Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng viêm họng khi thời tiết thay đổi

11:12, 16/12/2013

Thời tiết nóng lạnh thất thường đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh viêm họng cấp tính.

Thời tiết nóng lạnh thất thường đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh viêm họng cấp tính.

Điều trị bệnh đường hô hấp cho trẻ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Điều trị bệnh đường hô hấp cho trẻ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Theo bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó khoa tai mũi họng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, viêm họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện hơn.

* Nguyên nhân gây bệnh

Viêm họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra một cách đột ngột, gây nên bởi virus (cúm, sởi, Adenovirus...), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae...). Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes)…Những biến chứng của viêm họng có thể dẫn đến những bệnh khá nguy hiểm, như: viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida). Ngoài các nguyên nhân do nhiễm các loại vius, vi khuẩn trên, sự thay đổi thời tiết, không khí bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói các loại… cũng làm gia tăng nguy cơ bệnh viêm họng.

* Triệu chứng

Khi bị nhiễm virus, vi khuẩn, người bệnh sốt cao đột ngột, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, nuốt đau, đau nhức mỏi toàn thân… một số trường hợp có hạch cổ sưng và đau. Người bệnh ở giai đoạn đầu có cảm giác khô nóng trong họng, khát nước, dần dần cảm giác đau rát tăng lên khi nuốt và nói, đau lan lên tai và đau nhói khi nuốt, nghẹt mũi và chảy nước mũi, ho và khan tiếng. Khám họng hoặc nội soi họng sẽ thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực. Màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ, xuất tiết. Hai amidan sưng to, nếu viêm tái phát thì amidan thường có hốc, có thể có mủ hoặc bựa trắng phủ trên bề mặt và miệng các hốc amidan.

Bệnh viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản và trở thành viêm họng mạn tính. Có thể biến chứng sang bệnh thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A.

* Hướng điều trị và phòng bệnh

Khi khám bệnh, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh là vius hay vi khuẩn để lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp. Việc dùng thuốc  điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, gia đình không nên tự mua thuốc để điều trị. Cần bù nước và chất điện giải do sốt cao gây ra như uống dung dịch oresol. Thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt, cần ăn thêm rau, trái cây (ép lấy nước).

Người bệnh cần phải nghỉ ngơi, tránh xa môi trường khói bụi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực và gan bàn chân. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, lau người thật khô, mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, miệng, như: đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối mỗi ngày từ 1-2 lần.

Phương Uyên (ghi)

 

 

Tin xem nhiều