Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh hại cây bưởi

10:02, 23/02/2012

Đồng Nai là tỉnh có diện tích bưởi khá lớn, nhờ trồng bưởi mà nhiều hộ đã có thu nhập cao. Tuy nhiên, để cây bưởi phát triển tốt, nông dân nên chú ý phòng trừ một số  bệnh sau:

Đồng Nai là tỉnh có diện tích bưởi khá lớn, nhờ trồng bưởi mà nhiều hộ đã có thu nhập cao. Tuy nhiên, để cây bưởi phát triển tốt, nông dân nên chú ý phòng trừ một số  bệnh sau:

Bệnh vàng lá Greening

Bệnh vàng lá Greening còn gọi là bệnh vàng lá gân xanh, do vi khuẩn gây hại. Rầy chổng cánh là tác nhân lây truyền. Vi khuẩn gây xáo trộn sinh lý làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng trong cây. Cây bị bệnh sinh trưởng kém làm giảm năng suất và phẩm chất quả. Bệnh này mang tính hủy diệt, gây hại trên diện rộng và khó phòng trừ.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn bưởi của anh Công (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) cho năng suất chất lượng cao. Ảnh: H. Giang
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn bưởi của anh Công (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) cho năng suất chất lượng cao. Ảnh: H. Giang

Lá bị bệnh sẽ co hẹ phiến lá, nhọn như hình tai thỏ, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá vàng nhưng gân lá vẫn xanh. Gân lá bị sưng lên sau đó trở nên cứng và uốn cong ra ngoài.

Cây bưởi bị bệnh vàng lá Greening trái thường méo mó, khi bổ tâm trái sẽ bị lệch qua một bên, quả chín ngược và hạt thường có màu nâu. Cây bị bệnh thường ra hoa nghịch mùa hoặc ra hoa nhiều đợt, trên cùng nhánh cây có thể vừa ra hoa vừa mang trái. Sự kết hợp các triệu chứng trên và rầy chổng cánh trong vườn là yếu tố xác định bệnh vàng lá Greening. Các triệu chứng trên có thể xuất hiện trên từng cành, từng cây hoặc cả vườn.

Để phòng trừ bệnh vàng lá Greening, bà con nông dân nên trồng các giống bưởi sạch bệnh, cách ly nguồn nhiễm bệnh. Ngoài ra, nên trồng bưởi thưa, có cây chắn gió bảo vệ bên ngoài. Khi phát hiện trong vườn bưởi có cây bị bệnh nên loại bỏ và trồng xen ổi để xua rầy chổng cánh.

Bệnh loét

Bệnh loét là bệnh rất nguy hiểm trên cây bưởi, khó phòng trừ triệt để. Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv.citri gây ra. Trên các phiến lá, bệnh phát sinh tự nhiên có hình tròn, nếu phát trên các vết bệnh khác thì hình dạng có thể biến đổi.

Trên vỏ quả bị bệnh loét cũng tương tự như trên phiến lá. Nét điển hình của bệnh loét là mô bệnh bị sần sùi màu xám, xung quanh có viền màu vàng nhạt. Khi bệnh phát triển mạnh, các vết bệnh có thể liên kết với nhau tạo thành mảng lớn. Tàn dư cây bệnh chính là nguồn lây lan bệnh từ nơi này đến nơi khác, từ vụ này sang vụ khác.

Để phòng trừ bệnh loét trên cây bưởi hiệu quả, bà con nên vệ sinh vườn, thu dọn những bộ phận cây bị bệnh để tiêu hủy nhằm hạn chế nguồn bệnh. Cắt tỉa các cành bệnh để tránh lây lan, đồng thời thường xuyên tỉa cành tạo tán làm cho vườn cây thông thoáng. Bón chế phẩm nấm Trichoderma với xạ khuẩn Streptomyces.

Ngoài ra, phun thuốc đặc trị luân phiên như: Kasugamycin 2% với Copper Oxychloride 45%; phun thuốc Copper Hydrocide, Copper Oxychloride định kỳ để bảo vệ các đợt lá non, đọt non hoặc sử dụng thuốc Metalaxyl 8% và Mancozeb 64% quét lên vết bệnh.

Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ trên cây bưởi do nấm Elsinoe fawcetii gây hại.

Triệu chứng của bệnh ghẻ trên cây bưởi là lá non, quả non có vết bệnh nhô lên cao, có màu xám, nâu nhạt, sần sùi. Các vết bệnh thường nối thành mảng làm cho quả, cành bị biến dạng.

Cách phòng trừ, nên cắt tỉa, tiêu hủy các bộ phận bị bệnh của cây.

- Trồng các giống bưởi sạch bệnh.

Phun thuốc phòng trừ bệnh khi cây ra lá non, đọt non, hoa vừa rụng cánh, sau đậu quả bằng một trong các loại thuốc, như: Mancozeb, Carbendazim…

Bệnh chảy nhựa

Bệnh này do nấm Phytopthora spp gây ra.

Đây là một trong các loại bệnh phổ biến ở các vườn bưởi. Giống bưởi bị nhiễm bệnh chảy nhựa nặng nhất hiện nay là bưởi đường núm. Bệnh thường xuất hiện ở gốc, thân và cành.

Thân cây bị bệnh, lúc đầu vết bệnh làm vỏ cây ở gốc bị sũng nước có màu nâu, sau đó khô và vỏ bị nứt theo chiều dọc của thân cây, đồng thời có nhựa đặc chảy ra và đọng lại màu nâu. Cây bưởi bị bệnh chảy nhựa có ít rễ, vỏ rễ bị thối, nhất là rễ non. Còn lá bị bệnh chuyển sang màu vàng và rụng.

Trái bị bệnh, bề mặt vỏ trái xuất hiện các vết thâm hơi lõm, khi bổ quả thấy có mùi hôi, trái rất dễ rụng.

Cách phòng trừ bệnh chảy nhựa là đào mương thoát nước xung quanh vườn bưởi và ngăn chặn nguồn nước từ các nơi khác đến.

Khi trồng bưởi, trồng với mật độ thưa để giảm độ ẩm trong vườn cây. Sau khi thu hoạch bưởi, tiến hành tỉa cành, tạo tán, chăm sóc vệ sinh vườn thật kỹ, xử lý triệt để các vết bệnh cũ.

Dùng thuốc Fosetyl Aluminium phun lên tán lá và phun luân phiên với Phosphorous acid.

Nguyệt Hạ

 

Tin xem nhiều