Báo Đồng Nai điện tử
En

Đêm giao lưu văn hóa Việt - Lào: Nối dài thêm tình hữu nghị

07:04, 08/04/2012

Tối nay 9-4, lễ hội Bunpimay - còn gọi là tết té nước của người dân Lào sẽ được tổ chức tại Khu du lịch văn hóa Bửu Long. Đây không chỉ là dịp đón chào năm mới của 40 sinh viên Lào đang theo học tại Đồng Nai  mà còn là cơ hội thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt - Lào.

Sinh viên Lào đang tập điệu dân vũ Rimborock.
Sinh viên Lào đang tập điệu dân vũ Rimborock.

Tối nay 9-4, lễ hội Bunpimay - còn gọi là tết té nước của người dân Lào sẽ được tổ chức tại Khu du lịch văn hóa Bửu Long. Đây không chỉ là dịp đón chào năm mới của 40 sinh viên Lào đang theo học tại Đồng Nai  mà còn là cơ hội thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt - Lào.

Tết té nước là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống của các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan.

* Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa

Samnieng Sengkhiyavong, nữ sinh viên Lào đang học tại khoa kế toán Trường đại học Lạc Hồng cho biết, để đón mừng lễ hội Bunpimay, từ mấy tuần nay các sinh viên Lào đã háo hức chuẩn bị chương trình biểu diễn văn nghệ, ẩm thực và các nghi thức cho ngày tết cổ truyền dân tộc. Múa Lăm-vông - một điệu múa không thể thiếu trong bất kỳ dịp lễ hội nào của người dân Lào đã được các bạn tập luyện cho thật mềm mại, uyển chuyển. Ngoài ra, các sinh viên còn tập thêm điệu nhảy Rimborock là điệu dân vũ được thanh niên Lào ưa chuộng trong các dịp đám cưới, tiệc vui. Để giới thiệu thêm về nét văn hóa Lào đến bạn bè Việt Nam, các sinh viên Lào cũng chuẩn bị từng chiếc xỉnh (váy) với hoa văn khác nhau cho phần biểu diễn trang phục truyền thống.

Lễ hội Bunpimay sẽ càng hấp dẫn hơn với các món ẩm thực ngày tết, trong đó không thể thiếu món lạp truyền thống (một món ăn chế biến từ thịt hoặc cá, ăn với xôi nếp). Samnieng Sengkhiyavong cho biết, lạp trong tiếng Lào có nghĩa là may mắn. Món lạp tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, bình an trong cuộc sống người dân Lào hiền hòa. Các món ăn khác, như: gỏi đu đủ, bánh khẩu tộm (làm bằng gạo nếp trộn nước cốt dừa, nhân đậu xanh, giống như bánh tét của người Việt) cũng sẽ được các bạn giới thiệu đến mọi người.

Đặc biệt, những ai tham dự lễ hội Bunpimay sẽ có cơ hội được biết thế nào là… ướt, bởi các bạn đã chuẩn bị rất nhiều nước để té ướt theo tục lệ. Nước để té  được chuẩn bị công phu,  ướp thơm bằng quả bồ kết nướng, nghệ và các loại hoa với mong muốn mang lại may mắn cho mọi người. Những mâm pha khoảnh đựng phẩm vật ngày tết, gồm: gạo, lá chuối, dây chỉ, trứng gà và bánh cũng được giới thiệu trong dịp này. Vừa được té nước, buộc chỉ cổ tay và ăn món lạp chung vui với tết cổ truyền của người Lào thì sẽ may mắn và sung túc trong cả năm mới, kết nối sự bình an và hạnh phúc giữa gia chủ và khách ghé thăm nhà.

* Kết nối thêm tình hữu nghị

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới cho biết, trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị có bề dày 50 năm giữa hai nước Việt - Lào, những năm qua Đồng Nai đã có sự gắn bó mật thiết với các địa phương của nước bạn, đặc biệt là tỉnh Champasak. Ngoài mối quan hệ cùng nhau phát triển về kinh tế, Đồng Nai còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu về văn hóa. Xác định việc hỗ trợ nước bạn Lào về nguồn nhân lực nhằm đào tạo thế hệ tiếp nối có trình độ chuyên môn và có sự thấu hiểu lẫn nhau về văn hóa là hướng phát triển bền vững trong mối quan hệ hữu nghị, nên từ năm 2007 đến nay, Đồng Nai đã tài trợ nhiều đợt cho khoảng 40 sinh viên Lào theo học tại các trường đại học: Lạc Hồng, Nông lâm, Sư phạm kỹ thuật và Trường cao đẳng du lịch Vũng Tàu.

Sinh viên Lào đang tập một tiết mục múa Mảnh đất tự do.          Ảnh: T.THÚY
Sinh viên Lào đang tập một tiết mục múa Mảnh đất tự do. Ảnh: T.THÚY

Phonexay Dyavong, sinh viên Lào đang theo học tại khoa kỹ thuật công trình của Trường đại học Lạc Hồng tâm sự: Trong gần 5 năm học tại trường, em và bạn bè không chỉ nhận được sự quan tâm chăm sóc rất chu đáo, tận tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mà còn có cả tình cảm của các thầy cô giáo và bạn bè Việt Nam. Nhờ vậy, cảm giác xa  cách và mong nhớ quê nhà phần nào được vơi đi, các em đã vượt qua được khó khăn để sinh hoạt và học tập tốt. Được tổ chức lễ hội Bunpimay - một lễ hội quan trọng trong tâm thức mỗi người dân Lào, niềm vui càng dâng lên gấp bội, Dyavongvà bạn bè đã tự hứa sẽ quyết tâm cố gắng học tập thật tốt để sau này sẽ là nhịp cầu kết nối góp phần phát triển chặt chẽ hơn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam- Lào.

Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày, từ 13 đến 15-4 hàng năm. Ngày thứ nhất và ngày thứ hai là các hoạt động mang tính nghi lễ. Phần hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Lễ hội ở Lào thường được gọi là Bun. Bun có nghĩa là làm phúc, làm phúc để được hưởng phúc. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng, sau đó người thân, bạn bè hoặc cả những người không quen biết cũng té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Lễ hội Bunpimay mang tính cộng đồng rất mạnh mẽ.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều