Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai quy định của Ban Bí thư về đào tạo lý luận chính trị

03:03, 16/03/2022

(ĐN) - Sáng 16-3, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 57-QĐ/TW ngày 8-2-2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.

 

(ĐN) - Sáng 16-3, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 57-QĐ/TW ngày 8-2-2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.

Tại điểm cầu Đồng Nai, các đồng chí: Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và Phạm Anh Dũng, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Theo đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Quy định 57-QĐ/TW có 4 chương, 12 điều. Trong đó, Chương I là quy định chung, gồm các nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Chương II là đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị; Chương III là phân cấp đào tạo lý luận chính trị và Chương IV là điều khoản thi hành.

Về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị có 3 cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

 Đối với hệ sơ cấp lý luận chính trị, đối tượng học tập là đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; công chức cấp xã (trừ trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã); người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung. Tiêu chuẩn chung để học sơ cấp lý luận chính trị là tốt nghiệp THCS trở lên.

Đối với đào tạo trung cấp lý luận chính trị, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ quân đội, công an, cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; giảng viên lý luận chính trị ở trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị. Tiêu chuẩn trung cấp lý luận chính trị là đảng viên dự bị hoặc chính thức; tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Cán bộ học hệ không tập trung là nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

Đối với đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức: cấp trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) cấp huyện, cấp tỉnh; cấp ủy viên cấp huyện trở lên; cấp ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo cấp ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh...

Cán bộ quân đội: chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện; trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương; chỉ huy cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh và tương đương; chỉ huy các cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược; ban giám đốc bệnh viện, viện nghiên cứu, chủ tịch, ban giám đốc công ty (tổng công ty) doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

Cán bộ công an: trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương trở lên; cán bộ quy hoạch những chức vụ trên. Cấp phó trưởng phòng (tương đương) của cục (tương đương) trực thuộc Bộ Công an.

Cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương đương).

Giảng viên có đủ 5 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

Tiêu chuẩn tham gia loại hình đào tạo cao cấp lý luận chính trị gồm đảng viên chính thức; tốt nghiệp đại học trở lên; cán bộ học hệ không tập trung (nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên).

Về phân cấp nhiệm vụ đào tạo: Trung tâm chính trị cấp huyện được giao đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; Trường chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Quy định cũng nêu rõ, các cơ sở đào tạo thuộc các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương hiện đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị sẽ kết thúc nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị từ ngày 1-1-2024. Các cơ sở này phải xây dựng lộ trình để kết thúc khóa học đối với các lớp khai giảng và các lớp đang đào tạo trung cấp chính trị trước ngày 31-12-2023.

Kết luận hội nghị, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy và cơ quan, đơn vị liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Quy định theo thẩm quyền. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, các cơ sở đào tạo thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong chọn cử, tổ chức, quản lý công tác đào tạo lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng và đưa công tác đào tạo lý luận chính trị vào nề nếp, kỷ cương theo đúng chỉ đạo của Trung ương. 

Phương Hằng

Tin xem nhiều