Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Chơro yêu đờn ca tài tử

10:07, 17/07/2015

Gần một năm nay, vào tối thứ hai và chủ nhật hàng tuần, cùng với 76 học viên người Kinh, 3 thanh niên người Chơro (ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) là Thị Minh Tới, Thổ Tòng Ngọc, Thị Kim Lương lại tụ họp về căn phòng nhỏ của Nhà thiếu nhi thị xã học đờn ca tài tử và cải lương do Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh tổ chức.

Gần một năm nay, vào tối thứ hai và chủ nhật hàng tuần, cùng với 76 học viên người Kinh, 3 thanh niên người Chơro (ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) là Thị Minh Tới, Thổ Tòng Ngọc, Thị Kim Lương lại tụ họp về căn phòng nhỏ của Nhà thiếu nhi thị xã học đờn ca tài tử và cải lương do Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh tổ chức.

Chị Thị Minh Tới đang thể hiện một bản đờn ca tài tử trong buổi giao lưu giữa các thành viên trong lớp học.
Chị Thị Minh Tới đang thể hiện một bản đờn ca tài tử trong buổi giao lưu giữa các thành viên trong lớp học.

Với những người Chơro đang theo học tại lớp đờn ca tài tử và cải lương, có rất nhiều khó khăn khi bám lớp để tiếp cận với niềm vui thích nghệ thuật.

* Học vì yêu mến

Chị Thị Kim Lương cho biết: “Học môn này khó và lạ với chúng tôi. Thêm vào đó, chất giọng cũng là một trở ngại lớn, bởi dù cho đã nói sõi tiếng Việt, nhưng cách phát  âm của chúng tôi chưa có được sự luyến láy, lên xuống nhịp nhàng. Vậy nên, lúc đầu trong cộng đồng Chơro xã Bàu Trâm có đến 12 người theo học, nhưng sau hơn một tháng chỉ còn lại 3 người bám trụ với lớp”.

Đến nay, sau hơn 10 tháng được các cô chú trong lớp học, thầy giáo phụ trách lớp động viên và hướng dẫn tận tình, 2 nữ học viên Thị Kim Lương và Thị Minh Tới đã có thể tự tin trình bày những bản đờn ca tài tử một cách thành thục.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh, cho hay: “Từ những kết quả tích cực của lớp học đờn ca tài tử và cải lương đầu tiên, trong thời gian tới ngành văn hóa thông tin của thị xã sẽ tiếp tục tổ chức những lớp học tương tự để truyền dạy, nhân rộng bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến với các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Trong khi đó, anh Thổ Tòng Ngọc - nam học viên người Chơro duy nhất của lớp học, lại chọn cho mình việc làm bạn với cây đàn kìm và đàn guitar để đệm đàn cho mọi người ca. Anh Thổ Tòng Ngọc cho hay: “Học để cho biết đánh đàn thôi thì không khó, nhưng đàn làm sao để tiếng đàn hòa nhịp được cùng lời ca là cả một thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi người chơi đàn phải có thời gian rèn luyện lâu dài. Đến nay, sau gần một năm rèn luyện, tôi đã được các anh chị học viên tin tưởng chọn làm người đệm đàn để mọi người ca”.

Nhận xét về nỗ lực của các học trò dân tộc Chơro, giáo viên phụ trách lớp học đờn ca tài tử và cải lương TX.Long Khánh Nguyễn Văn Hoàng nói: “Trong 4 người học đờn của lớp học thì Thổ Tòng Ngọc là người có xuất phát điểm thấp nhất, nhưng nhờ siêng năng mà đến nay nam thanh niên người dân tộc Chơro này lại là người có thành tích tốt nhất và tỏ ra rất có năng khiếu”. 

* Không giữ cho riêng mình

Anh Thổ Tòng Ngọc cho biết, để nhớ lâu và nhanh tiến bộ, cứ sau từng buổi học trên lớp, lúc nào rảnh rỗi, 3 người lại tự tập ở nhà hay cùng họp nhau lại rồi người đàn người ca. “Lúc xem chúng tôi tập, hàng xóm láng giềng rất thích thú và nhờ chúng tôi chỉ cho họ cách ca, cách đánh đàn và cả 3 anh em đều tận tình truyền lại những gì đã học được cho người có chung niềm yêu thích giống mình” - anh Thổ Tòng Ngọc cho hay.

Nhờ sự chia sẻ này mà hiện nay ở xã Bàu Trâm ngoài 3 người Chơro được đào tạo bài bản từ lớp học, còn có thêm một số thanh niên trong cộng đồng người Chơro cũng có thể ca một số bản tài tử hay chơi một vài loại nhạc cụ nhất định. “Từ 79 học viên của lớp học đầu tiên nói chung cũng như 3 học viên trẻ người Chơro nói riêng, chúng tôi hy vọng người dân tham gia ngày càng nhiều, trao truyền và làm lan tỏa bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử đến với từng cộng đồng tại thị xã”  - ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh, Trưởng ban tổ chức lớp học cho hay.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều