Báo Đồng Nai điện tử
En

Bổ sung đối tượng để có từ 60-70% người dân được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

12:09, 27/09/2021

(ĐN) - Sáng 27-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương.

(ĐN) - Sáng 27-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong ngày 26-9, toàn tỉnh ghi nhận 616 ca Covid-19, gồm 2 ca ngoài cộng đồng, còn lại trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Cộng dồn đến nay toàn tỉnh có hơn 46,3 ngàn bệnh nhân Covid-19.

Về vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ cấp cho Đồng Nai 200 ngàn liều vaccine AstraZeneca để tiêm mũi 1 cho người dân thay thế 300 ngàn liều vaccine Sinopharm dự kiến trước đó. Để đảm bảo tiêu chí 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Bộ Y tế, Đồng Nai cần có thêm 500 ngàn liều vaccine nữa. Hiện còn hơn 100 ngàn liều vaccine tồn, số này sẽ dùng để tiêm mũi 2 cho người dân.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Ngành Y tế đang khẩn trương triển khai kế hoạch xét nghiệm thần tốc vòng 2 để bóc tách F0 tại các ấp, khu phố vùng đỏ, cam. Công tác điều trị đạt được tín hiệu khả quan khi số ca nguy kịch giảm, ngành Y tế sẽ sử dụng các loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân sớm hồi phục.

Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, tính đến nay tỉnh đã chi hỗ trợ số tiền hơn 509,6 tỷ đồng cho gần 9 ngàn đơn vị sử dụng lao động, hơn 225,7 ngàn người lao động và hơn 4,3 ngàn hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, đại biểu các Sở, Ban, ngành đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh có văn bản quy định cụ thể về các biện pháp phòng dịch đối với các đối tượng như Shipper, tài xế, người đi khám bệnh tại bệnh viện. Tăng cường tuyên truyền để các đối tượng được biết và thực hiện đúng. Bên cạnh đó, các địa phương cần có giải pháp để khi chuyển vùng xanh từ quy mô xã, phường xuống ấp, khu phố đạt hiệu quả, tránh tình trạng ngày hôm trước chuyển sang xanh, ngày hôm sau chuyển sang đỏ, vàng, cam. Đề cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ các vùng xanh, tránh để dịch bệnh xâm nhập.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Huy Anh
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Huy Anh

Về cấp giấy đi đường, đến nay ngành Công an đã cấp 55 ngàn giấy đi đường cho người dân theo lộ trình mở dần từng bước có kiểm soát. Sau khi gỡ bỏ phong tỏa một số phường, xã, số chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giảm từ 1.720 chốt xuống còn 1.520 chốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác giãn cách phòng dịch, nhất là tại 3 xã của Trảng Bom, một số phường của Biên Hòa vì những ngày qua các xã, phường này liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19.  Thực tế tại Biên Hòa những ngày qua giãn cách không tốt, đề nghị tập trung vừa chống dịch vừa giãn cách tốt, nếu không sẽ rất nguy hiểm, điển hình là P.Trảng Dài ngày hôm qua đã xuất hiện 46 ca F0.

Công tác xét nghiệm thần tốc để đạt hiệu quả phải vừa giãn cách vừa xét nghiệm nhanh. Làm sao phải làm gọn, muốn gọn phải xét nghiệm cho hết 100% người dân ở khu vực đỏ, cam. Trước khi xét nghiệm, tổ xét nghiệm phải có danh sách người dân làm xét nghiệm, ngoài nhân viên y tế tham gia còn phải có công an, thành viên Tổ Covid cộng đồng để nắm cho chắc số lượng, không bỏ sót đối tượng. Ai làm xét nghiệm xong phải ký tên vào danh sách. Nếu xét nghiệm không hết 100% người dân ở vùng đỏ, cam, bỏ sót đối tượng nguy cơ sẽ khiến dịch bệnh dây dưa kéo dài. Do đó, trong những ngày tới, lãnh đạo tỉnh sẽ đi kiểm tra đột xuất công tác xét nghiệm thần tốc ở các vùng đỏ, cam

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

“Nếu cứ ơ thờ, không làm nghiêm việc xét nghiệm 100% người dân ở khu vực vùng đỏ, cam thì lãng phí tiền của của nhân dân, có xây dựng 10 kế hoạch cũng không làm được. Tỉnh có cố gắng bao nhiêu, rót bao nhiêu tiền của, sinh phẩm xuống cũng như không, lãng phí vô cùng. Đề nghị ngành Y tế chấn chỉnh công tác xét nghiệm. Thứ 2, 3, 4 này, tỉnh sẽ đi kiểm tra đột xuất, những nơi nào không thực hiện theo hướng dẫn thì đừng có trách” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ cấp thêm 2 dàn máy xét nghiệm PCR và 3 triệu test nhanh. Đồng thời, có văn bản đề xuất để UBND tỉnh phê duyệt giao cho các huyện có chức năng đầu tư, xây mới, sửa chữa trạm y tế.

Để kiểm soát chặt chẽ công nhân lao động thực hiện phương án 1 cung đường, 2 địa điểm, điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cấp giấy đi đường cho người lao động theo đúng quy định, tại các chốt kiểm soát, nếu người lao động không đi lại không đúng địa điểm thì xử phạt.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, mục tiêu hiện tại của tỉnh là mở dần vùng xanh để phát triển kinh tế, cho phép xuất hiện F0 nhưng khi có ca F0 phải bình tĩnh quản lý, xử lý tốt. Nếu sợ rủi ro mà đóng cửa hết thì kinh tế không phát triển được, người dân không phát triển được. Do vậy, không cứng nhắc, không khóa chặt, mà phải có biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả.

Công tác xét nghiệm thần tốc cần thực hiện nghiêm túc hơn, nếu thiếu nhân lực thì bổ sung nhân lực để xét nghiệm cho hết 100% dân ở vùng đỏ, cam, đảm bảo sau 3 ngày có kết quả sớm. Lực lượng chức năng cần có giải pháp khuyến dụ người dân ra lấy mẫu 100%, dùng biện pháp an sinh để khuyến khích người dân chấp hành tốt.

Tỉnh Đồng Nai có chủ trương khuyến khích người dân tự làm test nhanh tại nhà nhưng nhà thuốc lại không được bán test nhanh vì vướng quy định giấy phép. Ngành Y tế cần sớm có biện pháp tháo gỡ để thực hiện, chủ trương đưa ra phải khả thi chứ không nói cho vui.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cần quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng của các phòng khám trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp để khi các doanh nghiệp sản xuất trở lại, nếu có ca F0 thì được xử lý nhanh gọn, hiệu quả.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Về công tác an sinh xã hội, toàn tỉnh có hơn 3,2 triệu dân nhưng mới hơn 300 ngàn người dân được hỗ trợ. Đây là tỷ lệ rất thấp so với một số địa phương lân cận. Do vậy, từ tỉnh đến khu phố, ấp phải xem xét lại để mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ, làm sao để có từ 60-70% người dân được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Các địa phương cần xem lại tư duy, cách làm để bổ sung đối tượng được thụ hưởng, giúp người dân vơi bớt phần nào khó khăn trong đại dịch. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh việc nhận đơn, xử lý đơn thư phản ánh của người dân, thông tin lại cho người dân, đừng để người dân đã khó khăn trong cuộc sống lại ức chế bởi cách làm của cán bộ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều