Báo Đồng Nai điện tử
En

Diện mạo mới ở Đắc Lua

07:09, 16/09/2022

Là xã xa nhất của Đồng Nai, Đắc Lua còn là địa bàn giáp ranh liên tỉnh giữa Bình Phước - Đồng Nai - Lâm Đồng. Do đó, đây cũng là điểm kết nối giao thông quan trọng, vì nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao.

Là xã xa nhất của Đồng Nai, Đắc Lua còn là địa bàn giáp ranh liên tỉnh giữa Bình Phước - Đồng Nai - Lâm Đồng. Do đó, đây cũng là điểm kết nối giao thông quan trọng, vì nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao.

Tuyến đường Đắc Lua - Đăng Hà vừa hoàn thành, tạo sự phấn khởi cho người dân. Ảnh: Ngọc Liên
Tuyến đường Đắc Lua - Đăng Hà vừa hoàn thành, tạo sự phấn khởi cho người dân. Ảnh: Ngọc Liên

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh, thời gian qua, H.Tân Phú đã đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường trên địa bàn xã, đặc biệt là tuyến kết nối trọng yếu cho 3 tỉnh.

* Nông dân phấn khởi khi có đường...

Từ một con đường nông thôn nhỏ, tuyến đường Đắc Lua đi Đăng Hà (tỉnh Bình Phước) được “thay áo mới” trở thành tuyến đường huyết mạch và là một trong những con đường nổi bật nhất xã Đắc Lua. Tuyến đường Đắc Lua - Đăng Hà có chiều dài 12,7km vừa hoàn thành sau hơn 1 năm thi công với tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng khiến người dân sinh sống hai bên đường phấn khởi, nhiều hộ dân đã sửa chữa nhà, xây dựng hàng rào, lối đi… làm thay đổi diện mạo của một vùng quê.

Bà Nguyễn Thị Tám (ngụ ấp 1, xã Đắc Lua) cho biết, thời điểm địa phương chuẩn bị làm đường đã liên hệ với gia đình bà vận động hiến đất làm đường. Nhà bà Tám nằm ngay khu vực trung tâm của xã, giao thông thuận tiện nên vị trí đất cũng có giá trị. Tuy nhiên, khi nghe chủ trương làm đường, bà Tám đã tình nguyện hiến phần đất của gia đình, phá bỏ hàng rào cũ để xây dựng lùi vào trong, nhường đất cho đơn vị thi công làm đường. Ngay sau khi đường hoàn thành, bà Tám liền xây dựng lại hàng rào mới, tại vị trí mới với chiều ngang 50m. Tính sơ chi phí cho hàng rào mới khoảng 80-100 triệu đồng.

Vừa mất đất, vừa mất chi phí làm hàng rào nhưng bà Tám vẫn vui vẻ thực hiện, bởi theo bà Tám, Đắc Lua còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Đắc Lua với 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng nên khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn.

* Kết nối giao thương

Là một xã thuần nông, đi lên từ muôn vàn khó khăn bởi sự cách trở về giao thông, với sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh đến huyện, các ngành chức năng, xã Đắc Lua ngày nay đã có một diện mạo hoàn toàn mới với sự phát triển kinh tế - xã hội đa dạng hơn. Đặc biệt, từ sau khi có cầu Đắc Lua đã giúp bà con nông dân trên địa bàn xã chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp, đa dạng cây trồng, ngành hàng sản xuất và đặc biệt là không còn tình trạng nông sản bị ép giá như trước kia.

Người dân xã Đắc Lua xây lại hàng rào mới sau khi hiến đất cho Nhà nước làm đường. Ảnh: Ngọc Liên
Người dân xã Đắc Lua xây lại hàng rào mới sau khi hiến đất cho Nhà nước làm đường. Ảnh: Ngọc Liên

Bà Lê Thị Chuyển, hộ nông dân sống bằng nghề nuôi tơ tằm tại ấp 6, một điểm gần cuối tuyến đường Đắc Lua - Đăng Hà, chia sẻ từ khi có đường mới đến nay, giao thông trở nên thuận tiện hơn. Sản phẩm tơ tằm gia đình bà làm ra cũng bán có giá hơn nhờ khâu vận chuyển thuận lợi, hàng hóa có cơ hội bán cho nhiều người nên được quyền lựa chọn mối bán với giá hợp lý nhất.

Cũng như gia đình bà Chuyển, nhiều hộ dân ấp 6 phấn khởi từ khi có đường mới, vừa thuận lợi kết nối giao thông, vừa có cơ hội sửa chữa, xây hàng rào bảo vệ quanh nhà, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa phương cũng như thay đổi diện mạo cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, với tốc độ xây dựng như hiện nay, một số hộ dân mong muốn hệ thống thoát nước trên tuyến đường được hoàn thiện sớm, tránh tình trạng mưa lớn gây ngập úng vào đất của các hộ dân.

Chia sẻ về những nỗ lực của địa phương trong quyết định nâng cấp các tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường Đắc Lua - Đăng Hà, Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết, ngoài nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Đắc Lua, tuyến Đắc Lua - Đăng Hà còn là tuyến kéo gần khoảng cách giữa trung tâm xã Đắc Lua với ấp cuối cùng của xã là ấp 7.

Theo ông Ký, ấp 7 mới nhập về Đồng Nai được vài năm gần đây. Đây là ấp còn nhiều khó khăn nhất của huyện cũng như cả tỉnh. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển kinh tế cho bà con nơi đây thì nhất định phải có giao thông kết nối. Do đó, sau khi tuyến Đắc Lua - Đăng Hà hoàn thành, huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh các giải pháp sớm làm đường vào ấp 7 để đưa xã vùng sâu phát triển toàn diện hơn.

Những năm gần đây, H.Tân Phú có sự đầu tư khá lớn về nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Trong đó, một số tuyến đường liên xã, liên ấp… được đầu tư, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong vùng kết nối giao thông, đi lại thuận tiện, an toàn. Đó là các tuyến đường: Phú Trung - Phú An, Phú Xuân - Thanh Sơn - Phú An; Phú Bình - Phú Lâm, đường Đắc Lua - Đăng Hà… và một số tuyến đường trung tâm huyện như: Nguyễn Thị Định (đường số 3 cũ) kết hợp hệ thống thoát nước Khu công nghiệp Tân Phú, đường Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Đình Chiểu…

Ngọc Liên

Tin xem nhiều