Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng 'ông Táo' lớn nhất Đồng Nai

11:01, 16/01/2020

Xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom được xem là vùng nuôi cá chép lớn nhất ở Đồng Nai. Hai ngày trước Tết ông Táo (23 tháng Chạp) là thời điểm người dân nơi đây tất bật nhất để hút nước, đánh cá. Kẻ bán, người mua, cánh đồng cá như có hội làng.

Xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom được xem là vùng nuôi cá chép lớn nhất ở Đồng Nai. Hai ngày trước Tết ông Táo (23 tháng Chạp) là thời điểm người dân nơi đây tất bật nhất để hút nước, đánh cá. Kẻ bán, người mua, cánh đồng cá như có hội làng.

Người dân chọn mua cá chép cúng Tết ông Táo tại Bến cá Sông Mây. Ảnh: L.An
Người dân chọn mua cá chép cúng Tết ông Táo tại Bến cá Sông Mây. Ảnh: L.An

Năm nay, lứa cá chép không bị dịch, được giá nên người nuôi rất phấn khởi.

* Nhộn nhịp làng cá chép

Từ sáng sớm ngày 21 tháng Chạp, hàng trăm hộ dân nuôi cá ở xã Bắc Sơn đã ra đồng tháo ao, vớt cá. Nhà nuôi nhiều thì vài chục tấn, nhà nuôi ít cũng vài tấn cá chép. Công việc tháo ao, vớt cá cần nhiều người và nhiều thời gian nên có gia đình phải làm trong 2 ngày mới xong.

Những người nuôi cá chép cúng ông Táo ở xã Bắc Sơn cho biết, nghề này có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu, người ta cải tạo vài đám ruộng trũng thấp để nuôi cá, về sau, thấy nuôi cá cho thu nhập hơn hẳn trồng lúa, nhiều hộ dân cải tạo ruộng lúa, đầu tư ao nuôi cá các loại, trong đó có cá chép cúng ông Táo.

Hộ nuôi cá lớn nhất xã là nhà Trường Can (ấp Sông Mây) với diện tích ao nuôi hơn 10 hécta. Ông Trần Văn Can, chủ Cơ sở cá giống Trường Can cho biết, ban đầu cũng nuôi vài sào như nhiều hộ dân, về sau thấy nuôi cá có kinh tế hơn lúa, ông gom đất đầu tư ao thả cá và thành lập cơ sở cá giống bán cho bà con trong vùng. Thông thường từ tháng 1-9 âm lịch, ông thả cá thịt các loại, những tháng cuối năm xuống giống cá chép phục vụ cho thị trường Tết ông Táo. Năm nay, cơ sở nuôi khoảng 30 tấn cá chép bán vào dịp Tết ông Táo và rằm tháng Giêng. Ngoài ra, cơ sở còn bao tiêu đầu ra các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng khoảng 15 tấn cá chép.

“Mỗi năm cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường khoảng
30-45 tấn cá chép trước và sau Tết Nguyên đán. Vì nuôi cá chép lâu năm với số lượng lớn nên từ khi xuống giống tôi đã liên hệ với các mối quen đặt hàng đầu ra. Hiện tại cá chép của tôi đang được bán trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên” - chủ Cơ sở cá giống Trường Can chia sẻ.

Ông Trương Văn Đậu, một hộ nuôi cá chép lâu năm tại ấp Sông Mây chia sẻ, nuôi cá cúng ông Táo vừa có kinh tế vừa góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt là kính trọng ông bà tổ tiên. Vì vậy mỗi năm ông đều nuôi từ 2-3 tấn cá chép bán dịp này. Cũng theo ông Đậu, thức ăn chủ yếu của loài cá này là rong rêu, sinh vật... nên chi phí thấp. Tuy nhiên phải chú ý giữ vệ sinh nguồn nước để cá không bị nhiễm bệnh chết.

Những người nuôi vùng Sông Mây cho rằng, cá chép nơi đây luôn được thị trường ưa chuộng vì có màu đỏ óng, to đều, không có đốm đen. Thông thường, trước lúc thả cá người nuôi đã đặt hàng số lượng với mối quen hoặc các vựa, cơ sở thu mua cá trên địa bàn nên khá yên tâm về đầu ra.

* Làm giàu nhờ cá

Theo những người dân địa phương, nghề nuôi cá nước ngọt đã có ở Bắc Sơn từ vài chục năm trước do những người miền Bắc vào đây lập nghiệp khởi xướng. Tuy nhiên, trước đây, người dân nuôi với quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu tại địa phương là chính. Sau này, nhận thấy tiềm năng từ các thị trường lớn bên ngoài, nhiều hộ nông dân chuyển sang nuôi cá bán thịt, cá giống quy mô lớn và đem lại nguồn thu lớn mỗi năm.

Ông Bá Văn, chủ ao nuôi cá lớn ở ấp Sông Mây cho biết, lúc đầu ông nuôi cá trắm, về sau thuê được thêm hơn 1 hécta ruộng nữa ông chuyển sang nuôi cá giống bán quanh năm cho người nuôi trong vùng ngoài tỉnh. So với nuôi cá thịt, cá giống đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn nhưng bù lại thu nhập cao hơn.

Trước Tết ông Táo 2 ngày, người dân thu hoạch cá ngoài ao đưa về các dèo chờ thương lái đến lấy cá cung cấp ra thị trường
Trước Tết ông Táo 2 ngày, người dân thu hoạch cá ngoài ao đưa về các dèo chờ thương lái đến lấy cá cung cấp ra thị trường. Ảnh: L.An

“Trung bình mỗi tháng cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường 5 tấn cá giống, cao điểm đầu mùa mưa tôi phải đặt hàng thêm ở các hộ nuôi cá giống nhỏ hoặc các vựa cá giống khác để bán. Cá giống ở Sông Mây có chất lượng tốt. Cá được nuôi trong môi trường nước sạch, trước khi bán, cá được đưa vào dèo một thời gian để thích nghi với các môi trường khác nhau nên tỷ lệ hao hụt rất thấp. Nhiều vùng nuôi cá ở Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh), Bà Rịa - Vũng Tàu cũng về đây lấy giống thường xuyên” - ông Văn cho hay.

Ông Nghiêm Xuân Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn cho biết, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom là địa phương nuôi cá nước ngọt lớn nhất tỉnh. Hiện tại xã có hơn 100 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích nuôi hơn 300 hécta, tập trung nhiều tại cánh đồng lúa trước đây và một phần diện tích mặt nước hồ Sông Mây. Các loại cá phổ biến tại địa phương là trắm, chép, trôi, tra, ba sa... Không chỉ nuôi cá, nơi đây còn hình thành các cơ sở cung cấp cá giống, vựa phân phối cá hoạt động như chợ đầu mối chuyên về cá nước ngọt.

“Xã Bắc Sơn có lợi thế là hồ Sông Mây có nước quanh năm. Thay vì làm lúa mỗi năm 2 vụ năng suất thấp, người dân chuyển sang nuôi một lứa cá thịt xen một lứa cá dịp Tết ông Táo hoặc nuôi cá giống đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần” - ông Huyền chia sẻ.

Ông Nguyễn Trường Sơn, chủ Bến cá Sông Mây, vựa cá trung chuyển cá lớn nhất xã Bắc Sơn cho biết, các vựa cá ở đây hoạt động nhộn nhịp quanh năm nhưng sôi động nhất là hai ngày trước Tết ông Táo, 3 ngày trước Tết Nguyên đán. Nhiều xe lớn từ khắp mọi nơi dồn về đây đổ cá, lấy cá đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Cũng theo chia sẻ của chủ vựa, giá cá cúng Tết ông Táo những ngày qua vẫn ổn định như mọi năm, không có sự biến động nhiều. Riêng thị trường cá thịt, gần 2 tháng qua nhích nhẹ do giá thịt heo tăng, nhiều người chuyển sang ăn cá.

Năm nay, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) có gần 100 hộ gia đình nuôi cá chép cung cấp cho thị trường dịp Tết ông Táo và phóng sinh đầu năm với sản lượng hơn 100 tấn. Cá chép ở địa phương có ưu điểm vượt trội so với cá từ các nơi khác như: cá khỏe, màu đỏ óng, vây dài, kích thước đồng đều… nên được ưa chuộng. Năm nay giá cá chép bán sỉ tại địa phương dao động 55-60 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi cá cúng ông Táo lời khoảng 25-30 triệu đồng mỗi tấn cá. Cá hiện được tiêu thụ tại địa phương, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên.

Lê An

Tin xem nhiều