Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ca nguy kịch do ngộ độc rượu

08:10, 14/10/2021

(ĐN) – Chiều 14-10, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận chữa trị nhiều ca ngộ độc rượu nặng, trong đó có 1 ca đã tử vong, các ca còn lại đa phần đều phải thở máy, lọc máu và điều trị tích cực.

* 1 bệnh nhân tử vong

(ĐN) – Chiều 14-10, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận chữa trị nhiều ca ngộ độc rượu nặng, trong đó có 1 ca đã tử vong, các ca còn lại đa phần đều phải thở máy, lọc máu và điều trị tích cực.

Nhiều bệnh nhân đang phải thở máy vì ngộ độc rượu. Ảnh: Ngọc Thành
Nhiều bệnh nhân đang phải thở máy vì ngộ độc rượu. Ảnh: Ngọc Thành

Theo đó, từ ngày 8-10 đến nay, khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận rải rác 10 bệnh nhân chuyển từ Trung tâm Y tế hoặc phòng khám đa khoa của huyện Nhơn Trạch với tình trạng chung là lơ mơ, hôn mê. Trong đó, 50% bệnh nhân phải thở máy, tiên lượng rất xấu.

Đáng chú ý, bệnh nhân N.V.T., 60 tuổi ngụ tại ấp 2, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch nhập viện vào tối 9-10 trong tình trạng đau đầu, hôn mê, nhồi máu não, suy hô hấp và ngưng tim nhiều lần ngay khi nhập viện. Do tình trạng nặng nên gia đình đã xin xuất viện ngay sau đó.

Hiện tại, có 4 ca được tiên lượng rất nặng và 1 ca tiên lượng tử vong do hôn mê sâu, nhiễm toan chuyển hóa mức độ nặng dù bệnh nhân đã được lọc máu và thở máy. Các ca còn lại đã cai được máy thở, có cải thiện nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng.

Theo bác sĩ CK1. Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, từ các triệu chứng của bệnh nhân, các bác sĩ dự đoán họ bị ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp pha thành rượu), tuy nhiên, phải chờ kết quả xét nghiệm cụ thể. Hậu quả của ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp là rất nguy hiểm, nặng nhất là bệnh nhân tử vong. Những trường hợp khác, dù điều trị tích cực, bệnh nhân phục hồi nhưng khả năng sẽ mất thị lực hoàn toàn. 

Ngoài nằm ở khoa cấp cứu, một số đã được chuyển đến các khoa khác để điều trị. Qua khai thác, 10 bệnh nhân nói trên tuy không nhập viện cùng lúc nhưng nhiều người lại ở cùng 1 xã và có thể mua rượu cùng 1 chỗ.

Bác sĩ Hà khuyến cáo, sau khi uống rượu nhiều sẽ thấy mệt nhưng đa số lại chủ quan, không nghĩ đến khả năng ngộ độc rượu nên đến bệnh viện muộn, ảnh hưởng đến tính mạng. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là hạn chế tối đa sử dụng rượu bia. Nhưng khi uống mà xuất hiện các triệu chứng như mệt, đau đầu, khó thở cần nhập viện sớm. 

Bích Nhàn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích