Báo Đồng Nai điện tử
En

Kích hoạt báo động đỏ cứu sống ca vết thương tim, phổi

08:01, 18/01/2022

(ĐN)- Các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đây vừa kích hoạt hệ thống báo động đỏ, khẩn cấp cứu sống bệnh nhân bị vết thương tim, phổi nguy cấp.

(ĐN)- Các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đây vừa kích hoạt hệ thống báo động đỏ, khẩn cấp cứu sống bệnh nhân bị vết thương tim, phổi nguy cấp.

Bác sĩ thăm khám vết thương cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Bác sĩ thăm khám vết thương cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật

BS Kiều Minh Sơn, khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân N.N.H., 22 tuổi, ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch nhập viện lúc 3 giờ sáng ngày 9-1 sau khi bị đả thương trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, có biểu hiện sốc mất máu, ghi nhận có một vết thương thấu ngực trước tim, kích thước khoảng 2x1cm.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy cấp, khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ. Các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức và khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch đã kịp thời có mặt, hội chẩn, xác định bệnh nhân bị một vết thương tim gây tràn máu màng tim cấp, tổn thương thất trái. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển lên phòng mổ. Tại phòng mổ, các bác sĩ đã tiến hành cưa xương ức, bộc lộ vết thương, nhận thấy có vết thương ở thất trái kích thước 1cm. Các bác sĩ đã mở màng ngoài tim, lấy máu tụ để tim nở ra. Sau đó tiến hành khâu cầm máu khẩn cấp cho bệnh nhân.

Theo TS-BS. Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, vấn đề chính của vết thương tim là bệnh nhân có nguy cơ đột tử rất nhanh, thường bệnh nhân sẽ tử vong ở ngoại viện do cấp cứu trễ. Do đó, yêu cầu cấp thiết nhất trong xử lý các ca vỡ tim, vết thương tim là phải chuyển bệnh nhân đến phòng mổ để xử lý càng sớm càng tốt. Bởi, vết thương tim nếu không được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến chèn ép tim cấp khiến bệnh nhân tụt huyết áp và tử vong. Việc nhận định tình hình bệnh nhân và quá trình chuyển bệnh nhân lên phòng mổ rất quan trọng, chiếm đến 50% sự thành công trong việc xử lý ca bệnh.

Qua ca bệnh này cho thấy sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, hiệu quả của cả ê kíp, từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, nhận định tình hình, cấp cứu ban đầu của khoa Cấp cứu, đến sự phối hợp, xử lý của khoa Gây mê hồi sức và khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều