Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh ung thư: <i>Có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm</i>

10:07, 05/07/2011

Y học hiện đại đã cho phép chẩn đoán sớm và có thể điều trị khỏi hẳn bệnh ung thư (UT). Thế nhưng hiện nay, môi trường, thực phẩm ô nhiễm và những thói quen có hại đã khiến số người mắc bệnh UT tăng cao. Với những tiến triển thầm lặng, UT vẫn là bệnh khó phát hiện và gây tử vong cao…

 

Y học hiện đại đã cho phép chẩn đoán sớm và có thể điều trị khỏi hẳn bệnh ung thư (UT). Thế nhưng hiện nay, môi trường, thực phẩm ô nhiễm và những thói quen có hại đã khiến số người mắc bệnh UT tăng cao. Với những tiến triển thầm lặng, UT vẫn là bệnh khó phát hiện và gây tử vong cao…

Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam mỗi năm phát hiện khoảng 150 ngàn người bị bệnh UT và hơn 50% số người mắc bệnh tử vong. Cũng theo nghiên cứu của ngành y tế, môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hóa chất và thói quen sinh hoạt thiếu vận động là nguyên nhân làm gia tăng số người mắc bệnh UT.

 * Phát hiện nhiều người bị ung thư

Trên địa bàn Đồng Nai, từ thời điểm tháng 1-2002, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành khảo sát số người mắc bệnh UT trên toàn tỉnh. Tính đến tháng 3-2011, trung tâm đã thống kê được 11.284 người mắc bệnh UT và 6.527 người trong số này đã tử vong. Báo cáo của trung tâm cho thấy, từ năm 2005 trở về trước, mỗi năm Đồng Nai chỉ phát hiện khoảng 300-500 người bệnh UT mỗi năm, nhưng 5 năm trở lại đây, số người phát hiện mắc bệnh UT tăng lên gấp 2-3 lần. Bình quân mỗi năm trên địa bàn phát hiện được khoảng 1.200 người mắc bệnh UT. So sánh với một số tỉnh, thành phía Nam, tỷ lệ UT tại Đồng Nai là khá cao. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu đánh giá của các nhà khoa học của Mỹ, Canada về thực trạng gia tăng các loại bệnh UT ở người dân Đồng Nai. Hiện ở Đồng Nai gần như có đủ mặt các loại bệnh UT, trong đó nhiều nhất là UT gan, kế đến là  phổi, thực quản, dạ dày, vú, cổ tử cung…

Phần lớn bệnh nhân UT ở Đồng Nai đi điều trị tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh. Riêng khoa điều trị UT và y học hạt nhân của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới được thành lập khoảng 2 năm, nhưng cũng đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân UT. Hiện tại, 200 bệnh nhân UT  đang điều trị tại khoa này, trong đó 130 ca điều trị nội trú với khoảng 40 ca phải hóa trị và xạ trị.

Người lao động làm việc trong môi trường có hóa chất cần tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động để tránh nhiễm độc.  Ảnh: P. Liễu
Người lao động làm việc trong môi trường có hóa chất cần tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động để tránh nhiễm độc. Ảnh: P. Liễu

 

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Hiện khoa điều trị UT của bệnh viện đã bắt đầu quá tải vì số bệnh nhân UT nhập viện đang tăng. Bệnh nhân điều trị ở đây tăng vì số người mắc bệnh UT nhiều hơn và cũng do số bệnh nhân UT thay vì đi TP.Hồ Chí Minh thì nay chọn điều trị tại Đồng Nai cho gần hơn, đỡ tốn kém hơn”.

* Bệnh nhân: đốI mặt với khó khăn về kinh tế

Đối tượng nào phải tầm soát ung thư?

Theo bác sĩ Võ Xuân Liễu, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, ai cũng có thể mắc bệnh ung thư, nhưng với một số người thuộc nhóm nguy cơ cao dưới đây nên đi tầm soát ung thư. Đó là những người sống và làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất; sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất hóa học, chất tăng trưởng; uống rượu và hút thuốc lá trên 10 năm; béo phì, cuộc sống ít vận động; gia đình có người bị mắc bệnh ung thư.

 

Việc điều trị UT thường kéo dài và phải kết hợp nhiều phương pháp, sử dụng nhiều loại thuốc đắt tiền nên nhiều người điều trị bệnh UT đang phải đối mặt với khó khăn về kinh tế.

Gia đình bà N.T.M.L, 61 tuổi, ở phường Tân Mai (TP. Biên Hòa) đã lâm vào tình trạng khốn đốn khi có đến 2 người mắc bệnh UT. Bản thân bà L. cách đây 3 năm từng bị UT tử cung. Kinh tế gia đình chỉ thuộc loại đủ ăn, nên khi bà mắc bệnh, phải phẫu thuật và xạ trị tại Bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh với số tiền tính từ vài chục đến ngót trăm triệu đồng. Nhưng may mắn cho bà, vì được điều trị đến nơi đến chốn, nên bệnh gần như khỏi hẳn. Trong khi kinh tế gia đình chưa kịp phục hồi thì lại đến lượt chồng bà phát hiện bị UT phổi ở giai đoạn nặng.

Bà L. đã đưa chồng vào điều trị tại khoa ung bướu của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Dù ở gần nhà, được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng thời gian điều trị kéo dài và phải dùng thuốc đặc trị nên gia đình bà đã khó lại càng khó hơn. Trong nhà của cải đội nón ra đi, giờ bà chỉ biết trông vào sự giúp đỡ của những người thân.

Gặp gỡ những bệnh nhân UT khác, chúng tôi được biết, nhiều người khi biết mình mắc bệnh UT đã lặng lẽ xin về chữa thuốc nam cho rẻ, có người chạy chữa một thời gian, tốn kém, bệnh không thuyên giảm nên bỏ điều trị và phó mặc cho số phận. 

* Vẫn có thể chữa khỏi bệnh

Bác sĩ Trương Thiết Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, UT vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu được phát hiện sớm. Trên thực tế, đã có nhiều người được chữa khỏi bệnh UT, tất nhiên, khả năng chữa khỏi bệnh còn phụ thuộc vào loại UT và phụ thuộc vào mức độ phát hiện sớm hay muộn. Nếu được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao.

Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

 

Nếu 20 năm trước, cứ 4 trường hợp bị UT thì chỉ có 1 trường hợp được chữa khỏi, thì nay trong 2 trường hợp bị UT, sẽ có 1 người được chữa khỏi do được phát hiện và điều trị sớm. Để phát hiện và điều trị sớm, theo bác sĩ Trương Thiết Dũng, mỗi người phải nhận biết được các dấu hiệu sớm của UT và đi khám ngay khi thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu cảnh báo đó. Nhưng do 7 triệu chứng của UT khá khó để nhận biết khi bệnh thường tiến triển âm thầm, đặc biệt nhiều loại UT không hề gây đau đớn nên phần lớn các ca UT thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì nhiều người chủ quan, cho  rằng các triệu chứng của họ không nghiêm trọng nên bỏ qua.

Bác sĩ Trương Thiết Dũng cũng cho biết thêm, khi bị UT, cơ thể thường xuất hiện những dấu hiệu như có một khối u ở ngực, đau hoặc không đau; nổi nốt ruồi hay mụn cơm ngày càng to, sẫm màu hoặc chảy máu; có cục u ở vú hoặc một nơi khác trên cơ thể; chảy máu bất thường ở âm đạo (đặc biệt là chảy máu ngoài kỳ kinh hay khi đã mãn kinh); nôn hoặc đi ngoài ra máu hay có những thay đổi về hoạt động tiêu hóa kéo dài; đi tiểu ra máu, kém ăn và rối loạn tiêu hóa kéo dài; khan giọng hay ho kéo dài, khó nuốt… là các triệu chứng của các loại UT vú, UT cổ tử cung, UT vòm họng,  UT đại tràng hoặc UT phổi.

Phát hiện bệnh UT ở giai đoạn này là bệnh đã có tiến triển rõ ràng, tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn đã giảm xuống. Vì thế, tầm soát bệnh UT thông qua việc khám sức khỏe định kỳ (mỗi năm 1-2 lần), sẽ giúp việc chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả hơn vì có nhiều bệnh UT phát triển rất nhanh, có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể trước khi biểu hiện thành triệu chứng hoặc gây đau. Nếu điều trị trước khi UT di căn thì khả năng chữa khỏi cao hơn.

 

Chủ động phòng tránh  bệnh ung thư

Hiện chỉ mới có vaccine ngừa UT cổ tử cung dành cho phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, còn các bệnh UT khác hầu như chưa có vaccine phòng ngừa. Vì thế, ngoài việc khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị sớm, thì thực hiện chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cũng như duy trì trạng thái tâm lý ổn định là những nhân tố phòng chống UT khá hiệu quả.

Nên sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Ví dụ dùng mật mía, mật ong thay cho đường ở một số thức uống; dùng muối biển thay cho muối tinh được tẩy trắng; nên uống sữa đậu nành thay cho sữa bò; tập thói ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn tiêu hóa tốt, tránh hình thành sản phẩm tiêu hóa dở dang tích tụ thành khối ở ruột gây UT đại tràng; hạn chế ăn thịt và thay bằng cá; uống trà, nước trái cây, ăn rau xanh và tránh tình trạng béo phì. Đặc biệt là phải có cuộc sống tinh thần thanh thản. Theo nghiên cứu của y học, những người thường cáu giận, căng thẳng, căm thù, cay đắng sẽ khiến cơ thể mất cân bằng, tạo ra nhiều acid tấn công hệ miễn dịch. Cuộc sống tinh thần thanh thản, độ lượng, biết yêu thương, cộng với tập luyện thể thao sẽ tạo ra hệ thống miễn dịch cao, đó là đội quân tinh nhuệ dọn dẹp tế bào UT khi chúng vừa xuất hiện.

 Phương Uyên (ghi)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phương Liễu

Tin xem nhiều