Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn mãi dấu ấn lịch sử

07:08, 15/08/2015

Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều địa điểm đã gắn liền với sự kiện lịch sử này của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, như: Bửu Hưng tự (chùa Cô hồn), Nhà hội Bình Trước, Tòa bố Biên Hòa, Quảng trường Sông Phố.

Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều địa điểm đã gắn liền với sự kiện lịch sử này của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, như: Bửu Hưng tự (chùa Cô hồn), Nhà hội Bình Trước, Tòa bố Biên Hòa, Quảng trường Sông Phố.

Sau khi thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà, cả 4 địa điểm này đều được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh.

* Nơi ghi dấu lịch sử...

Tọa lạc trên đường 30-4, đối diện với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ là Nhà hội Bình Trước (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa). Công trình kiến trúc này được người Pháp chủ trương xây dựng vào năm 1936 để làm chỗ hội họp của hương chức, hội tề địa phương thời bấy giờ. Vào ngày 23-9-1945, tại đây đã diễn ra hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa, đồng chí Hà Huy Giáp, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ, đã đến dự. Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành được chính quyền vào tháng Tám năm 1945 và đề ra những chủ trương, nhiệm vụ trọng yếu cho việc hoạt động của chính quyền.

Với hệ thống vòi phun nước và những tiểu cảnh được làm từ hoa thật, di tích Quảng trường Sông Phố đang từng ngày tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố. Phía sau di tích Quảng trường Sông Phố là nơi tọa lạc trước kia của di tích Tòa bố Biên Hòa (nay là Trụ sở khối Nhà nước tỉnh).
Với hệ thống vòi phun nước và những tiểu cảnh được làm từ hoa thật, di tích Quảng trường Sông Phố đang từng ngày tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố. Phía sau di tích Quảng trường Sông Phố là nơi tọa lạc trước kia của di tích Tòa bố Biên Hòa (nay là Trụ sở khối Nhà nước tỉnh).

 Tiếp tục xuôi theo đường 30-4 về phía bờ sông Đồng Nai là Quảng trường Sông Phố (phường Thanh Bình, TP.Biên Hoà). Trước năm 1945, Quảng trường Sông Phố được người dân Biên Hòa gọi là Bùng binh Trung tâm. Công trình này được Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Theo Th.S Trần Quang Toại, Tổng thư ký Hội Sử học Đồng Nai, ngày 27-8-1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Hàng ngàn người từ các địa phương của tỉnh Biên Hoà tập trung tại đây tham gia mít tinh. Trong không khí trào dâng của thắng lợi cách mạng, đồng chí Dương Bạch Mai, cán bộ Xứ ủy Nam kỳ đại diện Mặt trận Việt Minh ở Nam bộ diễn thuyết về đường lối cách mạng của Đảng được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Đồng chí Hoàng Minh Châu, Trưởng ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân và công bố thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa.

Nằm liền kề với Quảng trường Sông Phố là di tích Tòa bố Biên Hòa. Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, công trình Tòa bố Biên Hòa đã có từ thời nhà Nguyễn. Sau khi đánh chiếm Nam bộ, Thực dân Pháp đã cho xây dựng lại và đến năm 1923 thì hoàn thành. Kể từ đó, nơi đây trở thành nơi làm việc của bộ máy cai trị của thực dân tại Biên Hòa. Tại đây, trong làn sóng Cách mạng tháng Tám dâng cao trong toàn quốc thì ngày 25- 8-1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân Biên Hòa trang trọng kéo lên cột cờ Tòa bố, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Một di tích tín ngưỡng dân gian khác cũng gắn liền với sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 là chùa Cô hồn (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Chùa được xây dựng vào năm 1920, do người dân địa phương lập nên để thờ những nghĩa sĩ của trại Lâm Trung hy sinh vào tháng 2-1916 trong trận tấn công vào các công sở của chính quyền thực dân ở Biên Hòa. Tiếp đó vào tháng 6-1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Châu, hội nghị cán bộ Đảng ở Biên Hòa đã được triệu tập ở gian phía sau chùa. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

*…Và giáo dục truyền thống yêu nước

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của những di tích này đối với các thế hệ người Việt. Điều này được biểu hiện ở việc chỉ một thời gian ngắn sau thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh, cả 4 địa điểm gắn liền với lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945 này đều đã được nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.

Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, cho biết năm 1979, có 2 di tích là Tòa bố Biên Hòa và chùa Cô hồn đều được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh vào ngày 16-2-1979. Tiếp đó, vào ngày 30-12-1991, 2 di tích Quảng trường Sông Phố và Nhà hội Bình Trước được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Trong số này, ngoài Tòa bố Biên Hòa đã được thay thế bằng công trình hiện đại là Trụ sở khối Nhà nước tỉnh, 3 di tích còn lại đều còn giữ lại kiến trúc ban đầu và trở thành nơi sinh hoạt truyền thống của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, ngoài việc mở cửa cho du khách vào tham quan, chụp ảnh lưu niệm, hàng năm di tích Nhà hội Bình Trước đều được Phòng Văn hóa và thông tin TP.Biên Hòa chọn làm địa điểm tổ chức triển lãm sách, báo mừng Đảng - mừng Xuân với hàng trăm lượt bạn đọc.

Còn di tích Quảng trường Sông Phố (còn có tên gọi khác là Công viên Thanh Bình - vòng xoay Sông Phố) đang từng ngày tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố với hệ thống vòi phun nước cùng những tiểu cảnh được làm từ hoa thật. “Tại đây luôn có đội ngũ nhân viên vừa làm công tác bảo vệ cũng như vừa hướng dẫn, cung cấp thông tin về di tích cho du khách” - ông Lê Anh Minh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý công viên công cộng, đơn vị trực tiếp được giao quản lý di tích này, cho biết.

Riêng đối với di tích chùa Cô hồn, do đây là một nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh nên hàng năm luôn có hàng trăm người dân đến lễ bái, cầu nguyện trong các dịp lễ tết, lễ cúng giỗ các anh hùng liệt sĩ được thờ phụng tại đây. Di tích là nơi để các thế hệ người dân Biên Hòa ghi nhớ công lao của những anh hùng nghĩa sĩ đã vì nước quên thân.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều