Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

03:09, 10/09/2021

(ĐN) – UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 10890/UBND - KTN gởi các sở, ban, ngành, các đoàn thể và UBND các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

(ĐN) – UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 10890/UBND - KTN gởi các sở, ban, ngành, các đoàn thể và UBND các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Giông lốc gây gãy đổ cây lâu năm và thiệt hại các công trình xây dựng tại H.Trảng Bom. Ảnh: A.L
Giông lốc gây gãy đổ cây lâu năm và thiệt hại các công trình xây dựng tại H.Trảng Bom. Ảnh: A.L

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện 4 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 đợt mưa lớn kèm theo dông, lốc làm 50 căn nhà bị tốc mái; ngập lụt 1.225 hộ dân; 4,1 ha lúa, hoa  màu bị thiệt hại; 10,3 tấn cá thoát ra ngoài; hơn 30 ha cây ăn trái, cây lâu năm bị rụng trái, gãy đổ; ngập lụt cục bộ một số tuyến đường giao thông...

Dự báo từ nay đến cuối năm, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có khoảng 7-9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển đông; trong đó 3-4 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền nước ta, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lỡ đất, mưa lớn cực đoan... Hiện Đồng Nai đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai.

Trong đó, cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, điều chỉnh phù hợp kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có phương án chủ động ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai như: sạt, lở, ngập lụt, lũ quét, lốc xoáy để cập nhật phương án ứng phó tại từng ngành, địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, cần quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương, những khu vực nuôi trồng thủy sản, bến đò ngang, bến thủy nội địa và các đối tượng có nhà tạm, nhà dưới cấp 4. Tổ chức cắm biển cảnh báo những vị trí có nguy cơ xảy ra ngập sâu, nước chảy siết, sạt lở đất để người dân chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai. Theo dõi sát tình hình thời tiết, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế để các cấp, các ngành và người dân chủ động ứng phó. Các sở, ngành, đơn vị chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng kế hoạch dự phòng, tổ chức công tác tuyên truyền, tập huấn cho lực lượng xung kích ứng phó với các tình huống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ.

 Các địa phương cần tập trung rà soát, kiểm tra phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố; sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ khi xảy ra tình huống.

Lê Quyên

Tin xem nhiều