Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ Choé và những người không thể lãng quên

03:08, 08/08/2015

Sáng 9-8 tại Phòng tranh Lạc Trường Xuân (TP.Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra triển lãm Chóe và 30 nhân vt, với 31 tác phẩm.

Họa sĩ Chóe.
Họa sĩ Chóe.

Sáng 9-8 tại Phòng tranh Lạc Trường Xuân (TP.Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra triển lãm Chóe và 30 nhân vt, với 31 tác phẩm. Trong sự nghiệp đồ sộ của họa sĩ Chóe, mảng nhân vật nổi tiếng chiếm một khía cạnh quan trọng. Họa sĩ Chóe tên thật là Nguyễn Hải Chí (1943-2003), từng được thế giới đánh giá là “cây biếm họa số 1 của Việt Nam”.

Triển lãm giới thiệu một bộ sưu tập tư nhân thuộc dạng hiếm gặp, bởi chất lượng tranh đồng đều và bởi những nhân vật mà Chóe thể hiện đều là danh nhân, gồm: Bùi Giáng, Bùi Xuân Phái, Chế Lan Viên, Đào Duy Anh, Điềm Phùng Thị, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Lê Thương, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Tuân, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Sơn Nam, Tản Đà, Thế Lữ, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Vũ Trọng Phụng, Vương Hồng Sển, Xuân Hiệu, và một bức Chóe tự họa.

Những tác phẩm tại triển lãm này cho thấy mấy yếu tố độc đáo, đầu tiên là khả năng khái quát cuộc đời, phong thái, tính cách và tinh thần nhân vật bằng một ít đường nét. Kế đến, đó là việc tạo cảm hứng cho người xem, bởi chính các tác phẩm như là nhịp cầu để người xem đến gặp trực tiếp nhân vật mà mình yêu thích. Tùy vào cảm hứng và thông tin có được của từng người xem mà tác phẩm hiện ra có sức ý vị riêng.

Đương thời, Chóe nhiều lần gọi mình là “kẻ điếc không sợ súng”, vì ông hoàn toàn tay ngang đến với nghệ thuật. “Tôi chỉ là một anh chàng thất học, từ nhỏ rời quê An Giang lên Sài Gòn mưu sinh với đủ thứ nghề. Năm 20 tuổi, nhà văn Viên Linh (chủ bút tờ Din Đàn) bảo tôi vẽ hí họa in báo, dù biết tôi chẳng thạo nghề này. Trước đó tôi chỉ mày mò học với một thầy giáo làng, chẳng đáng kể gì, nhưng nể bạn cứ vẽ liều. Vẽ xong, chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo: Ông tên Chí, vậy thì ký là Chóe! Tôi nghe cái tên này thấy cũng kêu, vậy là thành bút danh” - Chóe từng tâm sự như vậy.

Cũng vì tay ngang vào nghề, nên dường như tác phẩm nào của Chóe cũng đầy cảm xúc, tự tin dấn bước, không kiêng nể giới hạn này kia. Ngay cả những tranh trừu tượng cuối đời cũng vậy, ông vẽ dứt khoát nhưng không hề “dứt ý”, nên người xem vẫn có thể nhận ra cảm xúc và tâm sự của tác giả. Chính vì tinh thần như vậy mà triển lãm Chóe và 30 nhân vt dù là lát cắt nhỏ, vẫn đủ sức làm nên diện mạo của một người suốt đời vì nghệ thuật.

Vài cột mốc của họa sĩ Chóe

- Năm 1973, báo New York Times xếp Chóe vào tốp 8 họa sĩ biếm họa xuất sắc thế giới của thập niên 1970.

- Năm 1995, Chóe được mời triển lãm quốc tế với chủ đề Phụ nữ nước tôi tại một số thành phố ở Nhật Bản.

- Được báo L’Hebdo của Pháp xếp vào tốp 6 người Việt tiêu biểu từ năm 1975 đến 1995, với danh hiệu “Họa sĩ bướng bỉnh”.

- Năm 2004, 29 tranh chân dung các phụ nữ đoạt giải Nobel của ông được trưng bày ở Thủ đô Stockholm, nhân Ngày Việt Nam ở Thụy Điển.

 

Hiền Hòa

 

 

 

 

Tin xem nhiều