Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng lúa thân thiện với môi trường

09:04, 19/04/2012

Trồng lúa không phun thuốc trừ sâu độc hại mà năng suất vẫn cao là điều mà nông dân nào cũng mong ước.

 

Trồng lúa không phun thuốc trừ sâu độc hại mà năng suất vẫn cao là điều mà nông dân nào cũng mong ước.

Sản xuất thuốc trừ sâu sinh học nấm xanh dễ làm, rẻ tiền nếu làm tốt có thể khống chế được sâu rầy mà không cần dùng thuốc hóa học là kỹ thuật trồng lúa thân thiện với môi trường. Những thông tin dưới đây nhằm cung cấp cho các hộ trồng lúa nắm rõ việc dùng nấm xanh.

Chăm sóc lúa.
Chăm sóc lúa.

* Bón vôi và cày xới sau thu hoạch

- Dùng vôi cục 35 - 70 kg/sào, sau khi bong vôi đem rải đều khắp ruộng.

- Cày hoặc xới ruộng.

* Chuẩn bị giống sạ và meo giống nấm xanh

- Mua giống xác nhận 10 -12kg/sào hoặc nếu lấy lại giống từ vụ trước dùng giống xác nhận thì 12 - 14 kg/sào.

- Pha nước muối 20 lít nước với 3kg muối (thử nồng độ bằng trứng gà mới đẻ, nếu trứng nổi thêm nước, trứng chìm thêm muối, còn trứng nổi lập lờ là đạt).

- Giống sau khi phơi lại đổ vào nước muối khuấy đều để 15 phút vớt bỏ những hạt lép - lửng - bệnh nổi lên trên.

- Vớt lấy phần hạt bên dưới - rửa - ngâm - ủ bình thường.

- Liên hệ đặt meo giống nấm xanh.

* Chuẩn bị ruộng

Thời gian qua, tại một số cánh đồng lúa trong tỉnh, nông dân đã tự sản xuất và phun xịt nấm xanh (vi sinh vật có ích ký sinh trên sâu rầy) để phòng trừ sâu rầy trên lúa. Hiện một số hộ trong tỉnh đã thành công trong việc trồng lúa không phun thuốc hóa học, ngoại trừ thuốc trừ cỏ.

 

- Trục - bừa - trang phẳng mặt ruộng - vét mương xung quanh ruộng.

- Bón lót phân hữu cơ: chọn loại phân đầu tư theo khả năng từng người. 

- Bón lót phân lân (nếu dùng phân đơn) hoặc phân NPK (nếu dùng phân trộn sẵn):

Sạ lúa - phun thuốc cỏ - trừ ốc bươu vàng: dùng vôi bột rải theo mương diệt ốc.

Sau sạ 7 - 12 ngày thì bón phân thúc đẻ nhánh lần 1 và cấy nấm xanh lần 1. 

Sau sạ 18 - 22 ngày đặt mua meo giống nấm xanh lần 2. Dặm lúa và bón phân thúc đẻ nhánh lần 2.

Sau sạ 25 - 30 ngày phun nấm xanh lần 1. Làm cỏ bờ xung quanh ruộng, mương nước và bắt diệt OBV.

Sau sạ 35 ngày: cấy nấm xanh lần 2.

Sau sạ 38 - 44 ngày: bón phân rước đòng.

Sau sạ 50 - 55 ngày: phun nấm xanh lần 2.

Cấy dự phòng nấm xanh lần 3: dùng meo giống gốc đặt mua trước đó hoặc dùng lại sản phẩm nấm xanh phun lần 2 để cấy cho lần phun sau khi lúa trỗ.

Sau sạ 60 - 70 ngày: phun nấm xanh lần 3 (nếu có sâu rầy) và phun phân bón lá tăng khả năng chắc hạt.

Nếu dùng phân đơn thì bón lót: 40 - 45 kg Super lân. Thúc lần 1: 6 kg Urê + 3 kg Kali. Thúc lần 2: 6 kg Urê  + 5 kg Kali. Rước đòng: 6 kg Urê + 6 kg Kali.

Khi dùng nấm xanh chú ý thuốc trừ sâu sinh học nấm xanh được xem là đạt chất lượng khi tất cả hạt gạo được phủ đều bào tử màu xanh đồng thời có nhiều bột bụi và hiệu quả phòng trừ sâu rầy cao khi trên thân lúa có nhiều nấm xanh ký sinh ở rầy và sâu hay rầy cám không cử động trên mặt nước khi vạch rung bụi lúa.

Phun xịt: Trước khi phun ngâm sản phẩm nấm xanh với nước vài tiếng. Phun buổi chiều sau 15 giờ và phun đụng ngọn lá lúa.

Khi phun lần 1: lúa đẻ nhánh rộ đảm bảo độ che phủ tốt để bào tử nấm xanh không tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Chỉ phun nấm xanh khi ruộng có sâu rầy.

- Sử dụng nấm xanh trong thời gian 3 tuần (nếu làm từ gạo tấm) hoặc 4 tuần (nếu làm từ gạo nguyên) kể từ ngày cấy meo.

* Phòng trừ bệnh

 Không phun thuốc trừ nấm bệnh ngoài khuyến cáo vì làm chết nấm xanh đang hiện diện trong ruộng.

Phòng ngừa bệnh phát sinh là biện pháp bảo vệ nấm xanh dễ làm và hiệu quả nhất bằng cách bón vôi, xử lý hạt giống bằng nước muối, sạ thưa, bón lót phân, không bón thêm đạm.

Phương Chi

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều