Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa cây bắp 'xuất ngoại'

04:11, 27/11/2019

Nghề trồng bắp lấy thân cây non làm thức ăn chăn nuôi đã phát triển ở huyện Cẩm Mỹ từ nhiều năm trước. So với trồng bắp lấy hạt, trồng cây bắp làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả kinh tế khá hơn nhờ mật độ trồng dày, thời gian sinh trưởng ngắn, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc và thu hoạch, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu bệnh.

Nghề trồng bắp lấy thân cây non làm thức ăn chăn nuôi đã phát triển ở huyện Cẩm Mỹ từ nhiều năm trước. So với trồng bắp lấy hạt, trồng cây bắp làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả kinh tế khá hơn nhờ mật độ trồng dày, thời gian sinh trưởng ngắn, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc và thu hoạch, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu bệnh.

Nông dân Hồ Tấn Huy (ấp Cọ Dầu 1, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đang tưới bắp trồng bán làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh:H.Lộc
Nông dân Hồ Tấn Huy (ấp Cọ Dầu 1, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đang tưới bắp trồng bán làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh:H.Lộc

Thời gian gần đây, việc xuất khẩu cây bắp thuận lợi càng làm người dân thêm tin tưởng chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích.

* Phong trào trồng bắp bán thân cây non

Để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho các trang trại bò đóng trên địa bàn, từ trước năm 2010, huyện Cẩm Mỹ đã vận động nông dân các xã Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp lấy hạt và hoa màu kém hiệu quả sang trồng bắp bán cây non. Mô hình này đã đem về thu nhập 100 triệu đồng/hécta/năm cho hàng trăm nông dân. 

Để mở rộng đầu ra cho cây bắp, huyện Cẩm Mỹ đang chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu tiếp tục có phương án đầu tư hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho vùng trồng bắp; hỗ trợ các HTX về mặt thủ tục để tăng xuất khẩu bắp; khuyến khích nông dân trồng bắp theo quy trình sạch để đảm bảo an toàn nguồn thức ăn và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trước đây, với 4 hécta đất trồng bắp, gia đình ông Lê Văn Bắc (ấp Cọ Dầu 1, xã Xuân Đông) mỗi năm chỉ trồng được 2-3 vụ. Mỗi vụ sau khi trừ mọi chi phí ông Bắc lời khoảng 10 triệu đồng/hécta. Có vụ thì gia đình ông bị lỗ do thời tiết xấu hoặc mua nhầm giống bắp, phân bón kém chất lượng. Thế nhưng, 7 năm nay, gia đình ông Bắc không còn phải lo lắng năng suất hạt không đạt, trái không đều, bán không được giá nữa vì ông đã chuyển sang trồng bắp bán cây non cho các hợp tác xã (HTX) làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Bắc cho biết, trồng bắp bán cây non chỉ mất khoảng 70-80 ngày là có thể thu hoạch. Thời gian sinh trưởng ngắn nên các chi phí như phân bón, thuốc trừ sâu được tiết giảm. Đặc biệt, gia đình không phải tốn tiền công thu hoạch, tuốt hạt, phơi bắp.

“Từ 2 vụ bắp năng suất hạt không ổn định, nay mỗi năm tôi trồng 3 vụ bắp bán cây và 1 vụ bí đỏ. Chỉ tính riêng bắp, với năng suất 40 tấn cây tươi/hécta, giá bán trung bình 800 đồng/kg, tôi thu gần 400 triệu đồng/năm, lời gấp nhiều lần trồng bắp lấy hạt” - ông Bắc chia sẻ.

Tương tự với gia đình ông Hồ Tấn Huy (ấp Cọ Dầu 1, xã Xuân Đông), nhờ lợi nhuận khá từ 1,5 hécta bắp của gia đình, vài năm trở lại đây, ông còn thuê thêm gần 1 hécta đất để trồng bắp bán.

“Tôi trồng lúa mấy chục năm nhưng năng suất vẫn kém do không chủ động được nguồn nước. Năm trúng mùa tôi lời khoảng 25 triệu đồng, năm thất mùa thì tôi lỗ công chăm. Từ khi chuyển sang trồng bắp bán thân cây non, lợi nhuận thu về gấp 3 lần” - ông Huy phấn khởi nói.

