Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh lý ống phúc tinh mạc ở trẻ em

08:05, 10/05/2016

Quá trình thoái hóa (bít kín) không hoàn toàn của ống phúc tinh mạc ở trẻ em sẽ gây ra các bệnh lý thoát vị bẹn, tràn dịch tinh mạc hay nang nước thừng tinh.

Quá trình thoái hóa (bít kín) không hoàn toàn của ống phúc tinh mạc ở trẻ em sẽ gây ra các bệnh lý thoát vị bẹn, tràn dịch tinh mạc hay nang nước thừng tinh.

 Ở thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm ở dưới thận, vùng bụng. Trong quá trình tinh hoàn di chuyển trong ống bẹn xuống dưới bìu sẽ kéo theo lớp phúc mạc bao quanh nó, tạo thành một cấu trúc hình ống gọi là ống phúc tinh mạc. Nếu ống phúc tinh mạc không được đóng kín, trẻ sinh ra còn ống phúc tinh mạc.  Nếu đường kính của ống phúc tinh mạc nhỏ và chỉ đủ cho dịch trong ổ bụng chảy qua sẽ gây ra tràn dịch tinh mạc hay nang nước thừng tinh

Tràn dịch tinh mạc biểu hiện là một bìu to, màu hơi xanh, không đau và có khi căng to. Kích thước thay đổi theo thời gian, có khi theo các đợt nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng đường hô hấp. Trong trường hợp tràn dịch tinh mạc thông thường, khối phồng này có thể xẹp khi nắn ép bằng tay. Nang nước thừng tinh biểu hiện là một hòn nhỏ trên đường đi của thừng tinh, tách biệt rõ với tinh hoàn làm cha mẹ nhầm trẻ có ba tinh hoàn.  Kích thước thay đổi và có khi căng to như tràn dịch tinh mạc.

Tràn dịch tinh mạc và nang nước thừng tinh là những tổn thương lành tính, có thể khỏi tự nhiên và không bao giờ gây biến chứng. Tràn dịch tinh mạc hay nang nước thừng tinh với bất kỳ kích thước nào, chỉ định phẫu thuật khi trẻ được 12-18 tháng tuổi. Trong khi đó thoát vị bẹn cần phát hiện sớm, phẫu thuật khi có chẩn đoán để tránh cho trẻ bị các biến chứng của thoát vị bẹn  nghẹt. Khoảng 20% trẻ bị thoát vị bẹn  có thể bị thoát vị bẹn nghẹt ở bất kỳ tuổi nào, thường ở trẻ nhỏ và khoảng 60% xảy ra trong 3 tháng đầu sau sinh.

Thoát vị bẹn thường gặp gấp 20 lần ở trẻ sinh non, cân nặng dưới 1.500g so với trẻ đủ tháng. Trẻ trai thường gặp hơn trẻ gái, 60% gặp ở bên phải, 25% gặp ở bên trái và 15% ở 2 bên. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi: trẻ đau nhiều vùng bẹn - bìu, buồn nôn và nôn, không trung - đại tiện được, khối phồng không mất khi nắn ép. Biến chứng nghẹt làm tổn thương các tạng trong bao thoát vị; giảm lượng máu nuôi sẽ làm tổn thương tinh hoàn cùng bên ở bé trai, vòi trứng và buồng trứng ở bé gái; những trường hợp trẻ đến muộn có thể gặp biến chứng sốc nhiễm trùng do tổn thương ống tiêu hóa, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Phan Trần Đức

     (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai)

Tin xem nhiều