Báo Đồng Nai điện tử
En

Diện tích đất mía "teo tóp" dần

02:07, 05/07/2022

Vốn là một trong những vùng trồng mía đường lớn của Đồng Nai, thời kỳ cao điểm, H.Nhơn Trạch có vài ngàn ha mía, nhưng niên vụ năm nay chỉ xuống giống khoảng 400ha, đạt gần 50% kế hoạch. Nguyên nhân là Nhà máy Đường Biên Hòa Trị An tạm ngưng thu mua mía nguyên liệu, giá mía thấp trong khi chi phí đầu tư ngày càng cao.

Vốn là một trong những vùng trồng mía đường lớn của Đồng Nai, thời kỳ cao điểm, H.Nhơn Trạch có vài ngàn ha mía, nhưng niên vụ năm nay chỉ xuống giống khoảng 400ha, đạt gần 50% kế hoạch. Nguyên nhân là Nhà máy Đường Biên Hòa Trị An tạm ngưng thu mua mía nguyên liệu, giá mía thấp trong khi chi phí đầu tư ngày càng cao.

Một nông dân đang chăm sóc mía ở vùng đất nhiễm phèn thuộc xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch
Một nông dân đang chăm sóc mía ở vùng đất nhiễm phèn thuộc xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.LỘC

Trong định hướng phát triển của huyện sẽ thu hẹp dần diện tích cây mía còn khoảng 400ha; đồng thời, kết nối với nhà máy đường tiêu thụ mía, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

* Hiệu quả kinh tế thấp

Ông Nguyễn Văn Phò (ngụ xã Phước Khánh) có thâm niên trồng mía gần 20 năm. Những năm 2010, ông Phò trồng đến vài ha mía, sản phẩm được thương lái mua “lúa non” tận vườn. Thế nhưng, hiện tại gia đình ông Phò trả hết đất thuê, chỉ giữ lại 0,8ha đất của gia đình trồng mía. Vụ mía vừa qua, ông Phò dư 11 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

“Giá mía thấp quá nên tôi bỏ dần. Mía nay không bán cho nhà máy đường nữa mà bán cho mối bỏ vựa xay làm nước giá thấp, thu hoạch chậm” - ông Phò chia sẻ.

Niên vụ mía năm 2022-2023, H.Nhơn Trạch đặt chỉ tiêu trồng 850ha mía. Qua rà soát, đến nay có khoảng 200ha mía lưu gốc, trồng mới khoảng 200ha, đạt 47% chỉ tiêu. Hiện nay, mía trồng ở H.Nhơn Trạch chủ yếu tiêu thụ qua thương lái địa phương với giá: mía trồng mới 3,5 triệu đồng/công; mía lưu gốc 2 triệu đồng/công; mía chặt sẵn 550 ngàn đồng/tấn.

Tương tự, hộ ông Phạm Văn Mười Một (ngụ xã Phước Khánh) hiện còn khoảng 3,5ha mía, bằng 1/3 so với trước đây. “Trước đây, thương lái đến vườn làm giá xong thì tự chặt, tự chở về nhà máy đường, có thời điểm gần 1 triệu đồng/tấn mía. Nhưng vụ năm rồi mía chỉ còn 550 ngàn đồng/tấn, người bán phải tự thuê thợ chặt giá 200 ngàn đồng/tấn, thuê ghe chở giá 50 ngàn đồng/tấn. Chi phí đội lên thì lợi nhuận giảm xuống” - ông Mười Một than thở.

Cũng không mặn mà với cây mía, anh Trần Văn Phong (ngụ xã Phước Khánh) quyết định cải tạo đất trồng cây ăn quả. “Tôi quá ngán ngẩm cây mía, cầm tiền chưa ấm tay đã phải trả nợ phân bón, thuốc, công chặt. Tôi chuyển sang trồng cây ăn quả từ năm 2020. Vì đang trong giai đoạn đầu tư nên tôi tranh thủ đi làm thêm, mỗi tháng kiếm thêm được 4-5 triệu đồng” - anh Phong chia sẻ.

Từng là cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo ở các xã ven sông của H.Nhơn Trạch nhưng nay do giá thấp, không có bao tiêu đầu ra trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng nên nhiều nông dân đã bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Những hộ còn trồng mía đa phần vì lớn tuổi không biết làm gì khác; đất trong khu vực bị nhiễm mặn, phèn cao không thích hợp chuyển đổi cây trồng; đất đã bán cho người khác nhưng được cho canh tác tạm thời.

* Chuyển đổi cây trồng phù hợp

H.Nhơn Trạch là vùng trồng mía đường lớn của tỉnh nhưng nhiều năm nay diện tích ngày càng giảm, nông dân không còn mặn mà với cây mía. Niên vụ năm 2022-2023, huyện đề ra kế hoạch trồng 850ha mía, nhưng hiện mới trồng được khoảng 400ha.

Ông Phạm Văn Mười Một chăm sóc ruộng mía xuống giống được 2 tháng
Ông Phạm Văn Mười Một chăm sóc ruộng mía xuống giống được 2 tháng

Theo Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân, những năm gần đây, Nhà máy Đường Biên Hòa Trị An tạm ngưng thu mua mía ở H.Nhơn Trạch nên nông dân gặp khó khăn về đầu ra. Nông dân phải liên kết với thương lái đưa mía về các tỉnh miền Tây tiêu thụ. Bên cạnh đó, vật tư nông nghiệp, nhân công, giống mía đều tăng, giá thành sản xuất 700-800 ngàn đồng/tấn nhưng bán ra giá thấp nên nhiều hộ bỏ mía, chuyển sang cây trồng khác. Ở vùng đê ngăn mặn Ông Kèo đang triển khai một số dự án nên diện tích đất mía cũng bị thu hẹp.

Năm 2019, Phòng Kinh tế huyện và Hội Nông dân xã Phước Khánh triển khai dự án chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn trái. Đến nay, một số loại cây ăn quả đã được trồng khoảng 36ha cây dừa xiêm, trong đó có 25ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 120-150 trái/cây/năm. Và 2 mô liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp là cây chuối già Nam Mỹ khoảng 14ha và cây mít khoảng 4ha.

Ông Tô Thanh Hiền (ngụ xã Phước Khánh), người tham gia liên kết nhà nông với doanh nghiệp trồng chuối già Nam Mỹ cho hay, vào năm 2019, ông bắt tay với một công ty ở TP.HCM trồng chuối. Cả 2 cùng bỏ vốn cải tạo đất, làm hệ thống đường ống nước tưới, phân bón theo hình thức 50-50. Công ty cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân quy trình xử lý đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Sản phẩm được công ty bao tiêu đầu ra với giá cố định, lợi nhuận chia đôi nên ông khá yên tâm.

Đại diện Phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch cho rằng, do định hướng phát triển đô thị nên thời gian tới diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, huyện vẫn chủ trương giữ lại khoảng 400ha mía trong vùng ngăn mặn đê Ông Kèo, đây là khu vực khó chuyển đổi cây trồng. Phòng Kinh tế sẽ tham mưu UBND huyện hỗ trợ người dân về định hướng phát triển nông nghiêp đô thị theo tình hình mới. Cùng với đó là vận động các đơn vị đang thu mua mía vận chuyển về nhà máy đường ở miền Tây ký kết hợp đồng bao tiêu sản xuất để người dân an tâm sản xuất.

Đối với các vùng có thể chuyển đổi cây trồng, huyện khuyến khích hình thức liên kết trồng, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Hoàng Lộc - Xuân Mai

Tin xem nhiều