Để đầu ra cây bắp thuận lợi hơn, ông Huy ký hợp đồng với một doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn, đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp tự xuống vườn cắt cây. “Cây bắp có quy trình sinh trưởng và phát triển ngắn (trồng bắp cho bò thịt thì 70 ngày là thu hoạch, bắp cho bò sữa 80-85 ngày), lại được bao tiêu đầu ra nên tôi khá yên tâm. Trường hợp giá bán cây giảm, tôi có thể dễ dàng chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc chuyển từ bắp lấy thân sang bắp lấy hạt” - ông Huy nói.

* Rộng đường xuất khẩu

Vài năm trở lại đây, số lượng đàn gia súc trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ tăng nhanh, việc xuất khẩu cây bắp thuận lợi, cùng với đó, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư đường điện, đường giao thông nội đồng nên vùng trồng bắp ngày càng phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Cẩm Mỹ đã phát triển được hơn 2,2 ngàn hécta.

Ông Trung Vinh Phước, Giám đốc HTX Đông Tây (phải) đang chia sẻ về cây bắp làm thức ăn cho bò sữa là phải đủ 80 ngày trở lên và có hạt non
Ông Trung Vinh Phước, Giám đốc HTX Đông Tây (phải) đang chia sẻ về cây bắp làm thức ăn cho bò sữa là phải đủ 80 ngày trở lên và có hạt non. Ảnh:H.Lộc

Là đơn vị tiên phong chế biến xuất khẩu cây bắp ở huyện Cẩm Mỹ, ông Trung Vinh Phước, Giám đốc HTX Đông Tây cho biết, năm 2013 HTX được thành lập với ngành nghề chính thu mua nông sản. Tuy nhiên, sau một thời gian, địa phương có tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, ông đã nghĩ đến việc đầu tư máy móc chế biến cây bắp bán cho các trang trại chăn nuôi và xuất khẩu. Ông Phước đã bàn với HTX bỏ ra gần 2 tỷ đồng mua dây chuyền băm, xay cây bắp tự động.

Với hơn 2.200 hécta (trồng 3-4 vụ/năm), huyện Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích trồng bắp làm thức ăn cho chăn nuôi lớn nhất tỉnh. Bắp đã trở thành cây trồng chủ lực ngắn ngày đối với nông dân nhiều xã trong huyện. Hiện tại, cây bắp đang được 4 đơn vị thu mua, chế biến cung cấp thức ăn cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện, các tỉnh và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Có máy, ông chủ động thỏa thuận với người trồng bắp ở địa phương để ổn định vùng nguyên liệu, đồng thời trực tiếp đến các trại bò lớn ở trong và ngoài huyện để chào hàng, tìm đầu ra. “Ban đầu, các trang trại cũng e ngại, vì ở đây nguồn nguyên liệu tươi luôn có sẵn. Tuy nhiên, vào mùa khô, cây bắp phát triển chậm, bò thiếu cỏ, các doanh nghiệp chăn nuôi tìm đến đặt vấn đề cung cấp thức ăn” - ông Phước kể.

Khi có đầu ra ổn định, ông Phước hợp đồng với nông dân xuống giống xen kẽ để có nguồn thức ăn tươi quanh năm. Cùng với đó, ông tham khảo phương pháp ủ chua cây bắp làm thức ăn dự trữ và xuất khẩu. Tin vui đến với HTX của ông Phước là đầu năm 2018, lô bắp sơ chế đầu tiên được xuất khẩu bằng đường biển sang Hàn Quốc, từ đó đến nay, trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu đi 6 ngàn tấn thân cây bắp. Hiện tại, HTX đang liên kết tiêu thụ cây bắp cho trên 300 hộ nông dân với diện tích khoảng 270 hécta, ngoài ra, thu mua thường xuyên khoảng 100 hécta khác với giá dao động từ 800-1 ngàn đồng/kg.

“Tôi vừa ký thêm 1 hợp đồng xuất khẩu cây bắp sang Hàn Quốc với sản lượng 18-20 ngàn tấn bắp ủ chua/năm (gấp hơn 3 lần so với hợp đồng trước). Một số đối tác khác cũng đang tìm hiểu quy trình và đặt vấn đề hợp tác, thị trường xuất khẩu cây bắp có thể nói là đang rộng cửa. Trước mắt, HTX sẽ đẩy mạnh hợp tác với nông dân, nâng diện tích vùng nguyên liệu lên 500 hécta; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình VietGAP trong trồng cây bắp để nâng sức cạnh tranh, đảm bảo an toàn nguồn thức ăn và đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu” - ông Phước chia sẻ.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều