Báo Đồng Nai điện tử
En

'Đất lành' cho ngành bán lẻ

10:03, 19/03/2020

Với lượng dân cư đông, sinh sống tập trung, TP.Biên Hòa được xem là mảnh đất màu mỡ của ngành bán lẻ. 2 năm trở lại đây, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố tăng nhanh.

Với lượng dân cư đông, sinh sống tập trung, TP.Biên Hòa được xem là mảnh đất màu mỡ của ngành bán lẻ. 2 năm trở lại đây, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố tăng nhanh.

Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai
Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Tính đến cuối tháng 2-2020, TP.Biên Hòa có hơn 100 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam như: Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động... đều có hệ thống cửa hàng tại TP.Biên Hòa.

* Phát triển nhiều kênh bán lẻ hiện đại

Sự phát triển nhanh của ngành bán lẻ thông qua hệ thống cửa hàng tiện lợi đã giúp người tiêu dùng có thêm kênh mua sắm mới và thuận tiện; giúp nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Thời gian gần đây, các kênh bán lẻ hiện đại như: cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini phát triển nhanh ở TP.Biên Hòa. Không chỉ trên các tuyến đường chính, cửa hàng tiện lợi còn “mọc” lên ngày càng nhiều trong khu dân cư, chợ truyền thống, bệnh viện, trường học...

Mới “đổ bộ” về Đồng Nai khoảng 2 năm nay, nhưng số lượng cửa hàng của hệ thống Bách hóa Xanh (Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động) đã phát triển đến 73 cửa hàng tại Đồng Nai, trong đó, khoảng 80% ở TP.Biên Hòa.

Theo ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng của chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh, Đồng Nai là thị trường lớn và có nhiều tiềm năng để phát triển kênh bán lẻ. Đó là dân số đông và trẻ, sinh sống tập trung ở các vùng phát triển mạnh công nghiệp. Do đó, Bách hóa Xanh sẽ tiếp tục đầu tư cửa hàng tại TP.Biên Hòa cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh. Cũng theo ông Phong, lợi thế của chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách hóa Xanh là giá cả phân khúc người dùng trung cấp và bình dân, các mặt hàng tươi sống và có nguồn gốc rõ ràng, cửa hàng đặt ở vị trí tiện lợi.

Tương tự Bách hóa Xanh, hơn 1 năm trở lại đây, chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart và VinMart+ (Tập đoàn Masan Group) cũng phát triển nhanh chóng tại TP.Biên Hòa. Theo chia sẻ của đại diện thương hiệu, VinMart và VinMart+ hướng đến khu vực đông dân cư, giao thông thuận lợi và sản phẩm đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, điện máy gia dụng cho tới các mặt hàng cao cấp hơn. Các cửa hàng có chính sách hậu mãi và tri ân khách hàng thông qua hình thức tích điểm thẻ cho mỗi lần mua sắm, giảm giá cho thành viên. Hiện tại VinMart+ dẫn đầu với 74 cửa hàng tại Đồng Nai, trong đó, hơn 70% ở TP.Biên Hòa.

Không chỉ các “đại gia” trong ngành, nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm cũng đang khai thác kênh bán hàng nhiều tiềm năng này ở thành phố 1,2 triệu dân. Ông Nguyễn Trọng Trí, Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, từ năm 2017 công ty đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đưa thực phẩm vào hệ thống cửa hàng tiện lợi và mở cửa hàng thực phẩm riêng cho công ty tại Đồng Nai. Hiện công ty đã liên kết và mở được hơn 40 điểm bán các sản phẩm như: thịt tươi, thực phẩm chế biến, trứng gà... đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

* Tiện lợi cho người dùng

Đánh vào tâm lý và thói quen mua sắm của các bà nội trợ hiện nay là cùng lúc mua nhiều món hàng, hàng hóa bày bán đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phục vụ tận tình, nhanh và tiện lợi, thời gian mở cửa kéo dài và địa điểm thuận tiện, nhiều doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi tại các khu dân cư. Sự phát triển của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng.

Bà Nguyễn Thị Len, KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho rằng, cửa hàng tiện lợi có ưu điểm là có nhiều hàng hóa, giá cả phải chăng, phục vụ tận tình không mất tiền gửi xe lại được tự do lựa chọn các loại thực phẩm từ tươi sống, sơ chế, cho đến chế biến sẵn; hàng hóa có tem nhãn, có hạn sử dụng nên cũng yên tâm hơn. Bên cạnh đó, việc không phải mặc cả giá, được giảm giá cho thành viên, được giao hàng tận nhà khi mua số lượng nhiều là những lý do để bà thay đổi thói quen mua hàng ở chợ sang cửa hàng tiện lợi.

Việc phát triển các cửa hàng tiện lợi bên cạnh chợ truyền thống ở nơi có đông dân cư như TP.Biên Hòa ngoài việc giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn kênh mua sắm, còn góp phần giúp người nông dân, doanh nghiệp có đầu ra ổn định thông qua hợp tác tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi giá khi xảy ra dịch bệnh, khan hiếm nguồn cung.

Chị Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh) cho rằng, trước đây các sản phẩm tươi như: khổ qua nhồi thịt, nhồi cá, đọt khổ qua rừng chị thường bỏ mối lẻ cho các điểm bán ở các thành phố như: Long Khánh, Biên Hòa, TP.HCM, nhưng hiện tại công ty đã ký hợp tác với 5 đối tác ở TP.HCM, Đồng Nai đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. “Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác trên toàn quốc để đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch và cả các siêu thị lớn” - chị Vân chia sẻ.

Theo Sở Công thương, tính đến cuối tháng 2-2020 trên địa bàn Đồng Nai đã phát triển được 157 cửa hàng tiện lợi với đầy đủ các mặt hàng, trong đó, Bách hóa Xanh có 73 cửa hàng, VinMart+ có 74 cửa hàng. Khoảng 70-80% cửa hàng tiện lợi tập trung tại TP.Biên Hòa.

Việc phát triển các cửa hàng tiện lợi tại TP.Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung không chỉ giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong mua sắm, hình thành thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ mà thông qua mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản còn giúp nhiều nông dân, doanh nghiệp có đầu ra bền vững, giá cả ổn định, hạn chế được tình trạng ép giá nông sản.

Ban Mai

Tin xem nhiều