Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngọt thơm đặc sản thủ công

04:03, 19/03/2020

Huyện Vĩnh Cửu là nơi nổi tiếng có nhiều nghề truyền thống, những sản phẩm làm ra từng được được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích như: bánh tráng, bánh tét, đường mía nấu thủ công, rượu bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, trà bưởi, chè bưởi...

Huyện Vĩnh Cửu là nơi nổi tiếng có nhiều nghề truyền thống, những sản phẩm làm ra từng được được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích như: bánh tráng, bánh tét, đường mía nấu thủ công, rượu bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, trà bưởi, chè bưởi... Trải qua nhiều thập niên, nghề truyền thống gặp không ít thăng trầm.

Đặc sản bánh tráng ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Giang
Đặc sản bánh tráng ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Giang

Theo người dân địa phương, 4 nghề truyền thống ở H.Vĩnh Cửu được nhiều người biết đến là nghề làm bánh tráng, đường, rượu bưởi và nem bưởi. Không chỉ khách trong nước mà ngay cả khách nước ngoài khi được thưởng thức những sản phẩm trên cũng trầm trồ không dứt.

* Đặc sắc sản phẩm thủ công truyền thống

Vùng đất Vĩnh Cửu được thiên nhiên ưu đãi nên đã trồng được nhiều loại nông sản, trái cây có chất lượng khá ngon như: lúa, mía, bưởi... Bằng bàn tay khéo léo, nhiều người dân nơi đây đã biết chế biến những nông sản, trái cây trên thành những đặc sản nổi tiếng trong vùng là bánh tráng, rượu bưởi, nem bưởi, đường. Để làm ra những sản phẩm truyền thống, người dân Vĩnh Cửu đã tự nghiên cứu, trải qua nhiều công đoạn khác nhau.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, du lịch là một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế của Đồng Nai trong những năm tới. Bên cạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái rừng, sông, hồ, thác, tỉnh sẽ chú ý phát triển sản phẩm du lịch. Đồng Nai có nhiều sản phẩm đặc sắc từ các làng nghề, nghề truyền thống có thể làm sản phẩm du lịch. Vì thế, lưu giữ và phát triển nghề truyền thống ở H.Vĩnh Cửu sẽ góp phần làm đa dạng hơn sản phẩm du lịch của Đồng Nai trong tương lai.

Cụ thể, nghề làm bánh tráng ở xã Thạnh Phú, có hơn 100 năm. Đến nay, nhiều người dân Đồng Nai, TP.HCM vẫn còn tìm về đặt hàng nhưng lượng cung không đủ cầu, vì những người trẻ ít theo nghề nên số lượng làm ra ít. Muốn có được mẻ bánh tráng ngon, những người thợ ở đây phải kỹ càng từ khâu chọn gạo, phải là loại gạo ngon trồng dài ngày. Gạo đưa vào làm bánh phải ngâm nước vừa đủ độ, đủ số lượng để xay bột và đổ bánh lúc sáng sớm, sau đó đem phơi nắng sớm còn sương mai để bánh thơm, dẻo và có được hương vị riêng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, ở xã Thạnh Phú chia sẻ: “Nghề làm bánh tráng truyền thống rất cực, phải thức khuya dậy sớm, lợi nhuận không cao nên chỉ còn rải rác vài hộ làm. Ngày xưa, khi vùng này công nghiệp chưa phát triển, trong xã có đến hơn 20 hộ làm bánh tráng cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP.HCM”. Hiện nay, muốn thưởng thức bánh tráng Thạnh Phú phải đặt hàng trước 1-2 tuần mới có.

Xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) từng nổi tiếng với nghề nấu đường mía theo kiểu thủ công. Vào thời hoàng kim, Bình Lợi có đến 30 lò nấu đường, nhưng sau này trồng mía, nấu đường lợi nhuận chỉ bằng 1/5 so với trồng bưởi nên nhiều cơ sở đã ngưng hoạt động, nguồn cung hạn chế hơn, song vẫn duy trì được một lượng khách hàng chuộng mùi vị thơm ngọt đặc trưng của đường mía nấu thủ công.

Ông Lê Văn Mười, ở xã Bình Lợi, cho hay: “Gia đình tôi từng có gần một thế kỷ làm lò đường. Đường được làm từ loại mía tươi vừa đủ độ ngọt và không pha thêm chất phụ gia nên miếng đường ra lò vàng thẫm, ngọt thanh vị của mía dùng để nấu chè, làm bánh và các món ăn khác rất ngon”.

* Giữ gìn và phát triển đúng hướng

Ngoài bánh tráng và đường mía thủ công, H.Vĩnh Cửu còn có nghề làm rượu bưởi, nem bưởi đã tồn tại khoảng 2 thập niên và được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện nay, nghề này đang được mở rộng dần và sản phẩm rượu bưởi đã xuất ngoại được thông qua một số cơ sở ở TP.HCM. Đồng thời, người dân làm nghề truyền thống cũng nghiên cứu đưa ra thị trường thêm những sản phẩm mới như: trà bưởi có công dụng tăng sức khỏe và chữa trị một số bệnh, tinh dầu bưởi dùng làm đẹp, diệt khuẩn...

Ông Nguyễn Thanh Nhân, ở ấp Bình Chánh, xã Tân An, nói: “Mỗi tháng cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường khoảng 1 ngàn lít rượu bưởi. Một số đại lý nhập hàng của tôi về và đưa ra nước ngoài. Tôi đang đầu tư thêm nhà xưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, dự kiến sẽ tăng lên 4-5 ngàn lít/tháng”. Ngoài sản xuất rượu bưởi, cơ sở của ông Nhân còn làm thêm tinh dầu bưởi nguyên chất để cung ứng cho thị trường.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước đánh giá, trên địa bàn huyện có nhiều nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đặc sắc có thể gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn, rừng, hồ. Tuy nhiên, có một số nghề là làm đường, bánh tráng do vất vả lại đòi hỏi nhiều công lao động và tiền công lại thấp nên nhiều người đã chuyển nghề. Hiện hai nghề trên chỉ còn lại một số ít cơ sở còn hoạt động. Thế nhưng, nghề làm rượu bưởi, tinh dầu bưởi gần đây lại tương đối phát triển và được nhiều du khách khi đến H.Vĩnh Cửu tham quan thưởng thức và mua về làm quà.

“Huyện đã phối hợp với Sở KH-CN để hỗ trợ các cơ sở nghề truyền thống về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tới đây, khi du lịch trên địa bàn H.Vĩnh Cửu phát triển thì những sản phẩm truyền thống trên sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú thêm du lịch của huyện, tỉnh” - ông Phước nói.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích