Báo Đồng Nai điện tử
En

Những vùng chuyên canh mới

04:11, 23/11/2019

Sau 3 năm thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp, huyện Vĩnh Cửu đã hình thành các vùng chuyên canh có chất lượng và năng suất, giá trị kinh tế cao.

Sau 3 năm thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp, huyện Vĩnh Cửu đã hình thành các vùng chuyên canh có chất lượng và năng suất, giá trị kinh tế cao.

 Trồng ổi cho năng suất cao tại ấp 5, xã Vĩnh Tân. Ảnh:M.Quân
Trồng ổi cho năng suất cao tại ấp 5, xã Vĩnh Tân. Ảnh:M.Quân

Thể hiện rõ nét qua hàng ngàn hécta diện tích cây trồng theo hướng phát triển bền vững vùng chuyên canh, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến… Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, các hợp tác xã, tổ hợp tác được hình thành, tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

* Thay thế cây trồng kém hiệu quả

Là những xã có quy mô diện tích chuyển đổi cây trồng khá lớn của huyện Vĩnh Cửu, Mã Đà và Phú Lý đã và đang thay dần giống xoài ba mùa mưa hiệu quả thấp sang giống xoài chất lượng cao hơn như: xoài giống Đài Loan, Úc, xoài cát Hòa Lộc... với quy mô khoảng 305 hécta. Trong đó, 10 hécta được chọn chuyển đổi cây trồng theo mô hình VietGAP. Đây là dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh ghép chuyển đổi nhanh sang giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho xoài ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai”, trong đó có 5 hécta trên địa bàn xã Mã Đà và 5 hécta trên địa bàn xã Phú Lý.

Ông Nguyễn Văn Phích (ngụ ấp 3, xã Mã Đà) là nông dân đang thực hiện chuyển đổi 1 hécta cây trồng từ xoài ba mùa mưa kém chất lượng sang giống xoài Đài Loan xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bằng phương pháp ghép cành. Thay vì phải chặt bỏ giống xoài ba mùa mưa cũ, ông Phích chỉ cưa bỏ cành, chừa lại phần gốc. Gốc xoài ba mùa mưa được ghép với cành của giống xoài Đài Loan xanh. Lớn lên nhờ nguồn cung cấp dinh dưỡng từ gốc của cây xoài ba mùa mưa kém chất lượng nhưng cây xoài ghép phát triển tán, lá rất nhanh.

Xoài Đài Loan được cấy ghép trên gốc của cây xoài 3 mùa mưa trước kia
Xoài Đài Loan được cấy ghép trên gốc của cây xoài 3 mùa mưa trước kia. Ảnh:M.Quân

Theo quy trình sinh trưởng dự kiến sau 18 tháng, số xoài ghép sẽ bắt đầu cho trái, nhưng do được chăm sóc tốt nên chỉ sau 15 tháng, vườn xoài ghép của gia đình ông Phích đã bắt đầu cho ra những trái đầu tiên. Ông Phích hào hứng cho biết: “Phương pháp ghép cành này rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây nên sẽ giảm chi phí cho nông dân khá nhiều. Nếu sử dụng cây giống để trồng thì phải mất 3 năm mới cho thu hoạch. Tôi đang chờ đợt thu hoạch đầu tiên, nếu thành công, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra 3 hécta xoài còn lại của gia đình”.

Không chọn xoài Đài Loan để chuyển đổi vườn cây của mình, ông Nguyễn Đình Long (ngụ ấp 3, xã Mã Đà) đã chọn cây mãng cầu na hoàng hậu để thay cho gần 1 hécta xoài kém chất lượng trước đây. Ông Long bắt đầu trồng na hoàng hậu từ năm 2016, sau 3 năm, cây na bắt đầu cho thu hoạch. Na hoàng hậu có giá trị cao hơn các loại mãng cầu khác, giá bán dao động từ 70-100 ngàn đồng/kg, tùy cân nặng của quả. Năm đầu tiên thu hoạch, trừ các chi phí đầu tư, ông Long thu lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng. Thấy cây na hoàng hậu có tiềm năng, ông Long đang tiếp tục xuống giống thêm 1,2 hécta đất rẫy còn lại, thay thế cho vườn xoài ba mùa mưa trước đây.

* Tăng diện tích cây trồng chất lượng

Ấp 5, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu lâu nay vốn nổi tiếng là vùng trồng rau, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do rau phải mất công chăm sóc nhiều và bị phụ thuộc vào thời tiết nên cuộc sống người dân chưa ổn định, thu nhập bấp bênh. Một số nông dân trong ấp đã chủ động tìm cho mình hướng đi riêng bằng cách chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Ông Vũ Văn Mạnh (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Tân) cho biết, trong quá trình tìm chọn cây trồng để thay thế cho vườn rau củ của gia đình, ông Mạnh đã quyết định chọn cây ổi lê Đài Loan để trồng. 8 tháng sau khi trồng, vườn ổi lê Đài Loan của ông Mạnh đã cho thu hoạch. Với giá dao động từ 8-12 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông Mạnh thu gần 300 triệu đồng từ vườn ổi. Đến nay trên địa bàn ấp 5 và một số ấp của Vĩnh Tân đã có khoảng 20 hộ trồng ổi với tổng diện tích khoảng 15 hécta.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phân vùng tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đã hình thành được vùng chuyên canh cây chủ lực (xoài, bưởi, cam, quýt), tập trung trên địa bàn các xã Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân, Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý, Vĩnh Tân. Sự hình thành mới mẻ này góp phần thực hiện tốt công tác tái cơ cấu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu phân bổ vùng sản xuất, nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng phát triển của địa phương.

Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, thời gian qua, huyện thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các địa phương trên địa bàn huyện. Để tiếp tục đạt những kết quả tốt nhất, ông Phước nhận định, thời gian tới huyện sẽ tăng cường phát triển các loại hình kinh tế hợp tác. Đồng thời tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất...

Theo ông Phước, huyện luôn luôn tích cực tuyên truyền vận động nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP có đầu ra tốt cho sản phẩm, tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Song song đó, huyện tiếp tục tổ chức đánh giá mô hình, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất, nhất là đối với các loại cây trồng chủ lực.

Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 7 mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Cụ thể là: mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây hằng năm sang cây ổi trên địa bàn xã Vĩnh Tân; mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Vĩnh Tân; mô hình ghép cải tạo xoài kém hiệu quả sang xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan, Úc trên địa bàn xã Mã Đà, Phú Lý; mô hình thâm canh bưởi da xanh trên địa bàn xã Bình Lợi; mô hình thâm canh cây có múi (cam, quýt) trên địa bàn xã Hiếu Liêm; mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Thiện Tân, nuôi cá bè đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Mã Đà; mô hình sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Phú Lý, Hiếu Liêm.

Minh Quân

Tin xem nhiều