Báo Đồng Nai điện tử
En

Săn chuột cứu đồng

04:02, 20/02/2020

Bà con nông dân trồng lúa ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đang ra quân thực hiện phong trào diệt chuột để bảo vệ năng suất cho gần 100 hécta cây lúa trong vụ đông - xuân năm nay.

Bà con nông dân trồng lúa ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đang ra quân thực hiện phong trào diệt chuột để bảo vệ năng suất cho gần 100 hécta cây lúa trong vụ đông - xuân năm nay.

Máy cấy lúa, giải pháp góp phần giảm nhân công lao động và hạn chế chuột phá hoại. Ảnh:N.Liên
Máy cấy lúa, giải pháp góp phần giảm nhân công lao động và hạn chế chuột phá hoại. Ảnh:N.Liên

Thời điểm này, lúa trên đồng đến thời kỳ làm đòng (ra bông lúa non bên trong thân cây) nên chuột đồng hoành hành rất mạnh, nhiều diện tích lúa bị mất trắng do chuột đồng phá lúa. Tình trạng này kéo dài từ vụ đông - xuân năm 2018-2019 đến nay.

* Mất mùa vì chuột phá đồng

Cánh đồng lúa Bình Lục (ấp Bình Lục, xã Tân Bình) những ngày này đang bước vào thời kỳ làm đòng. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa cũng đang đứng ngồi không yên vì nạn chuột phá đồng. Theo người dân, tình trạng chuột phá đồng đã gây thiệt hại suốt 3 vụ lúa trong năm 2019. Vụ đông - xuân năm 2018-2019, hơn nửa cánh đồng lúa bị mất trắng do chuột phá hoại khiến người dân bỏ luôn vụ hè - thu kế tiếp và trồng lúa lại vào vụ mùa, song cũng không tránh khỏi sự phá hoại của chuột đồng. Thời điểm đó, hình ảnh chuột chạy từng bầy trên đồng trước mắt nông dân khiến ai cũng bất an.

Bà Trần Thị Phương Chi cho biết, mô hình cấy lúa bằng máy nhằm thực hiện mục tiêu cơ giới hóa khâu xuống giống trong sản xuất lúa, mô hình này hỗ trợ bà con tiết kiệm chi phí, nhân công lao động và hiện đang được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện ủng hộ, có kế hoạch hỗ trợ bà con một phần chi phí gieo cấy lúa.

Ông Lê Thanh Tân, nông dân trồng lúa trên cánh đồng Bình Lục chia sẻ, trung bình mỗi vụ gia đình ông Tân thu về khoảng 3 tấn lúa từ thửa ruộng có diện tích 3 sào. Tuy nhiên, vụ mùa vừa qua gia đình ông Tân chỉ thu về 1/3 số lúa so với những vụ khác, nguyên nhân là đã bị chuột phá hết 2/3 lúa trên đồng. Chỉ tay về những chỗ lúa bị chết vì chuột ăn tạo thành khoảng trống trên thửa ruộng xanh rì ngoài đồng, ông Tân cho biết có khá nhiều khoảng trống như thế trên cánh đồng. “Chuột thường ăn giữa ruộng, vào ngay thời kỳ lúa làm đòng nên những chỗ nào chúng đi ngang qua là vài ngày sau chỗ đó trở thành một khoảng trống, cánh đồng vụ đông - xuân năm ngoái có hơn phân nửa ruộng bị như vậy nên bà con rất mệt mỏi” - ông Tân cho biết thêm.

Là thợ săn chuột đồng nhiều năm trên những cánh đồng địa bàn các xã Bình Hòa, Bình Lợi, Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), ông Lê Chánh Thi (ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa) cho hay, ông đã từng săn chuột trên cánh đồng Bình Lợi cách đây vài tháng bằng phương pháp đặt bẫy thủ công, khoảng nửa tháng đầu chuột nhiều vô số, mỗi đêm ông Thi bắt được từ 18-20 kg chuột. Ông Thi kể lại: “Chỉ cần men theo bờ ruộng là thấy dấu chân chuột thành lối mòn bên dưới, thửa nào cũng có dấu chân của chuột đi qua nên tôi biết cánh đồng này rất nhiều chuột, những dấu tích đó cũng đủ hiểu các vụ lúa của bà con bị thiệt hại nặng trong năm qua, nếu không xử lý hết chuột thì chắc chắn các vụ lúa của bà con còn thiệt hại nhiều hơn”.

* Gìn giữ cánh đồng lúa sạch

Cánh đồng Bình Lục là cánh đồng chuyên canh lúa sạch, sản phẩm gạo sạch Bình Lục tạo ra từ cánh đồng này đã có thương hiệu riêng trên thị trường. Vụ đông - xuân năm nay, một số bà con nông dân đã sử dụng thử nghiệm phương pháp cấy lúa bằng máy cho 10 hécta, với phương pháp này, bà con có thể tiết kiệm được công lao động, đồng thời cũng là một trong những phương pháp hạn chế được sự phá hoại của chuột.

Ông Lê Chánh Thi hướng dẫn nông dân cách đặt bẫy chuột đồng. Ảnh:N.Liên
Ông Lê Chánh Thi hướng dẫn nông dân cách đặt bẫy chuột đồng. Ảnh:N.Liên

Bà Trần Thị Phương Chi, cán bộ nông nghiệp của huyện Vĩnh Cửu cũng là người tiên phong cùng một nông dân khác tự bỏ tiền túi để đầu tư máy cấy lúa cho biết, lúa khi cấy thì hạt được nằm sâu dưới đất nên chuột không thể ăn được, bên cạnh đó, lúa cấy thân cây khá to và chắc hơn lúa sạ, đến thời kỳ lúa làm đòng thì bông lúa non trong thân cây ở trên cao hơn lúa sạ nên chuột không phát hiện ra. Do đó, lúa cấy cũng hạn chế được tình trạng chuột phá đồng. “Giải pháp chính của nông dân vẫn phải diệt chuột để giữ đồng. Chúng tôi đã nhờ người bắt chuột chuyên nghiệp hướng dẫn bà con cách bẫy chuột thủ công. Với biện pháp này, chúng tôi không cần dùng thuốc hay các loại hóa chất nào khác vì như thế sẽ ảnh hưởng đến quy trình sản xuất lúa sạch đã được duy trì nhiều năm qua” - bà Chi chia sẻ.

Ông Bùi Văn Đáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình cho rằng, sau thời gian theo dõi biện pháp bắt chuột bằng bẫy thủ công cho thấy kết quả thiết thực, số lượng chuột giảm, diện tích lúa bị phá hoại không đáng kể. Do đó, xã phát động phong trào diệt chuột cộng đồng, qua đó nhờ người hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết đường đi của chuột và cách đặt bẫy hiệu quả nhất. “Chúng tôi hy vọng phương pháp này sẽ giúp bà con diệt sạch chuột trên đồng, nâng cao năng suất cho cây lúa mà vẫn bảo đảm tiêu chí lúa sạch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả và nhân rộng mô hình bắt chuột thủ công trên các cánh đồng khác” - ông Đáng cho biết thêm.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều