Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp

10:10, 06/10/2011

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đạt mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng so với tổng mức tiêu thụ của giai đoạn 2011- 2015, phải thường xuyên thực hiện tiết kiệm điện (TKĐ) trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất công nghiệp…

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đạt mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng so với tổng mức tiêu thụ của giai đoạn 2011- 2015, phải thường xuyên thực hiện tiết kiệm điện (TKĐ) trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất công nghiệp…

9 tháng năm 2011, sản lượng điện toàn hệ thống trên cả nước đạt 81,154 tỷ kWh, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2010. Nhìn chung, do thuận lợi về thời tiết và thủy văn, phụ tải điện được điều tiết hợp lý; các ngành sản xuất và nhân dân thực hiện đáng kể việc TKĐ nên suốt thời gian này, tình hình cung ứng điện được cải thiện hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng điện tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng mạnh. Chính vì vậy, TKĐ trong sản xuất công nghiệp ở giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết. Đặc biệt là một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, khai khoáng, giấy, thực phẩm, dệt may...

Sản xuất thép tiêu tốn nhiều điện năng. (Ảnh minh họa)
Sản xuất thép tiêu tốn nhiều điện năng. (Ảnh minh họa)

Ở Đồng Nai trong thời gian gần đây, công tác TKĐ tại các đơn vị sản xuất được thực hiện khá tốt. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư lớn cho việc mua sắm thiết bị sử dụng ít hao tốn điện năng. Chẳng hạn, Công ty Chang Shin Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất giày thể thao Nike (trụ sở đặt tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) những năm trước mỗi ngày tiêu thụ hàng chục ngàn kWh điện sản xuất và chiếu sáng. Trước tình hình này, lãnh đạo công ty đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để thay thế những máy móc cũ kỹ và hao tốn điện, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng. Chỉ tính năm 2010, doanh nghiệp đã bỏ ra 840 ngàn USD mua sắm thiết bị chuyên dùng ít tốn điện. Qua đó, việc tiêu thụ điện ở Chang Shin sau này giảm rõ rệt. Tương tự, tại Công ty sản xuất bột ngọt Ajinomoto (KCN Biên Hòa 2), thời gian trước, mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 60 ngàn MWh điện. Để giảm chi phí sản xuất, công ty đã thành lập Ban tiết giảm năng lượng và phân bố lại hệ thống dây chuyền công nghệ phù hợp. Nhờ vậy, quá trình hoạt động, Ajinomoto vẫn chủ động được sản xuất, kể cả trong giờ cao điểm.

Thống kê của EVN cho biết, điện sản xuất và mua của EVN trong 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 79,335 tỷ kWh, tăng 9,89% so với cùng kỳ, trong đó điện sản xuất là 37,343 tỷ kWh, tăng 12,49%, điện mua là 41,992 tỷ kWh, tăng 7,67%. Điện thương phẩm ước thực hiện 70,228 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó điện cấp cho công nghiệp - xây dựng tăng 13,67%, cho thương mại - dịch vụ tăng 9,95%, cho quản lý tiêu dùng dân cư tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2010. Cũng theo EVN, để chuẩn bị tốt việc cung ứng điện trong mùa khô 2011-2012, quý IV này, ngành điện tiếp tục khai thác hợp lý nguồn điện, vận hành an toàn hệ thống để cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, EVN sẽ tập trung đưa vào vận hành 4 tổ máy còn lại trong kế hoạch năm 2011 để hòa vào lưới điện Quốc gia, gồm:  tổ máy 4 - thủy điện Sơn La, tổ máy 1 - thủy điện Đồng Nai 4, thủy điện Kanak  và đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa...

Nhận định về TKĐ trong sản xuất công nghiệp thời gian qua, Ông Phạm Viết Ái, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai cho biết, trên lĩnh vực hoạt động công nghiệp, hiện có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cơ bản những mô hình cùng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng điện. Theo ông Ái, nếu như nhà sản xuất không cân đối giữa “đầu vào” và “đầu ra” thì chắc chắn sản phẩm làm ra chi phí sẽ tăng cao, khó có thể cạnh tranh trên thương trường. Hơn nữa, sắp bước vào mùa khô, chắc chắn tình hình cung cấp điện trên cả nước gặp khó khăn. Vì vậy, các đơn vị sản xuất cần tiếp tục đẩy mạnh công tác TKĐ thì mới chủ động trong sản xuất - kinh doanh.

Đánh giá của Sở Công thương Đồng Nai mới đây cho thấy, những năm qua, chương trình tiết kiệm điện ở Đồng Nai đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để mục tiêu tiết kiệm điện ở Đồng Nai trở thành thói quen trong nhận thức của từng doanh nghiệp, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt chương trình kiểm toán năng lượng cũng như các chương trình TKĐ khác. Đáng kể là việc tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới...

Đỗ Duy


Tin xem nhiều