và kiến nghị chính quyền các cấp sớm giải quyết tình trạng này. Vì mang tên là Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng, mà ngay đến bà con Chơro cũng không vào được bên trong để tham quan, xem vật trưng bày, tổ chức nghi thức truyền thống thì quả là rất kỳ lạ.

Theo ông Điểu Hoàng, Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng, Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng được xây dựng vào năm 1997 do một đơn vị phi chính phủ tài trợ. Ban đầu, thiết chế văn hóa này là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong các dịp lễ hội, người dân đóng góp hiện vật trưng bày rất nhiều. Tuy nhiên do bất cập trong công tác quản lý, điều hành nên hiện nay người dân ít tìm đến đây sinh hoạt và họ lấy lại hiện vật mang về nhà cất giữ, bảo quản. Do ít được sử dụng, bảo quản kém nên hiện thiết chế này xuống cấp với phần vách, sàn, cột kèo đều bị mục rỗng, cảnh quan xung quanh không được chăm sóc nhìn rất ngổn ngang.

Nhiều thiết chế văn hóa còn gặp phải tình cảnh thiếu hiện vật trưng bày mặc dù diện tích, không gian rất rộng, trong đó có Nhà văn hóa các dân tộc Tà Lài (huyện Tân Phú) hiện chỉ có 45 hiện vật trong phòng trưng bày rộng 60m2, hay Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Xuân Phú với phòng trưng bày 80m2 nhưng chỉ có 35 hiện vật... Điều đáng nói hơn là số hiện vật này đều là hiện vật nhỏ, cách bài trí đơn điệu không có sự liên kết, thiếu hiện vật nổi bật, tiêu biểu của cộng đồng.

* Cần sớm được đầu tư

Tình trạng xuống cấp, thiếu hiện vật trưng bày tại các thiết chế văn hóa nêu trên đã tồn tại từ rất lâu. Tuy mỗi nơi đều có những cố gắng nhất định để khắc phục sự xuống cấp cũng như thiếu hụt hiện vật, nhưng cũng không làm tình hình chuyển biến tích cực hơn. 

Ông Điểu Hoàng, Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng, huyện Định Quán cho biết phần xà ngang chính bằng gỗ của Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng đã bị mối ăn mọt.
Ông Điểu Hoàng, Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng, huyện Định Quán cho biết phần xà ngang chính bằng gỗ của Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng đã bị mối ăn mọt.

Theo bà Mai Thị Chi Liên, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán, hàng năm huyện đều cấp kinh phí để sửa chữa nhỏ tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng, nhưng việc làm này không  mang lại nhiều tác dụng vì mức độ hư hỏng tại đây mỗi ngày một trầm trọng.

Còn bà Phạm Thị Anh Đào, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú thì cho biết thêm: “Việc bổ sung hiện vật cho thiết chế văn hóa này rất khó, vì hiện vật truyền thống trong đồng bào chẳng còn là bao. Nhà nào còn thì đều muốn giữ làm kỷ niệm tại gia đình chứ nhất quyết không trao tặng hay bán lại cho chính quyền”.

Trước tình trạng này, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho biết thời gian tới Sở sẽ phối hợp với từng địa phương tìm ra hướng trùng tu, sửa chữa, bổ sung hiện vật nhằm góp phần đưa thiết chế văn hóa này đáp ứng được với nhu cầu, mong mỏi của các tầng lớp nhân dân.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều