Báo Đồng Nai điện tử
En

Những miền tâm tư qua thơ

11:04, 06/04/2012

Anh Lê Liên sinh ra trên mảnh đất Hoa Lư, Ninh Bình, nơi cách đây một ngàn năm ông vua cờ lau Đinh Bộ Lĩnh phất cờ khởi nghĩa, dẹp loạn mười hai sứ quân, thu non sông về một mối, lập nên nước Đại Cồ Việt hùng cường. Lớn lên, anh Lê Liên xa quê, đi đánh giặc trở thành người lính ở chiến trường miền Đông Nam bộ.

Anh Lê Liên sinh ra trên mảnh đất Hoa Lư, Ninh Bình, nơi cách đây một ngàn năm ông vua cờ lau Đinh Bộ Lĩnh phất cờ khởi nghĩa, dẹp loạn mười hai sứ quân, thu non sông về một mối, lập nên nước Đại Cồ Việt hùng cường. Lớn lên, anh Lê Liên xa quê, đi đánh giặc trở thành người lính ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Đất nước thống nhất, anh làm Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai. Hiện anh là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Dù làm người lính hay làm chính trị, anh Lê Liêm vẫn đam mê làm thơ. Thơ - đối với anh là phương tiện để ký thác tâm tư, là cách để anh chia sẻ với bạn đọc. “Miền lau trắng” là tập thơ thứ hai của anh. Anh tâm sự: “Miền lau trắng”, tên tập thơ thứ hai này, cũng là tình yêu đau đáu thiết tha của tôi kính dâng Ninh Bình - nơi tôi sinh ra, nuôi tôi khôn lớn và Đồng Nai - quê hương thứ hai, nơi tôi gắn bó hơn ba mươi năm qua và suốt cả cuộc đời”.

***

Đọc “Miền lau trắng” ta dễ dàng nhận thấy một niềm tự hào của người con sinh ra trên mảnh đất cố đô. Bằng ngòi bút đặc tả của mình, anh Lê Liên đã gợi lên cảnh đẹp thần tiên của quê hương Ninh Bình, một cảnh đẹp làm say mê lòng người:

Một vùng non nước thần tiên

Ai lên Yên Mã, ai lên viếng Đền

Phải lòng một cánh hoa sen

Thương chùa Nhất Trụ tìm lên chốn này

Bồng bềnh Thủy động xuyên mây

Câu chèo thả nổi, tím ngây cánh bèo

(Hồn quê)

Và anh nói lên tình cảm đau đáu thiết tha với quê hương của mình, niềm tự hào của cả đất nước với mảnh đất cố đô còn tươi đẹp mãi, dù đã trải qua hàng ngàn năm thăng trầm biến thiên của lịch sử:

Hồn quê dâng một cõi riêng

Cố đô là của mọi miền ngàn năm

      (Hồn quê)

Là một người lính và người làm công tác chính trị, anh đã cảm nhận được cái giá của chiến tranh, của hòa bình, của tình yêu và hạnh phúc. Chiến tranh, với anh là những năm tháng gian khổ, hào hùng, đằm thắm nghĩa tình đồng đội:

Mùa xuân nào Bác gọi

Mẹ tiễn con lên đường

Mùa xuân nào Trường Sơn

Bên chiến hào chờ giặc

Mùa xuân nào đạn bom

Sáng mồng một tiểu đội

Chia nhau hơi thuốc thơm

(Mùa xuân và chiến tranh)

Hòa bình, chúng ta có nhiều niềm vui, hạnh phúc trên bước đường xây dựng cuộc sống mới. Đây là cảnh rộn ràng trên thành phố công nghiệp Biên Hòa:

Rạng bình minh nhịp cầu Mới long lanh

Thành phố bừng lên màu xanh áo thợ

Ai đón, ai đưa, ai chờ, ai nhớ

Ai cùng thành phố nhịp bước tương lai

 (Về lại bến sông xưa)

Vì đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, những năm tháng gian nan xây dựng đất nước nên anh càng nâng niu vẻ đẹp viên mãn của tình yêu đôi lứa ngày hôm nay. Anh có những vần thơ tươi tắn, ngọt ngào viết về ngày lễ Tình nhân:

Trăng vàng gọi cửa đêm qua

Ngày Tình nhân đến vỡ òa tháng giêng

Từ trong rộn rã con tim

Vầng trăng dát ngọc mọi miền tình yêu

(Trăng và ngày Tình nhân)

Đặc sắc trong tập thơ “Miền lau trắng” của Lê Liên là những bài thơ mang tính triết lý của anh. Anh thường suy tư, trăn trở về được mất, vui buồn, về chữ Tâm và cõi Thiền.…Thơ triết lý của anh không nặng nề, có lẽ anh rút ra từ những trải nghiệm của một người có thâm niên làm công tác chính trị. Cho nên thơ anh nhẹ nhàng mà thấm thía, rung cảm người đọc.

Giữa cuộc đời đầy phức tạp, sóng gió anh vẫn chọn một lối sống an nhiên, giữ cho mình một chữ tâm với cuộc đời, với mọi người:

Thường ngày thiền định tâm thân

An nhiên tịnh giữa phàm trần mà chơi

Ngộ ra sinh tử kiếp người

Giữ tâm cho sạch là nơi kiếp người

(Cõi thiền)

***

Dẫu có những câu thơ, đoạn thơ cảm xúc chưa thật chín, có chỗ diễn đạt chưa thật nhuần nhuyễn thì tập thơ “Miền lau trắng” vẫn là tiếng nói của một người làm công tác chính trị, một đóng góp quý báu vào đời sống văn hóa tinh thần của tỉnh Đồng Nai

Bùi Quang Tú

 

 

Tin xem nhiều