Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngườm Ngao - Vẻ đẹp kỳ bí trong lòng đất

10:08, 12/08/2011

Từ thị xã Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng, theo con đường dài hơn 60km, vượt qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu để đến thị trấn Trùng Khánh, đi thêm 26 cây số nữa đến Bản Giốc, cách Bản Giốc 3km là động Ngườm Ngao (bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh - Cao Bằng). 

Từ thị xã Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng, theo con đường dài hơn 60km, vượt qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu để đến thị trấn Trùng Khánh, đi thêm 26 cây số nữa đến Bản Giốc, cách Bản Giốc 3km là động Ngườm Ngao (bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh - Cao Bằng). 


"Ngườm Ngao” theo tiếng Tày có nghĩa là động hổ (Ngườm: động, Ngao: hổ), vì tương truyền ngày xưa trong động này có nhiều hổ dữ sinh sống. Nhưng cũng có người cho rằng động hổ bắt nguồn từ tiếng suối chảy trong động tạo ra tiếng kêu, gầm như con hổ dữ. 


Động cũng có tên gọi là động Gió bởi trong động có dòng suối ngầm chảy mạnh tạo ra luồng gió và tiếng ầm ầm dội vào các vách núi. Năm 1921, một số viên quan người Pháp và Việt Nam khi đến thăm thác Bản Giốc đã phát hiện ra động này


Động này tạo thành do sự phong hoá lâu đời của núi đá vôi. Bước vào cửa động ta như bước vào một thế giới kỳ ảo. Từ trên vòm đá cao rủ xuống những dải thạch nhũ kỳ diệu đủ bảy sắc lấp lánh. 


Thiên nhiên đã miệt mài từ bao đời để tạo ra những "tượng" đá quyến rũ có tượng đá mang dáng dấp con người, có tượng giống cây rừng, giống súc vật như trong truyện thần thoại, nhưng lại có những hốc đá trông như "trướng rủ màn che", lại có cả những khối nhũ trông như một nàng tiên, đang nghiêng mình chải tóc, như ông tiên hiền từ, như búp sen khổng lồ...


Nhũ đá như mọc từ dưới đất lên, thả từ trên xuống, nhũ đứng, nhũ nằm ngang, nhũ to, nhũ nhỏ chồng chất lên nhau, đan xen, chen chúc nhiều tầng, nhiều lớp, song không đơn điệu khiến người xem không biết chán.


Nhiệt độ trong động từ 18 đến 25 độ C, mùa hè cho cảm giác mát mẻ, còn mùa đông ấm áp. Động có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (hang gió) và Ngườm Bản Thuôn. Hiện nay, lối ra vào chính đi qua cửa Ngườm Ngao gần bản Gun. Từ đây, khách tham quan có thể vào sâu bên trong động đến gần 1km.


Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Ngườm Ngao là động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm trước Công nguyên. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. 
Trải qua nhiều năm, người dân nơi đây cùng các du khách đến tham quan với trí tưởng tượng phong phú của mình đã đặt ra những tên gọi cho các nhũ, cột đá bằng những tên gọi mang đậm tâm thức tín ngưỡng của người Việt.


Động được chia thành nhiều khu, ví dụ như khu “tứ trụ thiên đình” với những cột đá trông như cột chống trời; khu trung tâm với không gian rộng; khu châu báu là những núi nhũ lấp lánh ánh vàng, ánh bạc.
Nhũ đá trong động Ngườm Ngao có màu khác hẳn với những động khác bởi có lượng canxi bị pha nhiều tạp chất. Đưa mắt nhìn bốn phía lên trên vách đá vôi, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh kì thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá…


Và càng không thể bỏ qua những “điểm nhấn” nổi bật nhất của Ngườm Ngao là cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn… 


Tất cả những cảnh vật trên đều do thiên nhiên tạo ra từ nhũ và măng đá vôi, không hề có sự can thiệp sắp đặt của con người nhưng chúng hiện lên vô cùng sinh động, quyến rũ. Ngườm Ngao đúng là một món quà thiên nhiên vô giá mà tạo hóa ban cho người dân nơi đây.

 

PV
Tin xem nhiều