Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh năm 2013

06:10, 26/10/2021

(ĐN)– Ngày 26-10, tại Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

(ĐN)– Ngày 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về 2 dự án Luật gồm: dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến

Tại phiên họp này, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đã có phần phát biểu trọng tâm, sâu sắc trước Quốc hội về dự án Luật CSCĐ. Đại biểu Quản Minh Cường cho rằng, sau hơn 7 năm thực hiện Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, lực lượng CSCĐ đã thực sự phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Điển hình như chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời trấn áp các đối tượng có hành vi gây rối an ninh trật tự, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Cũng theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đặc thù của CSCĐ là lực lượng nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang, mà việc sử dụng các biện pháp vũ trang dễ đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích căn bản của công dân. Pháp lệnh CSCĐ 2013 đã quy định khá chi tiết, nhưng vẫn chưa đầy đủ, khoa học về phạm vi, mức độ, quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ.

Chính vì vậy, việc ban hành Luật CSCĐ thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng CSCĐ, cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, sẽ kịp thời khắc phục một số hạn chế bất cập của Pháp lệnh CSCĐ, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. “Đặc biệt là sẽ tránh được hai xu hướng hoặc là lạm quyền hoặc là thấy những việc cần phải sử dụng biện pháp vũ trang những sợ không dám sợ làm vì luật không có quy định” – đại biểu Quản Minh Cường phân tích.

Về nội dung liên quan đến hệ thống tổ chức và cơ cấu lực lượng CSCĐ, trước 2 phương án mà tờ trình Chính phủ nêu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với phương án 1. Theo đó, dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Mặt khác, bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức lực lượng theo yêu cầu thực tế đặt ra.

Thảo luận thêm về nội dung trang bị máy bay cho lực lượng CSCĐ trong dự thảo Luật, đại biểu Quản Minh Cường cho rằng, vấn đề ở đây không phải sử dụng máy bay hay không sử dụng máy bay, mà nhiệm vụ của CSCĐ cần sử dụng máy bay thì phải cho phép sử dụng.

Một trong nhiều lý do được Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh là trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá tinh vi, ngày càng manh động, coi thường pháp luật, thậm chí sử dụng trang thiết bị hiện đại, nhất là tội phạm buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức… Vậy nên, đối với lực lượng công an nói chung và cơ động nói riêng, việc trang bị thêm máy bay là nhu cầu cấp thiết, cần thiết. Qua đó, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề xuất, vấn đề cần phải quan tâm lưu ý thêm là phải sử dụng loại máy bay nào, sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào, quy chế phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân sự ra sao, chuyên môn nghiệp vụ khi sử dụng máy bay như thế nào nhằm kịp thời cơ động giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự…

Cũng tại phiên làm việc này, Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu trong cả nước về dự án Luật CSCĐ và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều