Báo Đồng Nai điện tử
En

Để giảm thiểu chấn thương đầu, mặt

09:01, 14/01/2014

Đội mũ bảo hiểm (MBH) là biện pháp hữu hiệu trong phòng tránh và hạn chế chấn thương đầu mặt khi xảy ra tai nạn giao thông.

Đội mũ bảo hiểm (MBH) là biện pháp hữu hiệu trong phòng tránh và hạn chế chấn thương đầu mặt khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, không ít trường hợp do đội mũ không đúng chất lượng, cài quai nón không đúng cách, khi tai nạn xảy ra, MBH đã không thể đỡ cho những va đập mạnh, dẫn đến chấn thương sọ não, thậm chí tử vong.

Đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn, đúng cách cho cả trẻ em là điều nên làm.
Đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn, đúng cách cho cả trẻ em là điều nên làm.

Từ ngày 1-1-2014, Nghị định 171/CP quy định: Người đi trên mô tô, xe máy phải đội MBH đúng theo tiêu chuẩn quốc gia, nhằm phòng tránh, tình trạng chấn thương đầu mặt đang trên đà gia tăng.

* Tự bảo vệ mình hay đối phó?

Những ngày cuối năm tất bật, nhưng chị D.T.N.H. ở huyện Định Quán phải bỏ cả buôn bán lẫn con cái để chăm sóc chồng bị chấn thương sọ não tại khoa ngoại thần kinh (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất). Nhìn chồng trong cơn nguy kịch sau tai nạn giao thông trên quốc lộ 20, chị buồn buồn kể: ngày 5-1 chồng chị đang đi giao hàng. Anh chạy xe khá chậm và có đội MBH nhưng bất ngờ một chiếc xe máy từ bên kia đường lao qua đụng mạnh. Anh té xuống, chiếc mũ văng ra vỡ toác, còn đầu anh đập mạnh xuống đường. Chị H. cho biết, nếu còn chiếc mũ, có lẽ chồng chị đã không đến nỗi bị chấn thương nặng như thế. Chị tỏ ra ân hận vì đã mua MBH kém chất lượng cho anh và hầu như đội MBH chỉ để đối phó…

Theo khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2013 số người bị chấn thương đầu, mặt do không đội MBH, đội mũ không đạt chất lượng, cài quai mũ không đúng cách đã tăng lên 30% so với những năm đầu tiên thực hiện việc đội MBH. Việc không thực hiện đúng các quy định về đội MBH đã làm tăng  nguy cơ chấn thương đầu, mặt, sọ não; tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương; tăng thời gian nằm viện; tăng khả năng tử vong do chấn thương sọ não. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu có đội MBH và đội mũ  đúng chuẩn, đúng cách, khi xảy ra tai nạn sẽ giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não tới 69%; giảm nguy cơ tử vong lên tới 42% và giảm đến 45% chi phí điều trị liên quan đến tai nạn.

Đồng Nai là tỉnh có số vụ tai nạn giao thông khá cao. Mỗi năm toàn tỉnh có gần 1 ngàn ca chấn thương đầu mặt, sọ não các thể. Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, chi phí điều trị chấn thương sọ não tốn kém gấp 13 lần so với những chấn thương thông thường. Những người không đội MBH có nguy cơ chấn thương sọ não cao gấp 4 lần và nguy cơ này tăng lên 10 lần trong trường hợp xảy ra tai nạn. “Vì thế, đã mất công đội MBH, hãy chọn mũ đúng chuẩn, đội đúng cách và cần có ý thức rằng, đội MBH là để bảo vệ chính mình chứ không phải để đối phó” - bác sĩ Hoàng Văn Minh khuyến cáo.

* Đội MBH đúng chuẩn, đúng cách

Chấn thương đầu, mặt, đặc biệt là chấn thương sọ não là thương tổn hàng đầu ở các vụ tai nạn xe máy. Ngay cả khi không gây tử vong, các chấn thương ở vùng đầu cũng gây tổn hại về sức khỏe, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như cuộc sống gia đình.

Theo một số chuyên gia ngành giao thông, khi phương tiện chạy với tốc độ cao, va chạm mạnh thì MBH chỉ đỡ giảm được phần nào chấn thương vùng đầu chứ không thể an toàn tuyệt đối. Nhưng nếu đội MBH đúng chất lượng, cài khóa đúng quy cách, sử dụng loại mũ cả đầu… sẽ giảm được nguy cơ bị các chấn thương nặng.

Một nghiên cứu và phân tích của khoa nghiên cứu tai nạn giao thông thuộc Đại học y Hannover (Đức) về chấn thương vùng đầu có đội MBH khi đi xe máy, các dữ liệu được thu thập trên tất cả các vụ va chạm và sự phân bổ tác động chấn thương lên MBH cho thấy, khu vực cằm chịu tác động nhiều nhất, đến 34,6%. Cũng từ nghiên cứu này, MBH ngoài việc đúng chất lượng, sử dụng đúng cách, còn cần bảo đảm hình dạng nón phải là loại che cả hàm mới có thể “đỡ” được những cú va chạm mạnh trong tai nạn.

Trong khi đó, việc đội MBH không đúng chuẩn, không đúng cách, không đúng kiểu dáng lại đang phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, khi Nghị định 171/CP có hiệu lực từ 1-1-2014 với các quy định “siết” lại việc thực hiện đội mũ đúng chuẩn quốc gia Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã hoan nghênh quy định mới này. “Nghị định 171 là một sáng kiến mới cho khởi đầu năm mới 2014” - TS. Takeshi Kasai,Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam nói.

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều