Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đi mới cho vùng đất phèn

09:05, 12/05/2021

Huyện Nhơn Trạch có hơn 1 ngàn ha đất trồng mía, chủ yếu ở các xã Phước Khánh, Phú Đông, Phú Hữu. Khoảng 5 năm trở lại đây, người trồng mía gặp nhiều khó khăn do giá thấp, đầu ra bấp bênh, vận chuyển đường kênh không thuận lợi, diện tích đất nhiễm phèn và mặn tăng.

Huyện Nhơn Trạch có hơn 1 ngàn ha đất trồng mía, chủ yếu ở các xã Phước Khánh, Phú Đông, Phú Hữu. Khoảng 5 năm trở lại đây, người trồng mía gặp nhiều khó khăn do giá thấp, đầu ra bấp bênh, vận chuyển đường kênh không thuận lợi, diện tích đất nhiễm phèn và mặn tăng.

Công nhân dán tem chuối vàng trồng tại xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc
Công nhân dán tem chuối vàng trồng tại xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc

Trước thực tế đó, H.NHơn Trạch cho triển khai dự án Chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn trái tại xã Phước Khánh. Dự án bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho vùng đất nhiễm phèn.

* “Hoa nở” trên đất phèn

Bao năm qua, người dân xã Phước Khánh gắn bó với cây mía không phải vì hiệu quả kinh tế mà bởi cây mía thích nghi được với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đất phèn. Vài năm trở lại đây, giá mía xuống thấp, việc bán mía cho nhà máy đường bấp bênh, cùng với việc thuê nhân công lao động giá cao khiến lợi nhuận từ cây mía giảm, nhiều người bỏ hoang đất. Thực hiện dự án của huyện, một số hộ gia đình đã bỏ mía trồng chuối, mít, dừa, mãng cầu.

Huyện Nhơn Trạch là vùng đất trồng mía đường lớn của tỉnh. Cây mía năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp, nhưng người nông dân vẫn trồng bởi không tìm ra loại cây trồng hiệu quả trên đất nhiễm phèn và mặn. Năm 2019, huyện cho triển khai dự án Chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn trái tại xã Phước Khánh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho người nông dân. Dự án được đánh giá đạt kết quả tốt và sẽ được nhân rộng. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình còn nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết như: đầu ra, nguồn nước tưới khi sông bị nhiễm mặn, đường giao thông…

Ông Tô Thanh Hiền (ấp 2, xã Phước Khánh) gắn bó với nghề làm mía đã hơn 20 năm. Năm 2019, thông qua Hội Nông dân xã, ông “bắt tay” với Công ty TNHH thương mại Hưng Thịnh Phát (TP.HCM) trồng chuối già Nam Mỹ. Cả 2 cùng bỏ vốn đầu tư theo hình thức 50-50. Ngoài ra, công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn quy trình xử lý đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc, xịt thuốc khi cây chuối nhiễm bệnh, đóng gói khi thu hoạch. Công ty ký hợp đồng bao tiêu đầu ra giá 6 ngàn đồng/kg, lợi nhuận chia đôi.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn chuối rộng 9ha, ông Hiền cho biết thời điểm hiện tại đã thu được 130 tấn chuối, còn khoảng 150 tấn đang và sắp thu hoạch. Nhờ bao bọc kỹ, lượng chuối phải bỏ do đốm, nám không đáng kể. Ông Hiền ước lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/ha/vụ. “Bao năm bán mía cầm tiền chưa nóng tay thì đại lý phân bón, vận tải, nhân công đến đòi nợ. Nay mặc dù chưa cầm tiền chuối nhưng nhẩm tính lòng thấy vui. Không có công ty cùng đầu tư vốn, bao tiêu đầu ra chắc tôi cũng đang vật lộn với cây mía” - ông Hiền chia sẻ.

Ông Bùi Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Khánh cũng là người tiên phong chuyển đổi 1ha đất mía sang trồng chuối. Nhờ nắm vững quy trình cải tạo đất, biết chọn mua giống, phân, thuốc đúng chỗ và sử dụng đúng liều lượng nên vườn chuối của gia đình ông phát triển tốt. Còn khoảng vài tuần nữa vườn chuối này được thu hoạch, trọng lượng khoảng 22-25kg/quầy, năng suất ước đạt 35 tấn/ha.

“Cây chuối này hay ở chỗ mình trồng 1 cây thu được 3 lần. Nếu vụ đầu tiên năng suất là 30 tấn/ha thì vụ thứ 2 năng suất sẽ đạt gấp đôi, vụ thứ 3 năng suất giảm nhưng vẫn bằng khoảng 1,5 lần vụ đầu. Sau 3 vụ thu hoạch đào gốc trồng lại lứa mới. Tôi đang hy vọng cây chuối sẽ đem lại hướng đi mới cho gia đình và các hộ nông dân của xã” - ông Trung chia sẻ.

* Tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất mía

Dự án Chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn trái tại xã Phước Khánh được triển khai từ năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, xã Phước Khánh đã chuyển đổi được 13ha chuối, 13ha dừa, 3ha mãng cầu, mít thái siêu sớm khoảng 5ha. Các loại cây mãng cầu, mít, dừa đang trong giai đoạn sinh trưởng, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay và các năm tới. Riêng cây chuối đã cho thu hoạch, với năng suất trung bình từ 30-35 tấn/ha/vụ, lợi nhuận ước hơn 100 triệu đồng/ha/năm (2 năm 3 vụ).

Dự án hiện đã nghiệm thu, đánh giá có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giúp người trồng mía vươn lên làm giàu. H.Nhơn Trạch cho biết sẽ triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới, nhưng chưa thể chuyển đổi đại trà bởi chất đất ở khu vực trồng mía không giống nhau, khu vực nhiễm mặn và nhiễm phèn nhiều rất khó trồng cây ăn trái. Một số khu vực chưa chủ động được nước tưới. Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề lớn cần quan tâm. Huyện khuyến khích và hướng dẫn các địa phương kết nối doanh nghiệp với người nông dân theo hình thức cùng đầu tư cải tạo đất, trồng cây và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Đại diện hộ trồng mãng cầu trên địa bàn xã Phước Khánh cho rằng, thời điểm thực hiện chuyển đổi cây trồng, ông đã nhờ người nghiên cứu chất đất tốt, phù hợp trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, do hệ thống nước chưa đảm bảo, từ khoảng tháng 1-4, nước kênh bị nhiễm mặn làm cây trồng suy kiệt, chậm phát triển, rụng hoa, thậm chí chết cây. Do đó, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu và thí điểm loại cây trồng để thay thế cây mía, về lâu dài phải đầu tư hệ thống nước thủy lợi và đảm bảo đủ nguồn nước cho vùng trồng cây.

Một vấn đề đặt ra ở vùng trồng mía của H.Nhơn Trạch là đường giao thông. Hiện việc vận chuyển nông sản ở đây phải sử dụng ghe, thuyền thông qua hệ thống ngăn đê giữ nước của đập Ông Kèo. Quá trình vận chuyển mất nhiều thời gian, tốn nhiều công và chi phí nên giá mía bị hạ. Nếu vận chuyển trái cây tươi như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến mẫu mã, chất lượng.

“Mía chặt xong có thể để vài ngày mới chở đi nhưng trái cây thu xong mà rạch cạn nước, thuyền, ghe không vào chở được chỉ có nước đổ bỏ. Phải có cầu, có đường, có điện mới có nhà đầu tư chịu hợp tác lâu dài với nông dân”- ông Tô Thanh Hiền, chủ trang trại chuối 9ha chia sẻ. 

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều