Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ thuật trồng măng cụt

09:10, 20/10/2011

Măng cụt hiện được trồng ở một số vùng trong tỉnh, như: Thống Nhất, thị xã Long Khánh, Cẩm Mỹ. Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, để trồng cây măng cụt cho năng suất cao, nông dân áp dụng đúng quy trình về chọn giống, đất trồng và chăm sóc...

Măng cụt hiện được trồng ở một số vùng trong tỉnh, như: Thống Nhất, thị xã Long Khánh, Cẩm Mỹ. Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, để trồng cây măng cụt cho năng suất cao, nông dân áp dụng đúng quy trình về chọn giống, đất trồng và chăm sóc...

* Điều kiện trồng

- Măng cụt thích hợp với đất sét pha hay đất phù sa, thoát nước tốt và giữ ẩm, độ pH từ 5,5-7. Cây trồng này không thích hợp với đất cát và đất thoát nước kém.

Anh Hoàng (TX.Long Khánh) bên cây măng cụt trong vườn nhà đang cho trái. Ảnh: N.H
Anh Hoàng (TX.Long Khánh) bên cây măng cụt trong vườn nhà đang cho trái. Ảnh: N.H

- Cây măng cụt thích hợp với khí hậu nóng ẩm, tốt nhất là nhiệt độ 25-300C.

- Ở những nơi trồng măng cụt, nếu có gió mạnh phải được che chắn để tạo bóng mát, giúp cây con thích nghi dần với điều kiện bên ngoài. Thời gian che nắng ít nhất từ 6 tháng đến 3 năm sau khi trồng.

* Chọn giống

- Nhân giống bằng hạt: Hạt lấy từ quả chín, rửa sạch và đem gieo ngay để tăng sự nảy mầm. Có thể gieo hạt xuống luống ươm hoặc gieo trong bầu. Tỷ lệ phối trộn thích hợp để gieo hạt ươm là 3 cát, 2 đất và 1 phân hữu cơ. Hạt sẽ nảy mầm sau 20-30 ngày gieo. Luống ươm cần che mát và tưới thường xuyên. Cây con khi mọc được 2 lá, cấy vào bầu với khoảng cách 20-40cm. Lúc cây cao chừng 60cm đem ra vườn trồng. Do rễ măng cụt yếu nên phải bứng bầu đất lớn.

- Nhân giống bằng cách ghép: Ưu điểm của phương pháp này là cho trái sớm từ 2-3 năm. Cây ghép đảm bảo vỏ không bị tổn thương và có 2 năm tuổi kể từ khi gieo hạt.

* Kỹ thuật trồng

- Đào hố trồng kích thước 0,6 x 0,6 x 0,6m. Những nơi đất xấu thì đào hố có bề dài, rộng, sâu khoảng 1 m. Trộn toàn bộ đất mặt với 20-30kg phân chuồng ủ hoai mục; 0,5kg vôi bột và 1kg phân lân rồi lấp đầy các hỗn hợp trên vào hố trước khi trồng khoảng 20-30 ngày.

- Khoảng cách trồng cây măng cụt cây cách cây, hàng cách hàng từ 7-8m, tương ứng với 180 cây/hécta.

- Ở những vùng đất cao cần có giếng hoặc xây hồ trữ nước và thường xuyên tưới vì măng cụt cần độ ẩm. Mỗi hàng măng cụt nên đào mương thoát nước sâu, rộng 0,5m. Tất cả mương phụ nối với mương chính xung quanh vườn có kích thước rộng 0,7- 0,8m và sâu 0,7-1m để thoát nước.

- Cây măng cụt trên 2 năm tuổi, cao khoảng 60cm trở lên, khi đem trồng, phải vận chuyển nhẹ nhàng, để cây thẳng đứng và lấp đất ngang mặt bầu. Trồng xong lấy cột cắm cạnh bầu để tránh gió làm cây đổ.

* Chăm sóc

- Măng cụt hấp thụ với phân hữu cơ hoai mục và kết hợp thêm phân NPK 15-15-15.

- Mỗi năm bón khoảng 5-10kg phân chuồng hoai mục/cây. Riêng phân NPK trong năm chia làm 4-6 lần, bón theo liều lượng như sau: năm thứ nhất 0,5kg; năm hai 1kg; năm ba 1,5kg và năm thứ tư 2kg.

- Giai đoạn cây cho trái ổn định, bón 20-30kg phân chuồng hoai mục/cây/năm. Riêng phân vô cơ chia làm 3 đợt/năm, mỗi lần bón 3-4kg/cây. Thời gian bón phân vô cơ thực hiện sau khi thu hoạch, trước khi ra hoa và sau khi đậu trái. Ngoài ra, bón thêm 500kg vôi bột/hécta/năm sau khi thu hoạch trái.

Khi cây còn nhỏ, tỉa bỏ các cành mọc dày, cành vượt mọc đứng, cành ốm yếu, chỉ để một thân chính, cành mọc ngang, cành khỏe để tạo thông thoáng cho cây. Sau mỗi vụ thu hoạch tỉa bỏ những cành già không còn khả năng cho trái, cành sâu bệnh, cành vô hiệu nằm bên trong tán cây.

Nguyệt Hạ


 

Tin xem nhiều