Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề phòng bệnh nhiễm sán chó ở người

09:10, 18/10/2011

Thời gian gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cùng một số bệnh viện đa khoa khác tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp cả trẻ em lẫn người lớn bị bệnh nhiễm sán chó có biến chứng nguy hiểm. Đây là bệnh dễ gặp ở những người thường có tiếp xúc với chó, mèo.

Tiếp xúc với chó, dễ bị nhiễm sán chó.
Tiếp xúc với chó, dễ bị nhiễm sán chó.
Thời gian gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cùng một số bệnh viện đa khoa khác tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp cả trẻ em lẫn người lớn bị bệnh nhiễm sán chó có biến chứng nguy hiểm. Đây là bệnh dễ gặp ở những người thường có tiếp xúc với chó, mèo.

* Triệu chứng khó nhận biết

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Sán chó là một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Toxocara canis. Sán chó hình tròn, dài giống như giun đũa ở người. Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh nhiễm này nếu có những tiếp xúc gần gũi, thân mật với chó như: ôm hôn, ăn ngủ, chơi đùa cùng chó nuôi trong nhà. Trong đó, trẻ em có nguy cơ cao hơn”.

Sán chó nằm trong đường tiêu hóa của chó. Mỗi khi chó thải phân ra ngoài, thường mang theo trứng sán và những đốt sán. Những trứng sán này lan ra trong môi trường. Một số trứng sán bám vào chân, vào lông chó, khi trẻ em vuốt lông chó hoặc nằm, ngồi chơi đùa, bốc thức ăn hoặc mút tay sau khi tiếp xúc với chó và nền đất có trứng sán sẽ bị nhiễm bệnh sán chó. Trứng sán chó vào trong ruột người sẽ nở thành các thể sán non, những thể này có thể theo máu đi đến các cơ quan của người như: gan, não bộ, phổi, mắt … và gây bệnh ở các nơi này.

Triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó thường ẩn, không có gì cụ thể. Nhưng nếu để ý, người bệnh có thể có các chứng mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ngứa, nóng sốt, ho, khò khè… Nếu sán chó lên phổi sẽ gây viêm phổi, suyễn, đến mắt gây viêm xung quanh mắt, thậm chí gây bệnh ở võng mạc có thể làm mù lòa; các thể sán này còn có thể đến não bộ và gây viêm não hoặc nằm ký sinh dưới da và có thể di chuyển đến nhiều vùng dưới da trong cơ thể, tạo nên những cục u với sự tập trung một lượng lớn các thể nang sán chó.

* Điều trị bệnh nhiễm sán chó

Trứng sán chó có thể tồn tại trong máu vài năm. Do đó, những người nghi bị nhiễm sán chó cần thử máu và test Elisa để tìm kháng thể chống lại sán chó. Do ký sinh trùng này tồn tại nhiều năm trong cơ thể, nên có thể sau khi điều trị bệnh sán chó, thử máu vẫn cho kết quả dương tính.

Điều trị bệnh sán chó sẽ do bác sĩ chỉ định sau khi đã làm xét nghiệm kiểm tra. Ở những trường hợp bị sán chó làm ảnh hưởng đến các cơ quan nhạy cảm và dễ tổn thương như mắt, cần được phẫu thuật kịp thời. Do trứng sán chó dễ phát tán trong môi trường, nên người bị có thể bị nhiễm sán chó nhiều lần, nếu không sử dụng các biện pháp phòng ngừa.

Theo bác sĩ Đa Hà, cả người lớn lẫn trẻ em cần giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ; thực hiện ăn chín, uống sôi; không có các cử chỉ quá thân mật, gần gũi với chó mèo; nên tắm rửa thường xuyên và xổ giun định kỳ cho chó. Nếu để chó ra vào nhà, thì không nên cho trẻ nhỏ chơi đùa, bò lê dưới đất hay bốc thức ăn dưới đất đưa vào miệng.

Phi Trường

 

 

Tin xem nhiều