Báo Đồng Nai điện tử
En

Đông Dương chung một chiến hào

09:12, 22/12/2015

Một lần nữa, mối thâm  tình giữa 3 nước, 3 dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia  sẽ được tái hiện với khán giả màn ảnh nhỏ qua bộ phim Đông Dương chung một chiến hào. Phim được trình chiếu từ ngày 22-12-2015 trên sóng truyền hình 4 đài PT-TH: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Hà Nội.

Một lần nữa, mối thâm  tình giữa 3 nước, 3 dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia  sẽ được tái hiện với khán giả màn ảnh nhỏ qua bộ phim Đông Dương chung một chiến hào. Phim được trình chiếu từ ngày 22-12-2015 trên sóng truyền hình 4 đài PT-TH: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Hà Nội.

Một cảnh trong bộ phim Đông Dương chung một chiến hào.
Một cảnh trong bộ phim Đông Dương chung một chiến hào.

Đề tài mà bộ phim khai thác không mới bởi đã có rất nhiều nhà làm phim trong cũng như ngoài nước sản xuất, nhưng với sự tiếp cận về tư liệu, nhân chứng lịch sử ở một góc độ khác; bố trí dung lượng, nội dung truyền tải với nhiều cấu trúc trong mỗi tập phim... Đông Dương chung một chiến hào vẫn hứa hẹn tạo cho người xem một góc nhìn khá toàn diện về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập, thống nhất đất nước trong bối cảnh từ năm 1858 khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công xâm lược Việt Nam đến khi hòa bình được lập lại trên toàn bán đảo Đông Dương vào năm 1975.

* Tiền nhân viết nên lịch sử

Giống như tên gọi của bộ phim, tình thân của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia song hành trong lịch sử khi cùng một số phận bị kẻ thù xâm lược, từ đó dẫn đến “chung một chiến hào” chiến đấu chống kẻ thù chung suốt hơn nửa thế kỷ. Mối quan hệ này tiếp tục được xây dựng trong những năm tháng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của 3 nước, 3 dân tộc. “Đây chính là nội dung chính mà bộ phim muốn truyền tải đến người xem” - ông Mai Sông Bé, Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai, nói.

Nhưng nếu những bộ phim đã được sản xuất trước đây phần lớn tập trung phân tích, lý giải về sự giúp đỡ của Việt Nam với 2 nước anh em trong quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, thì trong 30 tập phim của Đông Dương chung mt chiến hào khán giả sẽ được biết thêm về sự phối hợp, giúp sức của nhân dân, quân đội, chính quyền 2 nước Lào và Campuchia đối với nhân dân, quân đội, chính quyền Việt Nam trong từng trận đánh chống càn quét địch, từng chiến dịch quân sự lớn giải phóng đất và người.

“Và để truyền tải đến khán giả nội dung này, trong mỗi tập phim dài 25 phút, chúng tôi sử dụng nhiều cấu trúc, như là “hàng đôi” để phản ánh về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Lào - Campuchia hay cấu trúc tam giác: Việt Nam - Lào - Campuchia. Qua đó, đưa bộ phim về đúng với cái tên Đông Dương chung một chiến hào, phản ánh cái chung nhất của 3 nước chứ không chỉ tập trung hoàn toàn vào một quốc gia nào, còn những nước khác chỉ đóng vai trò điểm xuyết như một số phim từng làm” - Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cố vấn thực hiện bộ phim, nói.

 Còn ông Nguyễn Năng Hiền, đạo diễn bộ phim thì cho biết ngoài những tư liệu trong nước, thông qua lời kể của các nhân chứng từ 2 phía: ta - địch; đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhà báo thế giới gắn liền hoạt động với chiến tranh 3 nước Đông Dương; của lãnh đạo quân đội, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia... tất cả đã tạo nên cho bộ phim cái nhìn khách quan, trung thực nhất về lịch sử.

* Chung sức làm phim

Đông Dương chung một chiến hào là bộ phim tài liệu lần đầu tiên có sự tham gia thực hiện của 4 đơn vị, gồm: Đài PT-TH Đồng Nai (8 tập), Đài PT-TH Bình Dương (5 tập), Đài PT-TH Bình Phước (8 tập) và Công ty TNHH truyền thông tầm nhìn Á Châu (9 tập). Phim được thực hiện trong thời gian gần 3 năm (từ năm 2013 -2015. Tuy phân chia số tập phim cho từng đơn vị thực hiện, song mỗi nhà sản xuất phim đều có sự liên hệ, kết nối nhằm đảm bảo đúng, đầy đủ nội dung mà kịch bản phim hướng đến, tránh sự trùng lắp trong từng tập phim.

Đông Dương chung một chiến hào được 2 đài truyền hình quốc gia của Lào và Campuchia đề nghị được trình chiếu trên sóng truyền hình quốc gia của nước bạn. Hiện đơn vị thực hiện đang tìm kiếm nguồn tài trợ để sắp tới chuyển ngữ hoặc dịch phụ đề sang tiếng Anh để công chiếu rộng rãi hơn ở một số nước khác.

Ngoài nhân lực của 4 đơn vị sản xuất, phim còn có sự tham gia với vai trò cố vấn của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; Thiếu tướng Phan Khắc Hải và nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của các đơn vị truyền thông; Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân 2 nước Lào và Campuchia trong việc giới thiệu nhân chứng lịch sử, tìm kiếm tư liệu, trả lời phỏng vấn... trong suốt quá trình bộ phim quay tại 2 nước này.

“Thuận lợi thì nhiều nhưng khó khăn cũng không ít đối với chúng tôi. Nhất là tìm gặp nhân chứng lịch sử hay nói chính xác hơn là người từng tham gia vào những trận đánh có phối hợp giữa 3 nước Đông Dương, bởi tất cả đều đã lớn tuổi, người còn người mất. Phần đông người còn sống do tuổi cao, di chứng để lại của chiến tranh nên việc diễn đạt câu chuyện cũng rất khó khăn. Thêm vào đó quá trình tìm kiếm tư liệu lịch sử, nhất là phần tài liệu hình ảnh vào thế kỷ 19 thì phần lớn chúng tôi phải lấy từ tài liệu của các công ty truyền thống, đơn vị lưu trữ trên thế giới nên mất rất nhiều thời gian. Do vậy, bộ phim kéo dài đến gần 3 năm mới hoàn thành. Bộ phim  hoàn thành thể hiện được trách nhiệm của thế hệ hậu nhân đối với đóng góp của những người đi trước để độc lập, tự do, thống nhất nở hoa trên bán đảo Đông Dương. Và nhất là bày tỏ thái độ trân trọng của những người làm báo với lịch sử” - ông Mai Sông Bé nói.

Văn Truyên

 

 

Tin xem nhiều