Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp

10:07, 21/07/2021

Theo quy hoạch, H.Cẩm Mỹ có 2 khu công nghiệp (KCN) Cẩm Mỹ, Xuân Quế - Sông Nhạn và Cụm công nghiệp (CCN) Long Giao. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Cẩm Mỹ là địa phương duy nhất của tỉnh chưa có KCN, CCN đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch, H.Cẩm Mỹ có 2 khu công nghiệp (KCN) Cẩm Mỹ, Xuân Quế - Sông Nhạn và Cụm công nghiệp (CCN) Long Giao. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Cẩm Mỹ là địa phương duy nhất của tỉnh chưa có KCN, CCN đi vào hoạt động.

Mong muốn của chính quyền và người dân địa phương là sớm có KCN, CCN đi vào hoạt động để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

* Chưa có KCN, CCN nào hoạt động

Cẩm Mỹ là một trong những huyện thuần nông của tỉnh. Để tạo thêm việc làm cho người dân, ổn định đầu ra và nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản, tỉnh đã quy hoạch một số KCN, CCN trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án công nghiệp hoàn thiện hạ tầng để đón nhà đầu tư thứ cấp.

CCN Long Giao (tại TT.Long Giao) là một trong 2 CCN được tỉnh ưu tiên chọn thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng chế biến sâu, đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Để tạo điều kiện cho CCN này sớm đi vào hoạt động, tỉnh cho địa phương ứng 35 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. H.Cẩm Mỹ đầu tư đường giao thông kết nối đến hành lang CCN. Hiện tại, CCN này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, có hạ tầng giao thông kết nối, có 4 nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng.

Huyện Cẩm Mỹ có lợi thế để hình thành CCN chế biến nông sản. Đó là vùng chuyên canh hồ tiêu gần 6 ngàn ha; vùng trồng sầu riêng quy mô hơn 1,4 ngàn ha; là địa phương chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn thứ 2 của tỉnh; gần với vùng chuyên canh nông sản quy mô lớn ở H.Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Trong tương lai, H.Cẩm Mỹ sẽ trở thành vùng đệm của sân bay Long Thành, có lợi thế hình thành KCN phát triển các ngành dịch vụ, logistics và sản xuất công nghiệp phụ trợ.

KCN Cẩm Mỹ (tại xã Thừa Đức) có diện tích quy hoạch gần 307ha. Vị trí gần các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn huyện và gần sân bay Long Thành. Đây là KCN hỗn hợp đa ngành, có các khu chức năng như: công nghiệp, điều hành dịch vụ, khu nhà ở công nhân. Cuối năm 2020, Sở KH-ĐT thông báo mời thầu xây dựng CCN Cẩm Mỹ, có 6/8 nhà thầu đăng ký đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nên phải thực hiện lại quy trình. Đến nay, KCN Cẩm Mỹ vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng, chưa giải phóng mặt bằng.

KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Quế và Sông Nhạn) có diện tích 3.595ha, mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2020. KCN này có lợi thế là diện tích lớn, gần sân bay Long Thành, gần đường cao tốc. Hiện tại, các sở, ngành đang cho ý kiến về dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng để hoàn thành thủ tục thành lập KCN.

Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Cẩm Mỹ Chế Văn Thành cho biết, theo quy hoạch trên địa bàn huyện có 2 KCN và 1 CCN, trong đó có 1 KCN và 1 CCN đã có quyết định thành lập, còn 1 KCN chưa có quyết định thành lập. Đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng.

* Chờ làn sóng đầu tư

Ông Chế Văn Thành cho rằng, trước đây các KCN, CCN trên địa bàn H.Cẩm Mỹ khó thu hút các nhà đầu tư do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nước sạch chưa có. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Cẩm Mỹ đang “hút” các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Lý do là tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn huyện đang được triển khai; dự án sân bay Long Thành đã khởi công, một số tuyến đường giao thông kết nối đã được tỉnh đưa vào quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đất công nghiệp đã được đưa vào quy hoạch đất sử dụng 10 năm tới.

Ông Huỳnh Tấn Thìn, Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, các KCN, CCN trên địa bàn huyện được quy hoạch chủ yếu trên đất cao su nên rất thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Việc triển khai xây dựng hạ tầng dự án sẽ đơn giản được nhiều khâu như: thẩm định giá đất và nguồn gốc đất, xác định chi phí bồi thường hoặc hỗ trợ tái định cư cho người dân. H.Cẩm Mỹ mong tỉnh sớm làm xong các thủ tục để thành lập KCN Xuân Quế - Sông Nhạn; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhà thầu thi công xây dựng hạ tầng 2 KCN để sớm đón các doanh nghiệp (DN) thứ cấp thuê đất sản xuất.

Riêng CCN Long Giao, huyện đã lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng gửi Sở KH-ĐT thẩm định và trình tỉnh phê duyệt theo quy định; làm thủ tục xác nhận hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích theo quy hoạch gửi Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh phương án và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục cho nhà đầu tư hạ tầng và DN đầu tư vào cụm nhằm tạo bước đột phá để phát triển ngành Nông nghiệp.

Về vấn đề nước sạch cho các KCN, CCN trên địa bàn huyện, hiện tại đã có 3 đơn vị đăng ký triển khai dự án, trong đó, có 1 dự án đăng ký đầu tư lấy nguồn nước từ hồ Cầu Mới và 2 dự án đăng ký đầu tư lấy nguồn từ sông Đồng Nai. Huyện đã trình Sở KH-ĐT thẩm định hồ sơ năng lực.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh (TT.Long Giao) chia sẻ, hiện 2 nhà máy sơ chế hạt điều xuất khẩu của công ty đang phải hoạt động trong khu dân cư vì CCN Long Giao chưa hình thành. Ông Huy mong CCN chế biến nông sản Long Giao sớm được xây dựng và đi vào hoạt động để các DN chế biến nông sản có điều kiện liên kết, thuận tiện trong tổ chức các hoạt động kết nối giao thương và đối tác nước ngoài cũng dễ tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc vào CCN cũng thuận lợi hơn cho DN trong mở rộng quy mô và đáp ứng các tiêu chí về môi trường.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều