Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng bè 'lỡ hẹn' mùa cá Tết

04:12, 19/12/2019

Năm nay, nhiều hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, thuộc khu vực xã Phú Ngọc và La Ngà (huyện Định Quán) bị lỡ vụ cá Tết do đến nay vẫn chưa thể nuôi cá trở lại vì vốn liếng đã cạn từ sự cố cá chết hàng loạt vào tháng 5-2019.

Năm nay, nhiều hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, thuộc khu vực xã Phú Ngọc và La Ngà (huyện Định Quán) bị lỡ vụ cá Tết do đến nay vẫn chưa thể nuôi cá trở lại vì vốn liếng đã cạn từ sự cố cá chết hàng loạt vào tháng 5-2019.

Các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, đoạn  dưới chân cầu La Ngà. Ảnh: M.QUÂN
Các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, đoạn dưới chân cầu La Ngà. Ảnh: M.QUÂN

Một số hộ tái nuôi với lượng cá chỉ bằng một nửa những năm trước. Nhiều hộ chuyển từ nuôi cá lăng sang một số loại cá có giá trị kinh tế thấp như: cá vồ đém (cá da trơn giống cá tra), cá trắm, cá diêu hồng... Trong khi đó, giá cá từ sau khi xảy ra thiên tai liên tục tăng, lượng cá cũng không nhiều như năm trước.

* “Treo bè” vì hết vốn

Nửa năm nay, gia đình anh Nguyễn Thành Nam (ngụ làng bè xã Phú Ngọc) dù vẫn sinh sống trên bè nhưng không nuôi cá mà bán gas, nước uống cho các hộ tại làng bè, công việc này trước đây vốn chỉ là nguồn thu nhập thêm của gia đình thì nay trở thành nguồn thu chính. Anh Nam cho biết, đợt cá chết tháng 5-2019 khiến anh mất trắng 7 tấn cá lăng và 2 tấn cá diêu hồng, thiệt hại trên 700 triệu đồng. Sau đợt cá chết, gia đình anh lâm vào cảnh nợ nần vì tiền giống và thức ăn đều ứng trước từ các đại lý và trả sau khi thu hoạch cá. Tuy nhiên, do cá chết đột ngột không kịp trở tay, sau đó các đại lý không cho nợ tiền thức ăn nên anh Nam đành gác lưới, đổi nghề tạm thời để chờ cơ hội.

Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, hằng năm, ngay từ thời điểm bắt đầu mùa mưa, UBND huyện đã có kế hoạch tuyên truyền các quy định, khuyến cáo đến các hộ dân về hoạt động nuôi cá bè trên hồ Trị An. Tuy nhiên, trong năm 2019 vẫn xảy ra 2 vụ cá chết vào tháng 5 và tháng 7-2019. UBND huyện đã rà soát, thống kê, thẩm định hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn huyện và gửi về UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo hướng xử lý. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp chặt chẽ với Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai rà soát, thống kê số hộ nuôi cá bè trong quá trình xây dựng đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An.

Không đến nỗi bỏ bè trống nhưng anh Trương Hòa Sơn, hộ dân nuôi cá bè xã La Ngà cũng không thể khôi phục nuôi các loại cá lăng, cá diêu hồng như trước mà tập trung nuôi cá vồ đém. Theo anh Sơn, nuôi cá vồ đém chỉ là để có việc làm vì bản thân anh không có nghề nào khác; giá trị kinh tế của cá vồ đém không cao, rất ít người ở làng bè nuôi loại cá này. Tuy nhiên, đây là giải pháp của nhiều hộ dân khác từ sau khi xảy ra sự cố cá chết.

Tương tự, bè cá ở xã La Ngà của gia đình bà Trần Thị Hằng trước đây luôn nuôi đủ 4 vèo cá lăng và cá diêu hồng thì nay chỉ nuôi cầm chừng 2 vèo. Bà Hằng cho biết, 2 đợt cá chết trong 2 năm qua (2018-2019) gia đình bà và nhiều hộ dân đều bị thiệt hại nặng về kinh tế nên dù đã vào cuối năm nhưng làng bè khá đìu hiu, không còn cảnh ghe xuồng tấp nập chở cá giống, các loại thức ăn cho cá như trước. Bà Hằng chia sẻ thêm, trong số những hộ bị thiệt hại, chỉ khoảng vài người có điều kiện kinh tế hoặc đi vay mượn bà con mới có khả năng thả cá giống lại như trước. Còn lại phần lớn bà con nuôi cá có giá vốn thấp hoặc không nuôi vì các đại lý không dám cho thiếu nợ.

* Hướng đi bền vững cho làng bè

Theo thống kê của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đến tháng 5-2019, khu vực lòng hồ Trị An thuộc địa bàn huyện Định Quán có 283 hộ nuôi với 395 bè và trên 2,2 ngàn lồng nuôi với thể tích trên 560 ngàn m3. Trong đó, xã Phú Ngọc tập trung nhiều hộ nuôi nhất với 172 hộ, 222 bè và trên 1,5 ngàn lồng. Xã La Ngà có 61 hộ nuôi với 119 bè và 587 lồng. Số hộ nuôi còn lại nằm rải rác tại các xã Ngọc Định, Thanh Sơn và Phú Cường.

Khá nhiều hộ để bè trống vì không còn vốn xuống cá giống. Ảnh: M.QUÂN
Khá nhiều hộ để bè trống vì không còn vốn xuống cá giống. Ảnh: M.QUÂN

Với mong muốn phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An ổn định, trong đó có khu vực nuôi thủy sản lồng bè trên hồ Trị An thuộc khu vực Định Quán, trên cơ sở khai thác, tận dụng tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước hồ Trị An, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An. Đề án nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển du lịch và đáp ứng đa mục tiêu trong việc sử dụng hồ Trị An.

Chia sẻ về đề án, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi cho biết, hiện khu bảo tồn đã hoàn thành dự án và đang xin chủ trương của UBND tỉnh. Nếu dự án được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ nuôi cá bè trên hồ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất khi được bố trí vào vị trí cụ thể. Về lâu dài, khi đề án đi vào ổn định là điều kiện để triển khai việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản của tổ chức, cá nhân theo quy định. Đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An sẽ góp phần để môi trường xã hội vùng dự án được cải thiện, giảm bớt rủi ro so với phát triển lồng bè tự phát như hiện nay.

Hỗ trợ ngư dân làng bè về kỹ thuật canh tác

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Phùng Cẩm Hà cho biết, hiện nay tình trạng nuôi cá bè trên sông La Ngà còn ở dạng tự phát, nhiều khu vực có số lồng bè và cá nuôi trong các lồng, bè quá dày đặc, vượt quá giới hạn cho phép nên dễ dẫn đến rủi ro khi gặp dòng nước không tốt. Chi cục Thủy sản đang chờ các cơ quan chức năng bố trí, sắp xếp lại làng bè theo đề án trình UBND tỉnh. Sau khi quy hoạch làng cá bè trên sông La Ngà được thực hiện xong, Chi cục Thủy sản sẽ đăng ký cho các hộ nuôi. Trên cơ sở đó sẽ có điều kiện triển khai mô hình nuôi cá VietGAP, đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc cũng như cấp các giấy chứng nhận vệ sinh an toàn cho các sản phẩm nuôi trên bè.

Minh Quân

Tin xem nhiều