Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở cửa đón 'sóng' đầu tư

10:03, 10/03/2021

Huyện Thống Nhất được xem là nơi hội tụ các đầu mối giao thông huyết mạch của tỉnh và quốc gia. Với tiềm năng và lợi thế này, H.Thống Nhất đang tận dụng, quy hoạch những dự án có quy mô lớn để mời gọi các nhà đầu tư.

Huyện Thống Nhất được xem là nơi hội tụ các đầu mối giao thông huyết mạch của tỉnh và quốc gia. Với tiềm năng và lợi thế này, H.Thống Nhất đang tận dụng, quy hoạch những dự án có quy mô lớn để mời gọi các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền (bìa trái) trực tiếp thị sát các điểm quy hoạch trên địa bàn huyện. Ảnh: N.Liên
Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền (bìa trái) trực tiếp thị sát các điểm quy hoạch trên địa bàn huyện. Ảnh: N.Liên

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 12 dự án mời gọi các nhà đầu tư tham gia giai đoạn 2021-2030. Các dự án này thuộc 3 nhóm: khu dân cư, nhóm các dự án về thương mại - dịch vụ và nhóm dự án y tế - giáo dục.

* Phát huy lợi thế về giao thông

Với vị trí nằm ngay cửa ngõ các tuyến giao thông trọng yếu như: quốc lộ 1, quốc lộ 20, đường sắt Bắc - Nam; các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết… cùng các tuyến đường tỉnh, huyện trọng yếu như: tỉnh lộ 769, 762… Các tuyến đường này kết nối H.Thống Nhất với các trung tâm kinh tế lớn trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Nam Tây nguyên, đặc biệt là khoảng cách rất gần với sân bay quốc tế Long Thành sẽ là động lực để Thống Nhất “hút” nhà đầu tư. Do đó, quá trình phân chia các vùng phát triển trên địa bàn huyện được dựa trên các đường giao thông chính, lấy TT.Dầu Giây là hạt nhân trung tâm.

Theo quy hoạch xây dựng vùng H.Thống Nhất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, H.Thống Nhất có khá nhiều khu vực có tiềm năng phát triển mạnh và mang tính chiến lược. Cụ thể, tại các khu vực có giao lộ của các tuyến giao thông chính như: đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, quốc lộ 1, quốc lộ 20... được huyện quy hoạch các khu dân cư cao cấp, khu dịch vụ thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với quy mô lớn.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2015-2020, H.Thống Nhất đã chủ động kêu gọi thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ổn định và bền vững, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - xây dựng tăng bình quân gần 28%; ngành Thương mại - dịch vụ tăng trên 19,3%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 45,9 triệu đồng vào năm 2015 lên 68,4 triệu đồng vào năm 2020.

Bên cạnh đó, khu vực phía Nam của huyện với trục liên kết chính là tỉnh lộ 769 với rất nhiều tiềm năng phát triển khu đô thị dịch vụ, thương mại, bởi khu vực này hiện đã có Khu công nghiệp (KCN) Dầu Giây đang hoạt động hiệu quả. Hiện nay, KCN Dầu Giây đã có 21 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất với tổng diện tích hơn 178ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 81%. Trong số 21 doanh nghiệp thuê đất đã có 15 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. KCN Dầu Giây vẫn đang có các doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà xưởng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng. Dự kiến, thời gian tới, khi một số nhà máy sản xuất đi vào hoạt động, KCN Dầu Giây sẽ thu hút hàng chục ngàn lao động, tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển.

Với tiềm năng tốt, Công ty CP KCN Dầu Giây đang đề xuất mở rộng KCN Dầu Giây thêm khoảng 75ha, nâng diện tích cho KCN Dầu Giây lên gần 330ha. Đối với các khu vực phía Tây Bắc và phía Bắc của huyện cũng được quy hoạch các dự án với trục liên kết chính là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và quốc lộ 20.

Bên cạnh những tuyến đường hiện hữu hoặc đã quy hoạch chuẩn bị thực hiện, trên địa bàn H.Thống Nhất còn có những tuyến đường lớn được quy hoạch mở mới, nhằm kết nối các địa phương lân cận đến khu vực sân bay quốc tế Long Thành cũng như giảm tải cho các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn với tổng vốn đầu tư dự kiến hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình như tuyến đường tỉnh 770B với chiều dài khoảng 53km, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, nối các huyện, thành phố: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Long Khánh đến sân bay Long Thành; đường  tỉnh 773B, chiều dài hơn 51km, tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng, bắt đầu từ đường song hành quốc lộ 20 thuộc H.Thống Nhất đến đường tỉnh 764 thuộc H.Cẩm Mỹ… Hay như tuyến đường tỉnh 780B từ quốc lộ 1A (H.Trảng Bom) đến đường Sông Nhạn - Dầu Giây (H.Cẩm Mỹ), kết nối quốc lộ 1A qua các huyện Trảng Bom, Thống Nhất đến khu vực sân bay Long Thành…

* Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ

12 dự án đang mời gọi các nhà đầu tư tham gia giai đoạn 2021-2030 của H.Thống Nhất đều có mục tiêu hướng đến phát triển mạnh trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ với các khu dân cư cao cấp, nhà ở, du lịch sinh thái, thể thao, y tế, giáo dục… Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng TN-MT H.Thống Nhất cho biết, huyện đang thực hiện công tác quy hoạch vùng với tầm nhìn tổng thể đến năm 2050, quy hoạch này dự kiến sẽ hoàn chỉnh cuối quý I-2021. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng với quy hoạch chung của 9 xã, thị trấn dựa trên nền tảng của quy hoạch vùng và quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2030. Đối với các dự án đã quy hoạch, khi các doanh nghiệp muốn đầu tư sẽ quyết định thông qua việc đấu giá và dựa trên nền tảng mặt bằng giá chung của tỉnh đưa ra.

Ông Dương Minh Tiến, Giám đốc đầu tư khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ của Tập đoàn FLC nhận định, Thống Nhất có nhiều điểm quy hoạch phù hợp với nhu cầu đầu tư của FLC. Hiện nay, mục tiêu của FLC đang hướng tới là những dự án du lịch, nghỉ dưỡng đạt chuẩn 5 và 6 sao. Do đó, nếu có được sự hợp tác, hỗ trợ của các địa phương, Tập đoàn FLC hoàn toàn có thể triển khai các dự án một cách thuận lợi và nhanh nhất. Ngoài ra, FLC còn mong muốn có những khu quy hoạch rộng hơn, có thể đáp ứng công năng hoạt động của một quần thể du lịch với các mô hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí như những địa điểm mà FLC đã thực hiện tại các địa phương khác trong cả nước.

Theo Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền, 12 dự án trên địa bàn huyện dự kiến mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2030 đã được cập nhật quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, một số dự án được đánh giá sẽ tạo đột phá cho địa phương như dự án Khu thương mại dịch vụ ven hồ Trị An trên địa bàn xã Gia Tân 1.

Dự án này có diện tích quy hoạch khoảng 250ha, đã được cập nhật vào quy hoạch sử dụng thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Về địa hình khu thương mại quy hoạch nằm ven hồ Trị An, có chiều dài khoảng 10km. Để thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương, huyện đã quy hoạch các tuyến đường nối từ quốc lộ 20 vào khu vực ven hồ Trị An. Ngoài ra, dự án này cũng có vị trí cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 15km.

Các dự án tiềm năng khác như: dự án Khu dân cư, thương mại dịch vụ hồ Gia Đức trên địa bàn xã Bàu Hàm 2, có diện tích khoảng 280ha; dự án Khu dân cư cao cấp Gia Tân 1 với các dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, siêu thị…vừa bảo đảm phát triển đô thị, vừa phục vụ du khách hành hương tham quan tại Khu mục vụ Núi Cúi; dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ hồ Gia Đức… và dự án về lĩnh vực giáo dục chất lượng cao; trung tâm y tế chất lượng cao… cũng được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho H.Thống Nhất.

Chia sẻ về những kỳ vọng để H.Thống Nhất phát triển trong thời gian tới, ông Hiền nhấn mạnh Thống Nhất đang có nhiều quỹ đất dành cho thương mại dịch vụ vừa có thể thúc đẩy kinh tế địa phương, vừa là cơ hội tạo nên một đô thị cửa ngõ Đồng Nai có sự phát triển mạnh với các loại hình dịch vụ, thương mại cao cấp.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích