Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc lễ… chạy sô!

10:07, 06/07/2011

Nhạc lễ là nhạc nghi thức, phục vụ trong những dịp đình đám, lễ hội, tang chế... Nhạc lễ một thời được liệt vào hàng quốc nhạc, nhạc dân tộc. Nhưng ngày nay, nhạc lễ đã không còn mang tính thuần túy, bài bản và ít nhiều đã bị cải biến, lai tạp!

Nhạc lễ là nhạc nghi thức, phục vụ trong những dịp đình đám, lễ hội, tang chế... Nhạc lễ một thời được liệt vào hàng quốc nhạc, nhạc dân tộc. Nhưng ngày nay, nhạc lễ đã không còn mang tính thuần túy, bài bản và ít nhiều đã bị cải biến, lai tạp!

* Ai còn chơi nhạc lễ?

Hiện nay, chỉ riêng tại TP Biên Hòa đã có hàng chục dàn nhạc lễ (NL). Các dàn nhạc này đều mang tính tự phát, mỗi dàn có từ 3-5 nhạc công, còn gọi là “nhạc sanh”. Nhạc cụ thuộc hệ ngũ âm. Một dàn nhạc lễ thuần túy gồm: bộ gõ (trống chiến, trống cơm, mõ, chập chã), bộ hơi (gồm kèn mộc, kèn bầu, kèn bát thao…) và bộ dây (gồm đờn cò, đờn nguyệt)… Nhưng sau này, trước nhu cầu của người chơi, người nghe, nên dàn nhạc có thêm đàn guitar, organ, trống… điện tử! Trang phục cho nhạc công phải là áo dài khăn đóng và chỉ màu đen hay xanh dương.

Một dàn Nhạc lễ. Ảnh: L. HOÀNG
Một dàn Nhạc lễ. Ảnh: L. HOÀNG

Nhạc lễ thuộc dòng cổ nhạc, mang tính cung đình, nhằm phục vụ cho các việc “Quan, Hôn, Tang, Tế”. Do vậy, bài bản, âm điệu của NL biểu thị cho các trạng thái vui, buồn, tôn nghiêm và nhạc công phải là người “có trình độ chuyên sâu” về NL, thường là các nhạc công cao niên, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu về loại nhạc này. Ông Huỳnh Văn Sự, 54 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa có trên 40 năm chơi NL cho rằng: “Ngày nay, người chơi nhạc lễ cũng khá nhiều. Nội ở Biên Hòa cũng có trên chục dàn NL, nhưng chơi đúng bài bản thì chỉ đếm trên đầu ngón tay! Có không ít dàn nhạc tiếng gọi là NL, nhưng khi có người am hiểu NL, yêu cầu chơi một số bài “cơ bản”trong dòng NL như các bài: Ngũ đối hạ, Xuân nữ, Nam ai... thì có khi họ lại không biết chơi! Cũng đã có nhiều người, nhất là thanh niên đến xin “thọ giáo” tôi, nhưng đa số xin học NL với mục đích mưu sinh hơn là đam mê nghệ thuật!”.

Thật vậy, NL ngày nay được xem như phương tiện mưu sinh, chủ yếu phục vụ cho việc “tang và tế”. Còn việc “Quan và Hôn”, NL đã không còn phù hợp, mà được thay bằng các dàn nhạc sống hay băng đĩa nhạc… Pop, Rock, Rap… 90% NL dành cho việc tang, tỉ lệ còn lại cho việc tế vào các dịp lễ hội, cúng bái…

 * Nhạc đổi… cơm!

Suốt buổi sáng, chúng tôi lần vào một xóm lao động ở phường Tân Vạn, TP Biên Hòa để tìm ông Bảy Sáng, một tay chơi NL khá bài bản, thuộc hạng “kỳ cựu”. Đến khi tìm được nhà ông thì người thân lại cho biết ông đã “chạy sô” cho một đám tang ở suối Lồ Ồ, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương đến 2 hôm nữa mới về! Chúng tôi liên lạc ông Bảy Sáng qua điện thoại thì được ông giới thiệu đến gặp anh Khương, cũng là tay chơi NL có cỡ, ngụ tại phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa. Khi chúng tôi tìm được nhà anh Khương, thì anh cũng bận “chạy sô” cho một đám tang nào đó trong TP Biên Hòa! Buổi chiều, qua giới thiệu, hướng dẫn của một chủ cơ sở mai táng, chúng tôi lại “quần” sang xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa để tìm ông Huỳnh Văn Sự, một nghệ nhân NL khá nổi tiếng. Tìm được nhà ông Sự, chúng tôi được vợ ông “thông báo” là… ông Sự vừa chơi cho một đám cúng đình đã hai hôm nay, ông mới vừa về đến nhà nên vẫn còn mệt! Chúng tôi vừa mừng vừa lo nhưng khi biết có nhà báo đến tìm, ông Sự  cũng nhiệt tình tiếp chúng tôi. Ông Sự bộc bạch: “Dân chơi NL bây giờ chủ yếu là kiếm sống hơn là đam mê nghệ thuật! Do vậy, bài bản ít nhiều đã bị cải biên, lai tạp. Nhưng suy cho cùng, cũng chẳng nên trách. Bởi trước nhu cầu, chúng tôi đành phải chiều theo thị hiếu của khách”. Ông Sự còn cho chúng tôi xem các loại nhạc cụ “thuần túy” của NL mà cha của ông đã truyền lại, rồi ông cho biết thêm: “Thú thật, tôi rất áy náy khi phải sử dụng các nhạc cụ “Tây phương” cho dàn nhạc lễ, bởi điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính thuần túy, bản sắc truyền thống của NL. Nhưng biết làm sao khi “miếng cơm manh áo” chen vào nghệ thuật!?”.

Vâng, khi kinh tế chen vào nghệ thuật, không riêng NL, thị hiếu của người nghe cũng bị chệch choạc. Để đánh giá dàn NL nào chơi hay, đa số người nghe không phải chú trọng vào tính thuần túy, lớp lang, bài bản của NL mà “khoái” nghe các bản tân nhạc, nhạc tài tử… ướt át, trữ tình được thể hiện qua dàn…NL! Như nhận định “mang tính quảng cáo” của anh HL., một “bầu sô” NL cho các cơ sở mai táng: “Ở Biên Hòa có không ít dàn NL chơi rất hay, như dàn nhạc của anh L., anh H… Khách yêu cầu chơi nhạc gì họ đều chơi được cả, tân nhạc, nhạc tài tử, nhạc… sến”. Nhận định “lệch lạc” của anh bầu HL. được ông Sự lý giải : “Những dàn NL cho là đa năng như vậy, thật ra họ chẳng am hiểu nhiều về NL. Họ học theo truyền ngón, học lóm, tự phăng ra và người nghe đa số thuộc giới… mù NL, nên cho là… hay”. Được biết, giá cả của dàn NL phục vụ 24/24 giờ còn gọi là một ngọ thường là 1,2 triệu đồng, nếu chơi thêm theo yêu cầu họ sẽ được “bồi dưỡng” thêm. Điều nghịch lý là sau thời gian phục vụ cho nghi thức lễ bái, nhạc công NL sẽ chơi theo yêu cầu, có khi họ phải “dẹp” các nhạc cụ truyền thống mà chuyển sang đàn… guitar hay organ để chơi tân nhạc hay vọng cổ nhằm… giải buồn cho tang chủ! Lúc này, đàn guitar, trống điện tử hay organ… bỗng dưng trở thành nhạc cụ chính cho dàn NL! Mà nhạc công chơi các loại nhạc cụ này tuy chỉ là thành viên phụ trong dàn NL nhưng giờ lại trở thành “nhân vật chính”, trong khi lại mù tịt về NL! Trước tình trạng “tân, cổ… búa xua” như vậy, khiến không ít người trong giới chuyên môn, nhà nghiên cứu lắc đầu, ngao ngán!

 * Quản lý, bảo tồn bằng cách nào ?

Vào năm 2003, Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa đã có lần đứng ra tổ chức liên hoan nhạc lễ, quy tụ được 8 dàn NL tham dự, với kết quả được xem là khá thành công và đó cũng là cách bảo tồn, phát huy loại hình NL. Nhưng đó cũng là lần duy nhất. Bà Chu Thị Như Đào, giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP Biên Hòa bức xúc, nói: “Bây giờ tổ chức Liên hoan NL thì không khó. Cái khó là về kinh phí. Tuy các dàn NL ở Biên Hòa được thành lập khá nhiều, nhưng đều mang tính tự phát, hoạt động chủ yếu là kiếm sống, nên việc tập họp các dàn NL tham gia Liên hoan cũng rất khó. Bởi, khi tham gia liên hoan, họ phải tập dượt nhiều ngày, phải từ chối nhận “sô”, nên sẽ bị mất “sở hụi”. Giá trị phần thưởng… nếu đạt giải thì cũng không thể bù đắp vào “sở hụi” của họ! Có người còn nói thẳng thừng là nếu Nhà nước bù đắp được “sở hụi” của họ thì họ mới tham gia!”. Hơn nữa, việc thành lập ban giám khảo có nhiều thành viên am hiểu, chuyên sâu về NL cũng rất hạn chế!”.

Ông Sự đang chơi nhạc lễ.
Ông Sự đang chơi nhạc lễ.

Nỗi niềm của bà Chu Thị Như Đào rất ít được các nhạc công NL chia sẻ. Việc tập hợp họ để tham dự liên hoan cũng đã khó khăn, so đo như vậy thì nói gì đến việc uốn nắn, định hướng hay quản lý! Một nhạc công NL từng là thành viên trong ban giám khảo Liên hoan NL TP.Biên Hòa thuở… 2003 cho rằng: “Thật tình mà nói, mình chẳng nên trách họ. Trong giới chơi NL thường thì không ai chịu ai. Mỗi dàn đều có sở trường, sở đoản riêng. Tham dự liên hoan, nếu lỡ không đạt giải thì coi như họ tự “đập bể” nồi gạo của họ! Họ cần quan hệ tốt với các cơ sở mai táng, đình miếu hơn là ngành văn hóa!”. Tuy nhiên, trong số người “hành nghề NL” cũng còn có một số người nặng lòng với nghệ thuật, nhất là những nhạc công có tâm với “nghề”, và họ cũng tỏ ra bức xúc, buồn lòng trước sự “lai tạp”, biến tướng của NL. Mặc dù là kiếm sống, nhưng những nhạc công như ông Sự, ông Bảy Sáng, anh Khương… khi có ai khen họ là chơi NL chuẩn, đúng bài bản thì họ rất hạnh phúc, rất vui. Và, chính trong giới chơi NL vẫn còn có người biết phân định, cảm xúc như vậy thì chúng tôi tin vào lời “tuyên bố”của bà Chu Thị Như Đào, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa: “Năm sau tôi nghỉ hưu rồi, trước khi về hưu, dứt khoát, bằng mọi cách tôi cũng phải tổ chức cho bằng được Liên hoan NL lần… thứ hai!”.

Bà Chu Thị Như Đào, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa: “Năm sau tôi nghỉ hưu rồi, trước khi về hưu, dứt khoát, bằng mọi cách tôi cũng phải tổ chức cho bằng được Liên hoan NL lần… thứ hai!”.

Ông Huỳnh Văn Sự, 54 tuồi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, có trên 40 năm chơi NL cho rằng: “Ngày nay, người chơi nhạc lễ cũng khá nhiều. Riêng ở Biên Hòa cũng có trên chục dàn NL, nhưng chơi đúng bài bản thì chỉ đếm trên đầu ngón tay!...”

Lê Hoàng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều